24/01/2025

Kêu cứu trước nguy cơ phá sản do quy định mập mờ

Chủ cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt – Vietfoods kêu cứu với lý do doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản do những quy định không rõ ràng.

 

Kêu cứu trước nguy cơ phá sản do quy định mập mờ

 

Chủ cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt – Vietfoods kêu cứu với lý do doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản do những quy định không rõ ràng.

 

 

 

 

Kêu cứu trước nguy cơ phá sản do quy định mập mờ
Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra sản phẩm xúc xích của Công ty Vietfoods sản xuất ngày 20-4 – Ảnh: cơ quan chức năng cung cấp

Ông Lưu Minh Sang, chủ cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt – Vietfoods (Bến Cát, tỉnh Bình Dương), vừa tìm đến báo Tuổi Trẻ kêu cứu với lý do doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản, phải đóng cửa do những quy định không rõ ràng.

Theo ông Sang, doanh nghiệp này đã sản xuất theo đúng giấy phép, nhưng sản phẩm của Vietfoods lại bị cơ quan quản lý thị trường Hà Nội xử lý với lý do có tồn dư chất cấm sodium nitrate. Trong khi đó, cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm khẳng định chất sodium nitrate không nằm trong danh mục cấm.

Kẻ xử phạt, người bảo không vi phạm

Ông Sang cho biết đơn vị vừa nhận được biên bản vi phạm hành chính của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đối với hành vi sản xuất hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, tại văn bản phúc đáp về việc sử dụng phụ gia thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Sở Y tế Bình Dương nêu rõ việc thực hiện của cơ sở là đúng quy định.

“Chưa nói đến những thiệt hại cơ sở đang phải gánh chịu, tôi thật sự hoang mang không biết phải hiểu sao cho đúng. Chất phụ gia cơ sở đang sử dụng (sodium nitrate) theo quy định hiện nay có phải chất cấm, chất gây ung thư hay không? Nếu muốn sản xuất trở lại cũng không biết phải làm sao” – ông Sang bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi thực hiện kiểm tra tại Công ty TNHH thương mại Hùng Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào ngày 20-4, Đội QLTT 14 – Chi cục QLTT Hà Nội đã tạm giữ khoảng 2,2 tấn xúc xích do Công ty Vietfoods sản xuất với nghi vấn chứa chất cấm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy những mẫu xúc xích này chứa chất sodium nitrate-251 với hàm lượng từ 55mg/kg đến 100mg/kg.

Từ kết quả này, Chi cục QLTT Hà Nội lập văn bản xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở Vietfoods. Tuy nhiên, ngày 25-4, sau khi thanh tra cơ sở Vietfoods, đoàn thanh tra liên ngành tỉnh Bình Dương (gồm Sở NN&PTNT, Chi cục QLTT, Chi cục ATVSTP…) đưa ra kết luận cơ sở này không có vi phạm. Kết luận nêu rõ Vietfoods sản xuất có đầy đủ hồ sơ pháp lý và hồ sơ đủ điều kiện an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm theo đúng quy định 
hiện hành.

“Trong công bố Phù hợp quy định an toàn thực phẩm của cơ sở được Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Dương cấp, nêu rõ cơ sở có sử dụng chất sodium nitrate với tác dụng ổn định màu. Công bố này có hạn sử dụng đến tháng 6-2016, do đó cơ sở đã làm đúng theo quy định hiện hành về quản lý phụ gia thực phẩm” – ông Nguyễn Thành Danh, phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, phó trưởng đoàn thanh tra liên ngành, 
khẳng định.

Sodium nitrate 
không phải chất cấm

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-5, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết cơ quan này đang yêu cầu Bình Dương kiểm tra sản phẩm xúc xích Vietfoods, xác định xem đây là sản phẩm ăn ngay hay phải qua chế biến nhiệt, nhằm có cách xử lý phù hợp.

Cục ATTP cũng cho biết châu Âu vẫn cho phép sử dụng phụ gia sodium nitrate trong các sản phẩm có chứa thịt và dùng ăn ngay, trong đó có xúc xích ăn ngay. Riêng các loại thịt cần qua chế biến chưa có công bố.

Theo một chuyên gia của Cục ATTP, lẽ ra khi xử lý vụ việc này, cơ quan QLTT Hà Nội nên trao đổi với Chi cục ATVSTP Bình Dương, cơ quan đã cấp giấy tiếp nhận công bố tiêu chuẩn chất lượng để xử lý chính xác hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các quy định về phụ gia thực phẩm hiện hành của Bộ Y tế nêu rõ sodium nitrate nằm trong danh mục được phép sử dụng. Tuy nhiên, trong phụ lục hướng dẫn về hàm lượng không đề cập đến việc sử dụng trong xúc xích. Trong khi đó, quy định của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cho phép sử dụng với hàm lượng không vượt quá 300mg/kg.

Trao đổi với chúng tôi, một số chuyên gia cho rằng do những mập mờ trong quy định, không chỉ cơ quan quản lý trực tiếp lúng túng trong cách hiểu và xử lý, mà bản thân các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn.

“Danh mục phụ gia hiện chưa thống nhất giữa châu Âu, Mỹ và Codex, nhưng những phụ gia được phép thường không độc như những loại không được phép. Ở vụ việc này, sodium nitrate là phụ gia được phép” – một chuyên gia khẳng định.

Cũng theo chuyên gia này, trong vụ việc của Vietfoods rất cần kiểm tra kỹ loại sản phẩm, thông tin liên quan đến sản phẩm trước khi xử lý, tránh oan sai và ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp sai sót thì nên xử lý nghiêm, nhưng không để oan sai” – vị này nói.

Quản lý thị trường khẳng định làm đúng!

Chiều 5-5, trả lời Tuổi Trẻ, ông Hoàng Đại Nghĩa – đội trưởng Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội, đơn vị phát hiện và xử lý vụ việc này – khẳng định đã thực hiện đúng quy định, bản thân doanh nghiệp cũng đã ký vào biên bản vi phạm, hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến Chi cục QLTT Hà Nội.

Ông Trịnh Quang Đức, phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, cũng xác nhận đã nhận được hồ sơ vụ việc và đang trong quá trình xử lý. Tuy nhiên, theo ông Đức, doanh nghiệp sẽ được quyền giải trình, trong khi đến nay cơ quan này vẫn chưa nhận được giải trình của doanh nghiệp.

Mong sớm làm rõ “đúng, sai”

Ông Lưu Minh Sang, chủ cơ sở Vietfoods, cho biết kể từ khi thông tin được công bố đến nay, đơn vị đã bị thiệt hại hơn 6 tỉ đồng. Theo đó, toàn bộ dây chuyền máy móc sản xuất phải ngừng hoạt động, hơn 100 công nhân nghỉ việc… “Chúng tôi chỉ mong muốn cơ quan chức năng có quyết định rõ ràng, tránh hoang mang cho người tiêu dùng” – ông Sang đề nghị.

L.SƠN – C.V.KÌNH – L.ANH