23/01/2025

Né khủng hoảng thừa cử nhân

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng ngoài việc các trường ĐH phải đổi mới chương trình đào tạo, thì lao động trẻ cũng cần chủ động né khủng hoảng thừa cử nhân trong thị trường lao động hiện nay.

 

Né khủng hoảng thừa cử nhân

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng ngoài việc các trường ĐH phải đổi mới chương trình đào tạo, thì lao động trẻ cũng cần chủ động né khủng hoảng thừa cử nhân trong thị trường lao động hiện nay.





Lao động có trình độ ĐH, CĐ đang khó tìm việc  /// - Ảnh: Lê Thanh

 

Lao động có trình độ ĐH, CĐ đang khó tìm việc – Ảnh: Lê Thanh


Nội dung trên được đưa ra tại hội thảo “Giải pháp cho khủng hoảng thừa cử nhân” vừa diễn ra tại Hà Nội tuần qua.
Lương cử nhân thấp hơn công nhân kỹ thuật
Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội mỗi năm tiếp nhận hàng chục ngàn lượt người đăng ký tìm việc. Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc trung tâm, nhu cầu người tìm việc và việc tìm người đều nhiều, tuy nhiên số người được giới thiệu, cung ứng việc làm rất hạn chế. Năm 2015, trung tâm tiếp nhận 23.192 hồ sơ đăng ký, nhưng chỉ 4.630 người tìm được việc làm. Điều đáng nói là tỷ lệ người lao động có trình độ ĐH, CĐ chiếm hơn nửa số người đăng ký tìm việc làm, nhưng lại đạt tỷ lệ thấp trong số những người xin được việc.
“Qua thực tế hoạt động một vài năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy hiện tượng lao động có trình độ ĐH, CĐ ngày càng khó tìm việc làm như mong muốn. Một số người buộc phải chấp nhận làm việc trái ngành nghề, không đáp ứng với trình độ đã được đào tạo và nguyện vọng của bản thân”, bà Trinh chia sẻ.
 
 
Né khủng hoảng thừa cử nhân - ảnh 1

Nhà trường đào tạo một thứ, doanh nghiệp lại cần một thứ khác. Hai bên cần phải đối thoại với nhau nhiều hơn để hiểu nhau hơn

Né khủng hoảng thừa cử nhân - ảnh 2
 

Trần Thị Thuý Nga
(Cố vấn nhân sự cấp cao Công ty CP Misa)

 

Nhiều đại diện doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng chia sẻ những nỗi trần ai của mình trong việc tuyển dụng lao động. “Công ty tôi hoạt động đa lĩnh vực, với khoảng 1.000 lao động. Do nhu cầu mở rộng kinh doanh nên chúng tôi vẫn tiếp tục tuyển số lượng lớn lao động, nhưng việc này rất chật vật. Tuyển xong chúng tôi phải đào tạo lại hết”, ông Nguyễn Vũ Cao, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Gia Invest, nói.

