Tự tạo cơ hội: Trồng thanh long trên đất phèn mặn
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Quách Bình (52 tuổi) đã làm giàu từ trồng thanh long ruột đỏ ngay trên vùng đất phèn mặn.
Tự tạo cơ hội: Trồng thanh long trên đất phèn mặn
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông Quách Bình (52 tuổi) đã làm giàu từ trồng thanh long ruột đỏ ngay trên vùng đất phèn mặn.
Khoảng 6 năm trước, vùng đất Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Quới, TX.Ngã Năm (Sóc Trăng) lung trũng nhiều, nhiễm phèn mặn, cỏ dại mọc um tùm nên năng suất trồng lúa rất thấp. Nhiều hộ chuyển sang trồng các loại hoa màu nhưng cũng không khá hơn so với lúa.
Với quyết tâm làm giàu, ông Bình đã đến các tỉnh Long An, Tiền Giang tham quan, học hỏi mô hình trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư đào đất, bao bờ, xây hệ thống trụ bê tông để trồng 200 gốc thanh long. Thật bất ngờ và phấn khởi, cây nhanh chóng thích nghi với đất phèn mặn, phát triển tốt, không hao hụt trụ nào, khoảng 2 năm sau cho trái sum suê.
Ông Bình chia sẻ kinh nghiệm: Muốn trồng thanh long năng suất cao, cần làm mô đất cao từ 10 – 15 cm, đường kính 60 – 80 cm để cây không bị ngập úng vào mùa mưa. Mô đất được lấy từ đất mặt của ruộng, trộn với phân chuồng (15 – 20 kg) hoặc phân hữu cơ (10 – 15 kg) cho mỗi trụ. Nên chọn những cành thanh long dài (30 – 40 cm), to, khoẻ, thẳng, không bị sâu bệnh để trồng. Sau khi cắt cành, nhúng vào dung dịch thuốc trừ nấm rồi mới trồng. Ngoài ra, có thể giâm cành cho đến khi ra rễ và đâm chồi rồi trồng. Mật độ trồng bình quân 100 trụ/công đất, khoảng cách giữa các trụ khoảng 3 m.
Theo ông Bình, thanh long ruột đỏ có thể trồng bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới tiêu và khi mùa khô tới thì cây đã đủ lớn, chịu được nhiệt độ cao. Khi trồng, đặt cành xuống đất, mặt phẳng của thân thanh long ôm sát vào trụ, dùng dây ni lông cột cành vào trụ, mỗi trụ đặt 4 cành. Sau khi đặt cành phải tưới nước thường xuyên 2 lần/ngày với lượng nước vừa đủ. Khi cây sinh trưởng, phát triển, tuỳ theo thời tiết mà tưới nước cho cây, cần chú ý không để quá khô và không quá ẩm, phải khơi thông, thoát nước khi có mưa lớn để tránh gây ngập úng gốc. Thanh long ít bị sâu bệnh nên chi phí thấp hơn so với trồng lúa và hoa màu. Loại này không kén phân, có thể bón phân hữu cơ hoặc phân hóa học, mỗi năm 2 lần. Khi bón phân xới nhẹ xung quanh gốc, bỏ phân cách gốc 15 – 30 cm, cho phân đều khắp tán và dùng rơm rạ, cỏ ủ gốc. Bình quân mỗi trụ thanh long cho 70 – 80 trái, mỗi trái đạt trọng lượng từ 300 gr trở lên.
Thanh long ruột đỏ thường được thương lái thu mua với giá khá cao, từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, riêng mùa nghịch khoảng 60.000 đồng/kg. “Trồng thanh long hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa. Gia đình tôi trồng 2 công, mỗi năm lợi nhuận trên 50 triệu đồng. Nếu trồng lúa, mỗi công lời cao lắm chỉ khoảng 2 triệu đồng. Sắp tới tôi sẽ mở rộng diện tích, trồng thêm khoảng 300 trụ thanh long. Ngoài ra đang trồng thử nghiệm 60 trụ thanh long ruột vàng”, ông Bình phấn khởi cho biết.
Từ thành công của ông Bình, nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Quới đã mạnh dạn áp dụng, nhân rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ với số lượng lên đến hàng ngàn trụ.
Trần Thanh Phong