SV Hà Nội tìm việc: Đã không có việc, lại còn “bị đập”
“Muốn đi dạy thì đưa số điện thoại đây. Chúng mày hỏi nó làm gì, có muốn chết không? Mày còn mở mồm nữa tao đập chết ngay”. Nhân viên một trung tâm gia sư ở Hà Nội dọa phóng viên Tuổi Trẻ đóng vai sinh viên tìm việc.
SV Hà Nội tìm việc: Đã không có việc, lại còn “bị đập”
“Muốn đi dạy thì đưa số điện thoại đây. Chúng mày hỏi nó làm gì, có muốn chết không? Mày còn mở mồm nữa tao đập chết ngay”. Nhân viên một trung tâm gia sư ở Hà Nội dọa phóng viên Tuổi Trẻ đóng vai sinh viên tìm việc.
Linh (đứng) và Trường sẽ xuất hiện mọi lúc khi các nữ nhân viên tại trung tâm gia sư cần đến – Ảnh: Q.Thế |
Thường xuyên chuyển địa điểm, thay đổi tên trên Facebook để “câu khách” là những chiêu trò mà một số trung tâm gia sư ở Hà Nội sử dụng để ăn chặn những sinh viên (SV) nghèo. Những người theo đến cùng vụ việc để đòi tiền đặt cọc thì bị dọa nạt, thậm chí là bị đánh đập.
“Tiền em chạy quán cơm bị “ăn” mất”
Đầu tháng 4-2016, phóng viên Tuổi Trẻ trong lúc đang thăm hỏi một SV nghèo bị bắt chẹt khi đến Trung tâm gia sư Sư phạm giỏi (toà nhà số 335 Cầu Giấy, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy) thì bất ngờ bị hai đối tượng Linh và Trường dọa nạt: “Muốn đi dạy thì đưa số điện thoại đây. Chúng mày hỏi nó làm gì, có muốn chết không? Mày còn mở mồm nữa tao đập chết ngay”.
Trung tâm này có năm phụ nữ trực tiếp tư vấn cho SV muốn có việc dạy thêm do Trang (30 tuổi) cùng chồng tên Linh (cũng ngoài 30 tuổi) mở. Giữa năm 2015 trung tâm này mới chuyển đến địa chỉ nói trên, thời gian trước đó thì hoạt động ở ngõ 337 Cầu Giấy.
“Hôm tôi cùng người chị đến trung tâm lấy lại tiền đặt cọc 400.000 đồng vì không có việc thì bị ông Linh đưa vào phòng đánh đập. Ngay tại trung tâm, chị tôi bị chửi: “Con này cút, tao cho mấy thằng xách cổ mày đi bây giờ” – H.T. (SV năm 1 Học viện Ngân hàng) kể lại.
Trước đó vào tháng 1-2016, H.T. đến trung tâm này nộp phí là 50% tháng lương đầu tiên, sau một thời gian chờ việc thì trung tâm cho địa chỉ “ảo” nên đến trung tâm đòi lại tiền.
N.T.H.G. (19 tuổi, quê ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội), hiện đang là SV năm 1 Học viện Ngân hàng, kể: “Mặc dù tôi không hề vi phạm hợp đồng nhưng trung tâm đã thu trắng 400.000 đồng tôi tích góp được từ nhiều tháng. Thời điểm chờ lớp để dạy tôi gọi điện theo số điện thoại của người thu tiền ở trung tâm gia sư số 335 Cầu Giấy thì họ đã chặn số di động của tôi”.
Đ.T. (20 tuổi, SV ĐH Ngoại thương) cho biết sau khi đến trung tâm môi giới gia sư ở số 335 Cầu Giấy kiếm việc làm thêm thì cũng bị “ăn” 480.000 đồng mà không có chỗ để dạy.
Trung tâm gia sư Sư phạm Hà Nội (ngõ 79 Dương Quảng Hàm, P.Quan Hoa, Q.Cầu Giấy) do hai người tên Nhung và Trường lập nên. Tư vấn tại văn phòng chỉ có Nhung và hai nhân viên nữ. Ngoài ra tại một căn nhà ở ngõ 161 Hoa Bằng (Q.Cầu Giấy) có thêm một số nhân viên khác.
