Bị cáo al-Qaeda gốc Việt đối diện mức án 50 năm tù
Minh Quang Pham có thể sống nốt phần đời còn lại trong nhà tù nếu bị kết tội khủng bố vào tuần tới.
Bị cáo al-Qaeda gốc Việt đối diện mức án 50 năm tù
Minh Quang Pham có thể sống nốt phần đời còn lại trong nhà tù nếu bị kết tội khủng bố vào tuần tới.
Đài ABC News hôm qua 11.5 đưa tin các công tố viên Mỹ đã đề nghị mức án 50 năm tù giam đối với Minh Quang Pham, người gốc Việt bị buộc tội tấn công khủng bố nhằm vào sân bay Heathrow ở thủ đô London (Anh) năm 2011. Theo các công tố viên Mỹ, hồ sơ của bị cáo 33 tuổi đã được đệ trình lên tòa án liên bang quận Manhattan ở TP.New York vào ngày 10.5. Phiên tòa tuyên án Pham sẽ diễn ra ngày 16.5.
Bộ máy tuyên truyền
Pham vốn là người Anh gốc Việt. Theo tờ The Guardian, Pham sang Anh từ nhỏ và năm 2005 đến sống tại khu New Cross ở phía nam London. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành thiết kế đồ họa, anh ta lập trang web cũng như mở công ty chuyên về thiết kế tờ rơi. Không lâu sau, Pham cải sang đạo Hồi và được biết đến với biệt danh Amin trong các diễn đàn dành cho những kẻ cực đoan.
Truyền thông Anh cho hay nghi phạm gốc Việt đã thề trung thành với tổ chức al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) và được nhóm này huấn luyện sau khi đến Yemen hồi tháng 12.2010. Tháng 7.2011, Pham từ Bahrain về tới sân bay Heathrow thì bị bắt. Cảnh sát tìm thấy một băng đạn trong hành lý của Pham. Tháng 2.2015, Pham bị dẫn độ từ Anh sang Mỹ do bị Washington truy nã vì có tên trong danh sách “đen”.
Theo tờ The New York Times dẫn bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, Pham bị buộc tội cung cấp hỗ trợ vật chất cho AQAP – một chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda tại Yemen. Giới chức điều tra cho biết trong thời gian ở Yemen, Pham đã hỗ trợ thiết kế, làm hình ảnh đồ hoạ cho các bài báo đăng trên tạp chí tuyên truyền khét tiếng Inspire của AQAP. Đây là tạp chí xuất bản trên mạng bằng tiếng Anh với mục đích thu hút những kẻ ủng hộ thánh chiến.
Bị cáo gốc Việt cũng bị cáo buộc lúc ở Yemen đã gặp hai công dân Mỹ có mật danh CC-1 và CC-2 để phối hợp sản xuất các đoạn clip tuyên truyền cho AQAP. Theo trang International Business Times, hai công dân Mỹ trên chính là giáo sĩ cực đoan khét tiếng Anwar al-Awlaki và Samir Khan, những kẻ có vai trò điều hành hoạt động tuyên truyền của AQAP lúc bấy giờ. Với sự giúp sức của chuyên gia thiết kế web gốc Việt, tạp chí Inspire đã cho đăng hàng loạt bài tuyên truyền với nội dung chỉ cách chế tạo bom từ vật liệu sẵn có trong nhà bếp. Các nhà điều tra sau đó phát hiện nhiều nghi can khủng bố ở Anh đã lấy thông tin từ tài liệu trên Inspire để học chế tạo bom.
Trong khi đó, để “trả ơn”, các chỉ huy cấp cao của AQAP huấn luyện Pham cách sử dụng súng trường Kalashnikov, chế tạo bom cũng như cách triển khai kế hoạch đánh bom khủng bố. Theo bản cáo trạng, Pham được cho là đã biết AQAP dính líu đến các hoạt động khủng bố song vẫn “nhắm mắt” tham gia.
AQAP từng đứng sau hàng loạt âm mưu tấn công nhằm vào Mỹ và các nước phương Tây. Trong thời gian qua, AQAP cũng kêu gọi các tay súng tấn công vào dân thường, đồng thời thừa nhận đã phối hợp thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài, trong đó có cuộc tấn công toà soạn báo Charlie Hebdo ở Pháp tháng 1.2015 làm nhiều người thiệt mạng.
