Mất tiền vì ‘khởi nghiệp’ bằng… mã số
Nghe tên “Câu lạc bộ Khởi nghiệp VN”, nhiều người tưởng đây là địa chỉ làm ăn nên tham gia đóng tiền, để rồi ôm “quả đắng”.
Mất tiền vì ‘khởi nghiệp’ bằng… mã số
Nghe tên “Câu lạc bộ Khởi nghiệp VN”, nhiều người tưởng đây là địa chỉ làm ăn nên tham gia đóng tiền, để rồi ôm “quả đắng”.
Những ngày qua, nhiều người dân tại khu vực ngã ba Vũng Tàu (P.Long Bình Tân, xã Phước Tân, thuộc TP.Biên Hoà, Đồng Nai) và một số nơi khác tại TP.Biên Hoà như “ngồi trên lửa” vì người xưng là đại diện cho Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp VN “biến mất”.
Theo thông báo về việc áp dụng chính sách cho thành viên mới tham gia vào CLB này từ ngày 1.12.2015, mỗi người đóng 100.000 đồng tiền phí tham gia CLB (sẽ được cấp 1 mã số) và phải mua thêm 2 mã số tốn 200.000 đồng và đóng phí hằng tháng cho mỗi mã số là 150.000 đồng, tổng cộng một người mới tham gia đóng lần đầu là 750.000 đồng cho 3 mã số. Sau đó, tháng thứ hai, người tham gia cứ đóng phí trên số lượng mã số mình đã mua. Kèm theo đó, để tiếp tục tham gia trong CLB, trong vòng 60 ngày (kể từ ngày tham gia), mỗi người phải phát triển đội nhóm kinh doanh ít nhất là 2 người. Những người tham gia sau đó cũng phải tiếp tục phát triển thành viên mới…
Với mỗi mã số, tháng đầu tiên người tham gia sẽ được trả 200.000 đồng, tháng tiếp theo trả 400.000 đồng, cứ thế, tháng sau được trả gấp đôi tháng trước đó, nhưng CLB sẽ trừ phí đóng mã số hằng tháng (như nói trên), chứ không phải được nhận toàn bộ. Theo CLB này tính toán, với một mã số, sau 12 tháng người tham gia sẽ nhận được số tiền lên đến 411 triệu đồng (?). Như vậy 1 người tham gia ít nhất 3 mã số sẽ nhận hơn 1,2 tỉ đồng.
Theo ông Phạm L. (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hoà), vào tháng 11.2015, CLB bắt đầu hoạt động tại khu vực này. “Dù mang tên là khởi nghiệp nhưng không thấy đại diện CLB này kêu gọi kinh doanh bất cứ thứ gì mà người tham gia chỉ có việc đóng tiền hằng tháng”. Ông L. và con gái đều tham gia (mỗi người mua 3 mã số) và đóng tiền từ tháng 12.2015 cho đến tháng 3.2016. Các thành viên mua mã số được tham gia vào trang web chung có tên www.clbkhoinghiep.com.vn, từ đó theo dõi “cây hệ thống” về những thành viên phía dưới của mình. Mỗi tháng, đến kỳ hạn đóng tiền, mã số các thành viên sẽ hiển thị các màu sắc tương ứng với việc đã đóng tiền hay chưa: màu xanh lá cây (hoàn thành), màu xanh dương (báo động chưa đóng tiền, sắp đến kỳ hạn) và màu đỏ (quá kỳ hạn vẫn chưa đóng tiền).
Ôm quả đắng
Đứng ra liên hệ, làm việc với các thành viên là một người có tên Lê Thái Hoàng – đây cũng là tên chủ tài khoản ngân hàng mà các thành viên đóng tiền cho CLB. Nhưng trong quá trình hoạt động, người này có nhiều dấu hiệu khó hiểu.