Đã có SV không đòi lại được tiền thì bị trung tâm “dụ” vào trước số nhà 9A để đánh đập, có vụ cơ quan công an phải can thiệp.
Tháng 2-2016, L.T.L. (quê ở huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) đến Trung tâm gia sư Sư phạm Hà Nội nộp 400.000 đồng để nhận lớp. Nhân viên đã tư vấn rõ là có việc sau khi đóng tiền nhưng họ cứ hứa chuyển lớp rồi cuối cùng không tìm được lớp cho L..
“Tôi nghe nhiều bạn bè nói trung tâm đã làm vậy với nhiều người rồi nên đã quay lại để xin tiền đặt cọc nhưng bị từ chối. Tiền đóng vào trung tâm là tiền tôi chạy quán cơm tích cóp được” – L. tâm sự.
Để SV nhanh chóng ký vào hợp đồng, các nhân viên ở đây thường hứa sẽ có việc luôn, sắp xếp đi lại thuận tiện và gần nơi ở của từng bạn SV. Tuy nhiên sau khi đóng tiền, nơi mà N.L. dạy cách chỗ ở trên 20km, cả đi cả về mất ba giờ đồng hồ. N.L. gọi điện thoại thì không ai bắt máy, đến tận nơi thì trung tâm đóng cửa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Công an P.Yên Hoà cho biết vào cuối năm 2015 đơn vị này đã phải can thiệp vụ một SV đến phố Hoa Bằng đòi tiền đóng vào trung tâm gia sư thì bị đánh.
“Sau khi nắm bắt sự việc, công an phường đã yêu cầu cả hai bên lên làm việc. Tuy nhiên sự việc chưa quá nghiêm trọng nên đã tiến hành giải hoà, phía trung tâm gia sư cũng đã bồi thường tiền thuốc và tiền đặt cọc trước đó. Ngôi nhà số 9A không phải là trung tâm tư vấn gia sư mà chỉ là nơi ở” – đại diện Công an P.Yên Hoà cho hay.
Tuấn Minh, hơn 10 năm làm gia sư, nói 50% trung tâm gia sư ở Hà Nội là lừa đảo – Ảnh: Q.Thế |
“Không phải của chúng tôi”
Để thu hút SV, gia sư Sư phạm Hà Nội còn treo logo quảng cáo mạo nhận là cơ quan của Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư TP Hà Nội cấp cho Công ty TNHH tư vấn giáo dục Hà Nội ngày 14-11-2013 không có nội dung nào cho phép đơn vị này được mở “trung tâm gia sư”.
Điều đáng nói là hiện công ty này đã tự “đẻ” ra hai trung tâm gia sư là gia sư Sư phạm giỏi và gia sư Sư phạm Hà Nội.
Một cách làm hợp đồng lạ lùng là chỉ cần nạp thẻ điện thoại vào số đường dây nóng. Khi được hỏi nạp thẻ vào điện thoại liệu có đảm bảo thì nhân viên tư vấn của hai trung tâm gia sư nói trên đều ngập ngừng không trả lời.
“Không mang đủ tiền đến đây thì có thể về nhà mua thẻ điện thoại nạp qua cũng được miễn sao là đủ phí” – nhân viên gia sư Sư phạm Hà Nội nói. Tại đây, khi thấy một SV ngần ngại đóng tiền thì nhân viên đã gợi ý là nạp tiền qua thẻ điện thoại.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền – trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – khẳng định Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chưa từng liên kết với các cá nhân, tổ chức bên ngoài để hoạt động gia sư và nhà trường cũng không có trung tâm tư vấn gia sư.
Trong khi đó, ông Đinh Trọng, phó chủ tịch UBND P.Quan Hoa, cho biết Trung tâm gia sư Sư phạm Hà Nội đã từng bị công an khu vực kiểm tra về tình hình hoạt động nhưng chưa xử phạt.
Ngoài ra trước đây Gia sư Olympia ở số 21 Dương Quảng Hàm cũng đã có những khúc mắc về tiền nong cũng như việc làm với SV.
Tháng 10-2015 em gái anh H. bị người của gia sư Sư phạm Hà Nội đánh phải nhập viện – Ảnh: Q.Thế |