Vũ khí lợi hại
Mặc dù người thân của Pham từng tuyên bố anh ta không phải là tội phạm khủng bố, song bị cáo gốc Việt đã nhận tội tại một toà án Mỹ hồi tháng 1. Theo AP, Pham thừa nhận đã hậu thuẫn, cung cấp tài liệu cho nhóm AQAP, tham gia huấn luyện theo kiểu quân sự từ tổ chức khủng bố và sở hữu vũ khí bất hợp pháp.
Pham còn khai rằng chính al-Awlaki huấn luyện anh ta cách chế tạo bom và lên kế hoạch đánh bom khủng bố sân bay Heathrow. Thủ lĩnh AQAP này cũng đã chỉ đạo Pham quay về Anh và đưa 10.000 USD làm lộ phí. Nhưng kế hoạch đánh bom Heathrow bất thành do Pham bị bắt ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay. Còn al-Awlaki đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ tại Yemen không lâu sau khi Pham bị bắt.
Theo Hãng tin AP, bất chấp việc Pham đã thành khẩn nhận mọi tội khủng bố, các công tố viên Mỹ vẫn đề nghị mức án nặng đối với anh ta. Họ cho rằng chính kiến thức, sự khôn khéo cùng khả năng lôi kéo người tham gia của Pham sẽ khiến anh ta trở thành “vũ khí lợi hại” khi rơi vào tay lực lượng khủng bố. Các công tố viên còn yêu cầu tòa án bác bỏ mọi lập luận nhằm giảm nhẹ tội cho Pham.
Trong khi đó, luật sư của Pham, bà Bobbi Sternheim, lập luận rằng thân chủ của mình đã lên án chủ nghĩa khủng bố, chưa bao giờ có ý định thực hiện hành vi bạo lực nên không đáng phải ngồi tù quá 30 năm, đặc biệt là nguy cơ bị biệt giam có thể khiến Pham rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Luật sư Sternheim còn nói rằng không có bằng chứng cho thấy Pham đã làm điều gì gây hại tại sân bay Heathrow.
Một người gốc Việt lãnh 13 năm tù vì ủng hộ khủng bố
Tòa án ở TP.Los Angeles thuộc bang California (Mỹ) hồi cuối tháng 6.2014 đã kết án một người Mỹ gốc Việt 13 năm tù giam vì tội tìm cách hỗ trợ tổ chức khủng bố al-Qaeda. Theo Reuters, Sinh Vinh Ngo Nguyen (ảnh), nay 27 tuổi, còn phải chịu quản thúc 10 năm sau khi mãn hạn tù. Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 8 – 10.2013, Nguyen liên lạc với một nhân viên Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mà anh ta nghĩ là nhà tuyển mộ của al-Qaeda. Nguyen nói với nhân viên FBI chìm rằng anh ta sẽ đến Pakistan qua ngả Mexico để tập huấn với al-Qaeda, theo tờ The Washington Times.
Không lâu sau, Nguyen bị bắt tại một trạm xe buýt ở TP.Santa Ana. Lúc bị bắt, Nguyen mang theo một hộ chiếu giả và một đĩa cứng chứa khoảng 200 đoạn video huấn luyện cách sử dụng vũ khí và đang chuẩn bị lên xe buýt sang Mexico.
Nguyen bị truy tố về 2 tội: âm mưu hỗ trợ vật chất cho al-Qaeda và đưa ra những lời khai giả trong đơn xin cấp hộ chiếu. Nguyen khai anh ta đã sang Syria cuối năm 2012 để tham gia các lực lượng chống Tổng thống Bashar al-Assad. Trong thời gian 4 tháng ở đây, Nguyen đưa lên mạng thông tin mình đang chiến đấu chống chính quyền Tổng thống al-Assad và rằng anh ta có “kỹ năng”. Sau khi trở về Mỹ, Nguyen cho biết anh ta đã đề nghị huấn luyện lực lượng al-Qaeda ở Syria nhưng bị từ chối. Nguyen từng theo đạo Thiên Chúa và đã cải đạo sang Hồi giáo, lấy tên là Hasan Abu Omar Ghannoum.
|
Danh Toại