Từ năm học tới, nhiều học sinh ở xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ, TP.HCM) sẽ không phải bỏ học giữa chừng và những người mẹ nghèo không phải nấu cơm sớm gửi theo phà mang sang trường học cho con như mấy chục năm nay nữa, vì xã nghèo này đã có phân hiệu trường THPT.
Nghe tin chính quyền sẽ mở phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh ngay trên đảo Thạnh An, một phụ huynh thể hiện sự vui mừng hết sức giản dị nhưng rất đầy đủ: “Tôi mừng quá!”. Ông Tư, người chạy xe ôm hơn 20 năm ở Bến phà Thạnh An, cho biết: “20 năm làm nghề xe ôm tôi chưa bao giờ nghĩ lại có ngày Bí thư Thành ủy sang thăm tận nơi, chú ý tới cả việc học sinh (HS) không có trường, rồi chỉ sau một câu nói thôi thì ước ao bao năm của người dân trên đảo đã trở thành hiện thực”.
Sau chỉ đạo của Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng về việc mở phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh tại xã đảo Thạnh An, ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND H.Cần Giờ, cho biết: “Ngay trong tuần này, chúng tôi cùng Sở GD-ĐT TP.HCM và các bên liên quan họp bàn chọn phương án phù hợp nhất để ngay trong năm học tới 2016 – 2017 có thể áp dụng chủ trương này”.
Ông Dũng thông tin: “Trong khi chờ đợi xây dựng trường mới, tạm thời phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh sẽ được đặt tại Trường THCS Thạnh An. Sau khi thành lập phân hiệu này, hơn 100 HS THPT đang học nội trú tại Trường Cần Thạnh sẽ được chuyển về xã. Trước mắt, việc giảng dạy tại phân hiệu này sẽ do giáo viên của Trường Cần Thạnh đi phà qua phụ trách, nên vẫn sẽ đảm bảo tốt về chất lượng dạy và học”.
Không còn thấp thỏm trước mỗi chuyến phà
|
|
|
Tôi tính khi nào con học xong lớp 9 thì cho nghỉ đi nuôi hàu phụ kinh tế gia đình. Nhưng nếu có trường ở đảo thì có lẽ chuyển hướng lại cho con đi học
|
|
|
Huỳnh Cẩm Tiên (người dân xã đảo Thạnh An)
|
|
|
Không kìm được giọt nước mắt vì quá vui mừng, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (51 tuổi, có con đang học Trường THPT Cần Thạnh) nói: “Mấy năm nay cho con đi học xa nhà, qua sông, qua phà tôi hồi hộp lắm. Nhất là vào mùa gió chướng khoảng từ tháng 8 trở đi, sóng biển cuồn cuộn, mỗi lần con lên phà là tôi lại phải thắp hương cầu ông bà phù hộ”.
Dù thế nhưng bà Dung vẫn luôn tâm niệm chỉ có cái chữ mới giúp gia đình bà bớt khổ. “Chúng tôi có 5 đứa con thì 4 đứa đầu chỉ học xong THCS đã phải nghỉ ở nhà phụ ba mẹ vì không có điều kiện nuôi con đi học xa. Nhưng tới đứa con trai út thì chúng tôi gắng cho đi học bằng mọi giá. Chúng tôi vẫn thường to nhỏ với con là gia đình mình nghèo, mẹ bị tiểu đường, ba bị bệnh tim, tương lai chẳng có gì đảm bảo. Con là hy vọng duy nhất của gia đình nên dù khó khăn thế nào cũng phải bám trường và đậu ĐH cho kỳ được”, bà Dung tâm sự.
Biết sắp tới sẽ có phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh ngay trên đảo, những phụ huynh có con sắp bước vào bậc THPT vui mừng tột độ. Chị Huỳnh Cẩm Tiên hồ hởi: “Trước đây nhà nào muốn cho con học THPT cũng phải cân nhắc dữ lắm. Đi học nội trú mỗi tháng tốn kém cả triệu bạc. Tôi tính khi nào con học xong lớp 9 thì cho nghỉ đi nuôi hàu phụ kinh tế gia đình. Nhưng nếu có trường ở đảo thì có lẽ chuyển hướng lại cho con đi học”.
Những người vui nhất không ai khác chính là HS đang theo học nội trú ở Cần Thạnh và những HS sắp bước vào lớp 10. Một HS nói với chúng tôi: “Vì nhà xa nên tất cả chúng em đều ở nội trú. Cuối tuần được nghỉ mới lại về nhà. Khi có trường THPT trên đảo, chúng em không cần ở nội trú nữa. Chỉ nghĩ tới đó thôi là em lại mừng tối ngủ không được”.
