24/12/2024

Nhật – Trung đua hợp tác Mekong

Nhật Bản và Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua giành vị thế ảnh hưởng đối với các nước lưu vực sông Mekong bằng những cam kết đầu tư hàng tỉ USD.

 

Nhật – Trung đua hợp tác Mekong

 

Nhật Bản và Trung Quốc đang tăng tốc trong cuộc đua giành vị thế ảnh hưởng đối với các nước lưu vực sông Mekong bằng những cam kết đầu tư hàng tỉ USD.

 

 

 

 

Nhật - Trung đua hợp tác Mekong
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai (phải) tiếp đón Ngoại trưởng Nhật Kishida tại Bangkok ngày 1-5 – Ảnh: Reuters

Báo The Nation của Thái Lan đưa tin Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đầu tuần này chính thức công bố triển khai Sáng kiến kết nối Nhật – Mekong cùng với cam kết đầu tư khoảng 7 tỉ USD cho các dự án phát triển – kết nối khu vực trong ba năm tới.

Ông Kishida cũng bày tỏ Nhật hi vọng Thái Lan sẽ nhanh chóng phục hồi ổn định chính trị trong nước để trở thành đối tác chủ chốt cho kế hoạch này.

Giới quan sát nhận định với bước đi này, Tokyo muốn tạo ra một đối trọng với Sáng kiến hợp tác Lan Thương – Mekong (LMC) của Trung Quốc. Lan Thương là tên dòng Mekong theo cách gọi của Trung Quốc trong phần chảy trên lãnh thổ của mình.

Cam kết Thái Lan

Trong bài diễn văn tại Trường ĐH Chulalongkorn ở Bangkok, Ngoại trưởng Nhật Kishida nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường khả năng lưu thông hàng hoá và con người giữa các nước lưu vực sông Mekong thông qua việc phát triển hạ tầng như cầu, đường bộ, đường sắt…

Theo sáng kiến mới, Nhật sẽ giúp các quốc gia sông Mekong trong các dự án hạ tầng giao thông, cải thiện thủ tục hải quan và phát triển nguồn 
nhân lực công nghiệp.

“Tăng cường dòng chảy hàng hóa và con người bằng cách kết nối khu vực… là điều thiết yếu cho phát triển kinh tế” – Ngoại trưởng Kishida nhấn mạnh. Theo báoThe Nation, thông điệp của ông ngoại trưởng qua đó cũng thiết lập quan điểm cho sự hiện diện của Nhật trong khu vực và “kết nối” 
chính là chìa khoá.

Tại Bangkok, ông Kishida tái khẳng định vai trò đối tác kinh tế của Thái Lan đối với Nhật cũng như tầm quan trọng của Bangkok trong Sáng kiến Mekong.

“Sáng kiến này không thể hiện thực hoá nếu không có sự hợp tác của Thái Lan trong tư cách một nước tài trợ. Tôi hi vọng Thái Lan sẽ sát cánh cùng Nhật để thúc đẩy nghị trình này” – Ngoại trưởng Nhật nói trước hàng trăm nhà ngoại giao, học giả và quan chức Thái.

Một số nhà quan sát nhận xét Nhật thúc đẩy Sáng kiến kết nối Mekong vào thời điểm này có liên quan đến sự kiện Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Lan Thương – Mekong lần đầu tiên ở Hải Nam trong tháng 3-2016.

Tuy nhiên về mặt hình thức, các quan chức Nhật phủ nhận họ muốn “cạnh tranh” với Bắc Kinh và dẫn chứng rằng Tokyo đã duy trì quan hệ với các nước Mekong trong hơn 20 năm qua. Sau Thái Lan, Nhật sẽ tiếp tục làm việc với Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để hình thành một kế hoạch cụ thể cho sáng kiến Mekong.

Quân bài “Hợp tác 
Lan Thương – Mekong”

Báo Straits Times của Singapore cuối tuần qua có đăng bài bình luận về sáng kiến Hợp tác Lan Thương – Mekong của Trung Quốc, trong đó một số nhà phân tích nhận định Bắc Kinh có thể cho các nước khu vực thấy thiện chí của mình sau hàng loạt tai tiếng xung quanh tranh chấp Biển Đông.

Nhưng để cho “phép mầu” này xảy ra, Trung Quốc buộc phải minh bạch về cách họ quản lý các con đập thượng nguồn và thật lòng trong việc tham vấn với các nước lưu vực sông Mekong.

Các học giả cho rằng vấn đề quản lý nguồn nước thật sự là cấp thiết trên hết. Qua đợt hạn lần này, cả khu vực đều thấy hoạt động độc lập của các con đập ở Trung Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến cuộc sống của ngư dân và nông dân ở hạ nguồn.

Trong buổi lễ ra mắt ban lãnh đạo LMC tổ chức ở Hải Nam tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết các khoản vay ưu đãi khoảng 2 tỉ USD và vay tín dụng lên đến 13 tỉ USD cho các dự án trong khu vực, bên cạnh đó là “lời hứa” tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước sông Mekong.

Ông Pou Sothirak, giám đốc Viện Hợp tác vì hoà bình và phát triển Campuchia, nhận định thông qua LMC, Trung Quốc muốn xoa dịu luồng dư luận chỉ trích việc xây dựng các con đập lớn trên thượng nguồn sông Mekong.

Cùng quan điểm này, chuyên gia người Thái Kavi Chongkittavorn cho rằng LMC giúp tạo cho Bắc Kinh một hình ảnh tích cực, trái ngược với những gì họ thể hiện trong tranh chấp Biển Đông.

Cũng theo ông Kavi, Trung Quốc có thể xây dựng được lòng tin nếu họ công khai dữ liệu về quản lý nước sông Mekong và thực hiện tham vấn với các nước láng giềng thường xuyên hơn.

“Nếu quá trình đó xảy ra trong một năm tới, LMC mới chứng minh được đây là một cơ chế bổ khuyết giúp đẩy mạnh hợp tác” – ông Kavi đánh giá.

Dân Myanmar phản đối nhà máy lọc dầu 
3 tỉ USD của Trung Quốc

Theo báo Myanmar Times ngày 3-5, hàng loạt doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân ở thành phố Dawei, miền nam Myanmar đang tích cực phản đối một dự án xây dựng nhà máy lọc dầu 3 tỉ USD của Công ty Guangdong Zhenrong Energy (Trung Quốc).

Họ yêu cầu Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ Myanmar cân nhắc lại dự án vốn được thông qua vào những ngày cuối cùng dưới triều cựu tổng thống U Thein Sein.

Người dân và các chuyên gia lo ngại rằng nhà máy lọc dầu có công suất 100.000 thùng mỗi ngày này sẽ là thảm hoạ cho môi trường sinh thái.

“Cho đến nay cộng đồng địa phương chỉ nhận được thông tin một chiều từ nhà đầu tư, chính quyền chưa cung cấp thông tin nào cho chúng tôi” – ông Ko Thant Zin, điều phối viên Hiệp hội Phát triển thành phố Dawei, giải thích.

Các nhóm hoạt động địa phương xác nhận họ sẽ tiến hành vận động các chính khách trong khu vực trong những ngày sắp tới về vấn đề này. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng doạ sẽ rút lui nếu dự án lọc dầu này được tiến hành do lo ngại sẽ không có khách du lịch nào thèm đến đây.

MINH TRUNG