Sau khi đóng tiền tham gia CLB, tháng 1.2016, ông L. nhận được 400.000 đồng từ CLB (sau khi trừ phí mã số). Từ đó về sau, ông không nhận được bất kỳ số tiền nào nữa dù ông vẫn đóng tiền đầy đủ. Không chỉ ông L., các thành viên khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Chẳng hạn, chị N. là thành viên phía trên ông L. của “cây hệ thống”; chị T. là thành viên trên chị N. Sau khi tham gia, chị T. được CLB trả 1 lần duy nhất (hơn 7 triệu đồng); chị N. được trả hơn 2 triệu đồng.
Sau khi các thành viên có ý kiến về chuyện tiền nong, đầu tháng 3.2016, Hoàng tổ chức một cuộc họp tại một quán cà phê ở ngã ba Vũng Tàu và giải thích lý do mọi người không nhận được tiền vì “các thành viên phía dưới có quá nhiều người không đóng phí”. Hoàng đề nghị khắc phục việc này bằng cách những thành viên đang hoạt động mua lại mã số của các thành viên vi phạm (chưa đóng tiền) theo đúng số tiền mà thành viên vi phạm còn nợ. Các thành viên tiếp tục bị thuyết phục và họ đồng ý bỏ tiền mua thêm mã số cho các thành viên khác phía dưới mình. Nhiều người bỏ tiền mua lại rất nhiều mã số. Sau buổi họp này, Hoàng cho biết tất cả đã hợp lệ và sẽ chứng nhận lại các mã số vi phạm thành “màu xanh lá cây” vào ngày 26.3.2016.
Tuy nhiên, kéo dài đến ngày 4.4, hệ thống này vẫn hiển thị nhiều thành viên vi phạm. Những người tham gia tiếp tục phản ứng mạnh thì vài ngày sau trang web www.clbkhoinghiep.com.vn bất ngờ bị “sập”, không thể truy cập được. Sự việc kéo dài đến nay (ngày 11.5) và Hoàng cũng “biến mất”, không hề xuống địa bàn của các thành viên bất kỳ một lần nào nữa.
Tính đến khi trang web bị “sập”, theo thể hiện trên “cây hệ thống”, dưới ông L. có khoảng 30 người, dưới con gái ông có 92 người, chị N. có 359 người. Riêng chị T. là trưởng nhóm ở địa bàn này thì có đến cả ngàn thành viên bên dưới. Người đóng ít tiền nhất là gần 4 triệu đồng, nhiều nhất lên đến gần cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, theo các nạn nhân, có rất nhiều nhóm tương tự tại TP.Biên Hòa tham gia vào CLB này.
Trong những lần liên hệ, làm việc cũng như liên lạc bằng ứng dụng Zalo để trò chuyện nhóm với các thành viên tham gia, Hoàng đều cho biết trụ sở của CLB là ở một tòa nhà tại đường Phạm Văn Chiêu, P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến địa chỉ này thì đây là một chung cư đang xây dựng! Những số điện thoại Hoàng cho thành viên trước đó đều có thể liên lạc nhưng những người bắt máy đều cho biết mình không phải là Hoàng!
Ông Lê Văn Làm, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết Sở Nội vụ chưa hề cấp giấy phép trú đóng cũng như giấy phép hoạt động cho CLB Khởi nghiệp VN.
Câu lạc bộ “từ thiện đa cấp”
Trước khi tham gia cái gọi là CLB Khởi nghiệp VN, vào tháng 8.2015, cả ông L., chị N., chị T. và hàng trăm người khác tại khu vực này cũng tham gia vào CLB “Tình nguyện từ thiện và An sinh xã hội VN”. Cách hoạt động của CLB này cũng tương tự CLB Khởi nghiệp VN, chỉ khác về mã số và phí tham gia. CLB này cũng hứa hẹn, mỗi thành viên tham gia có thể nhận được 819 triệu đồng đến hơn 8 tỉ đồng trong vòng một năm. Nhưng cũng chỉ hoạt động khoảng 3 tháng, CLB này ngừng hoạt động tại địa bàn TP.Biên Hòa. Trong thời gian ngắn, hàng trăm người đã đóng tiền từ khoảng 5 triệu đến vài chục triệu đồng (nhờ người trong gia đình đứng tên mua nhiều mã số).
|
Tú Sơn