Còn bà Trần Thị Thúy Nga, cố vấn nhân sự cấp cao của Công ty CP Misa, cho biết: “Quy mô nhân sự của chúng tôi khoảng 1.000 người, hiện mới có 800 người. Nhưng làm thế nào để tuyển thêm 200 người nữa là một bài toán nan giải. Đây quả là một nghịch lý vì đọc báo chúng tôi biết là xã hội đang thừa rất nhiều lao động có trình độ cử nhân”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh so sánh: “Thực tế phổ biến tại trung tâm chúng tôi là lao động phổ thông và công nhân kỹ thuật dễ tìm được việc, thậm chí tìm được những công việc có thu nhập cao hơn rất nhiều lao động có trình độ ĐH, CĐ. Lao động có trình độ ĐH, nếu may mắn thì xin được vào làm việc ở một đơn vị hành chính hoặc một cơ quan công quyền, với mức lương khởi điểm khoảng 2,6 triệu đồng/tháng, trong khi nhiều công nhân kỹ thuật có tay nghề tốt được trả lương 6 triệu đồng/tháng là bình thường, nhiều trường hợp thậm chí được nhận vào với mức lương 10 – 12 triệu đồng/tháng”.
“Né” bằng cách nào ?
Nhiều doanh nhân cho rằng nguyên nhân của nghịch lý doanh nghiệp khó tuyển người được việc trong khi cử nhân thất nghiệp nhiều là do lỗi lớn thuộc về các trường: chậm đổi mới mục tiêu, chương trình đào tạo, dẫn tới sinh viên tuy được trang bị nhiều kiến thức nhưng lại thiếu kỹ năng, thiếu hiểu biết về ngành nghề mình theo học. Đặc biệt, có tình trạng hiện nay nhiều trường cắm cúi đào tạo theo nếp cũ mà không quan tâm sinh viên của mình ra trường sẽ phục vụ cho những doanh nghiệp nào. “Nhà trường đào tạo một thứ, doanh nghiệp lại cần một thứ khác. Hai bên cần phải đối thoại với nhau nhiều hơn để hiểu nhau hơn”, bà Nga lưu ý.
Bên cạnh đó, “cơn bão khủng hoảng thừa” cử nhân còn do lỗi chủ quan của lao động trẻ. Do nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH đánh giá quá cao tấm bằng ĐH, ảo tưởng về giá trị của tấm bằng nên chưa quan tâm đến thực lực của bản thân, từ đó thiếu sự chuẩn bị về các kỹ năng mềm – vốn được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Hơn nữa, tình trạng chọn nghề do a dua, do bố mẹ chọn “giúp”… mà không tự đánh giá đúng năng lực, sở trường của bản thân đã khiến nhiều thanh niên vấp phải sai lầm ngay trong bước đầu chọn nghề. “Vì không đam mê nên ngay từ đầu các em không tìm thấy hứng thú say mê trong học tập, dẫn đến hiện tượng học để đối phó, thành ra kết quả học tập không cao”, bà Trinh nhận xét.
Trước một số ý kiến đặt ra về trách nhiệm của doanh nghiệp như thế nào khi giải quyết vấn đề trên, ông Nguyễn Vũ Cao đề nghị: “Doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các trường, không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập mà còn chủ động cử chuyên gia giỏi của mình đến tham gia đào tạo cùng các trường. Làm được việc này, chúng ta vừa góp phần cải thiện được chất lượng đào tạo, vừa chủ động trong việc tìm nguồn lực cho mình”.
Ông Trần Văn Vinh (Trường ĐH Nguyễn Trãi) cũng nhận xét nhiều trường ĐH tuy đã xác định phát triển theo mô hình ĐH ứng dụng nhưng vẫn hoạt động theo cách thức cũ, trong chương trình ôm đồm các kiến thức hàn lâm, nên tạo ra sản phẩm “cao không tới, thấp không thông”.
Ý kiến

Lấy ngắn nuôi dài
Đôi khi chúng ta cũng nên chấp nhận làm những công việc mà mình và gia đình không ưa thích nhưng nó có thể nuôi sống bản thân mình trước mắt. Nói chung là lấy ngắn nuôi dài, mình phải “trả phí” để đổi lấy kinh nghiệm để từ đó tìm cơ hội mới. Nhiều người vẫn còn ý nghĩ hễ học gì thì phải đi làm một công việc tương xứng với ngành học đó. Cũng chính vì cái suy nghĩ ấy đã tạo rào cản rất lớn khiến nhiều bạn trẻ khó bắt đầu từ những việc không đúng chuyên môn.
Nguyễn Văn Sang
Phó giám đốc Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên TP.HCM
Tránh thụ động
Các trường phải mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp để trang bị cho SV những kỹ năng, kiến thức phù hợp với ngành nghề của mình. Chủ động liên hệ với doanh nghiệp để họ cử chuyên gia đến trường nói chuyện và nhận hồ sơ của SV. Sau đó sàng lọc lại, chọn SV phù hợp để mời đi thực tập và cử riêng một người làm công tác huấn luyện theo sát nhóm đó. Về phía sinh viên, phải chủ động tự học hỏi, tìm hiểu thông tin qua các kênh báo chí, internet và những người đi trước có kinh nghiệm.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu ra cho cử nhân, các trường cần cải thiện giáo trình để mang tính thực tiễn, cập nhật hơn, chuyển tải được các vấn đề kinh doanh, công nghệ gần nhất cho SV. Nhà trường nên giảng dạy thêm kỹ năng mềm nhằm giúp các cử nhân dễ hòa nhập vào môi trường làm việc thực tế, đặc biệt là các công ty đa quốc gia”.
Thạc sĩ Lê Huy Bình
Nguyên giảng viên Trường ĐH Việt – Đức
Lê Thanh (ghi)


 

Quý Hiên