Tự tạo cơ hội: Làm giàu từ quýt nghịch mùa
Ông Lê Ngọc Bích là nhà vườn đầu tiên ở Đồng Tháp nghiên cứu xử lý cho cây quýt ra trái nghịch mùa và đã thành công, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Tự tạo cơ hội: Làm giàu từ quýt nghịch mùa
Ông Lê Ngọc Bích là nhà vườn đầu tiên ở Đồng Tháp nghiên cứu xử lý cho cây quýt ra trái nghịch mùa và đã thành công, mang lại thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Bích (56 tuổi, ngụ xã Tân Phước, H.Lai Vung) cho biết trước đây gia đình ông sống bằng nghề làm ruộng. Thấy người dân trồng quýt hồng Lai Vung cho thu nhập khá nên ông mạnh dạn bán hết ruộng, mua 3 công đất vườn trồng quýt.
Từ thợ thành thầy
Nhờ chịu khó học hỏi sách nông học, kinh nghiệm các nhà vườn và không nản chí vượt qua những thất bại ban đầu, một thời gian sau vườn quýt của ông trúng mùa liên tiếp. Tích lũy tiền bán quýt, ông mua thêm 6 công đất trồng thêm. Dần dà, từ một người học hỏi, ông Bích đã vượt lên trở thành bậc “thầy” trồng quýt, nổi tiếng cả vùng.
Năm 2010, tại festival trái cây tổ chức lần đầu tiên tại Tiền Giang, ông Bích đưa quýt hồng dự thi và được Bộ NN-PTNT tặng bằng khen nhà vườn sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng trái quýt hồng. Năm 2015, ông là một trong số các nhà nông giỏi của tỉnh Đồng Tháp được chọn đưa sản phẩm quýt hồng đến tham dự Hội chợ khoa học và thiết bị công nghệ Techmart 2015 tổ chức tại Hà Nội.
Trúng giá
Bình thường, mùa thu hoạch quýt hồng là những ngày cận tết, tuy có năm giá cao nhưng cũng có năm rủi ro do giá không ổn định, ngay lúc trái rộ rất khó thuê người hái… Những băn khoăn đó khiến ông bật ý định, sao không thu hoạch quýt vào thời điểm khác trong năm, chẳng hạn từ tháng 2 âm lịch trở về sau, thay vì hái bán trước tết. Ông tính các tháng sau tết nắng nóng người ta thích ăn quýt để giải nhiệt, đồng thời cũng có những ngày cúng bái, lễ lộc nên cần những loại trái cây có màu đẹp như quýt hồng để trên bàn thờ. Quan trọng hơn, lúc đó lượng quýt chính vụ đã bán hết nên quýt nghịch vụ sẽ độc quyền, không phải cạnh tranh.
Ông Bích chia sẻ: “Quýt là trái trước cúng sau ăn nên các ngày rằm lớn như rằm tháng giêng, ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5.5 và rằm tháng 7, rằm tháng 10 bán rất chạy. Trồng quýt nghịch mùa năng suất cao lắm cũng đạt 80% so với quýt thuận mùa nhưng bù lại giá cao hơn, có khi bán giá trên 30.000 đồng/kg trong khi vào Tết Nguyên đán giá quýt cao nhất cũng chỉ từ 25.000 – 28.000 đồng/kg”.
Từ suy nghĩ này, ông tìm tòi, nghiên cứu xử lý cho quýt ra trái nghịch mùa. Năm 2006, ông thử nghiệm trên mảnh vườn 2.000 m2, dùng màng phủ nông nghiệp che toàn bộ gốc quýt để rễ cây ít tiếp xúc nước, tác động đến sinh trưởng của cây. Sau đó, kéo dài thời gian tưới nước trên thân, nhánh, cành và thay đổi cách bón phân… làm cho cây chậm ra hoa, kết trái. Sau nhiều năm thử nghiệm, cuối cùng ông Bích đã nắm được bí quyết làm cho quýt hồng ra trái nghịch mùa, thời điểm thu hoạch từ tháng 3 đến rằm tháng 10 (âm lịch).
Năm 2012, ông Bích tiếp tục cho quýt ra trái nghịch mùa trên 6.000 m2 vườn và liên tục trúng mùa, trúng giá. Năm 2014 và 2015, vườn quýt nghịch mùa của ông tiếp tục trúng giá (trên dưới 30.000 đồng/kg). Ông cho biết trong khi giá quýt thuận mùa vào cận Tết Nguyên đán 2016 rớt thê thảm, dưới 18.000 đồng/kg, nhiều người chán nản, quýt nghịch mùa của ông bán trong tháng 3 vừa qua giá 25.000 đồng/kg, thu lãi cao, chưa kể đợt trái sắp thu hoạch trong các tháng tới.
“Có thể neo chờ giá 30.000 đồng/kg. Nhưng năm nay khô hạn khắc nghiệt, nếu neo lâu sẽ ảnh hưởng đợt ra trái non sắp tới của quýt nên thấy giá có lời là tôi bán liền”, ông Bích nói thêm. Từ thành công của ông Bích, hiện có khoảng 10 nhà vườn ở H.Lai Vung đã chuyển đổi sang trồng quýt hồng nghịch mùa.
Thanh Dũng