Còn Nguyễn Thanh Lâm, HS Trường THPT Cần Thạnh, thì tâm sự: “Trường được mở ở xã có nghĩa là năm học tới chúng em sẽ không cần phải đi phà qua đất liền học. Em vui lắm”. Lâm nhớ lại: “Khi em học hết lớp 9, bà em nói nhà nghèo bà không nuôi được, con đi học nữa hay nghỉ ở nhà phụ bà bán nước. Em buồn và xin bà cho đi học. Em hứa được đi học thì sẽ ngoan và không đòi hỏi gì. Tuy nhiên, vừa rồi em xém phải nghỉ học vì nhà không còn tiền. Nhưng nhờ ông chủ tịch xã thương. Ông lấy tiền túi cho bà cháu em 600.000 đồng nói rằng lo học thêm 2 tháng nữa là nghỉ hè rồi sang năm sẽ tính tiếp. Vậy nên khi hay tin có trường THPT ở xã thì bà cháu em mừng ghê lắm. Có lúc em còn nghĩ hay là mình đang mơ”.
Ở nội trú buồn lắm…
Nguyễn Ngọc Thảo, HS lớp 11 Trường THPT Cần Thạnh, kể: “Con nhà nghèo ở nội trú buồn lắm cô ạ. Nhiều khi cơm ba mẹ gửi sang ăn không đủ no. Trong túi không có tiền muốn ăn thêm gói mì cũng không được”. Ứa nước mắt, Thảo nói: “Có lúc em nghĩ hay mình nghỉ học, mỗi tháng cũng bớt được khoảng vài trăm ngàn để dành cho ba mẹ đi chữa bệnh, nhưng nhà em không cho, nói sống chết gì cũng phải học để vào ĐH cho bằng được”.
Đề nghị nâng Trường THCS Thạnh An thành trường THCS, THPT
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch HĐND xã Thạnh An, cho biết: “Nhận chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về việc mở phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh tại xã Thạnh An, chúng tôi đã khảo sát nhưng trên thực tế thì đang rất khó khăn về cơ sở vật chất, vì Trường THCS Thạnh An mới hiện đang trong quá trình khởi công. Nếu trường có thể hoàn thành trước khi năm học 2016 – 2017 bắt đầu thì HS THCS có thể chuyển qua trường mới và việc mở thêm phân hiệu THPT Cần Thạnh sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu không thể hoàn thành trước khi năm học mới bắt đầu thì rất có thể phải xây thêm một số phòng hoặc phải lắp ghép thêm những phòng học tạm”.
Cũng theo ông Thanh, hiện Trường THCS Thạnh An có 19 giáo viên, trong đó 10 giáo viên có trình độ ĐH nên có thể sử dụng nguồn giáo viên tại chỗ để dạy THPT. Vậy nên, ngoài phương án mở phân hiệu Trường THPT Cần Thạnh thì cũng có thể nâng Trường THCS Thạnh An thành Trường THCS, THPT Thạnh An.
|
Những chuyến phà chở cơm cho học sinh
Cạnh Bến phà Thạnh An, lúc gần 11 giờ trưa của một ngày cuối tháng 4, râm ran tiếng người gửi những cặp lồng cơm sang đất liền. Họ là phụ huynh có con theo học tại Trường THPT Cần Thạnh, cách nhà hơn một giờ đi phà. Vì nghèo nên nhiều năm nay những phụ huynh này phải nấu cơm thật sớm rồi cẩn thận cho cơm vào cặp lồng gửi phà qua cho con.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch HĐND xã, nói: “Lúc trước phụ huynh thường gửi cơm theo phà mang qua sông nhưng không tiện lắm vì cơm bị đổ, rơi, sang tới nơi thì nguội ngắt hết cả. Vì thế sau này công việc đưa cơm cho HS Thạnh An sang bên Cần Thạnh do chị Hoàng (một người dân ở Thạnh An – PV) đảm nhiệm. Một buổi đưa cơm, mỗi phụ huynh phụ giúp 4.000 đồng. Sau khi phà tới, chị Hoàng sẽ mang cơm tới trường. Em nào có cơm thì ra nhận. Tuy bất tiện nhưng tiết kiệm được khoản chi phí ăn uống hằng ngày”.
Lật đật bới xong 2 phần cơm, một phần có trứng, một phần có cá chiên vào cặp lồng, bà Phạm Thị Nhung (59 tuổi, có cháu đang học ở Trường THPT Cần Thạnh) kể: “2 năm nay tôi vẫn nuôi cơm cho cháu đi học như nuôi bộ đội thời xưa. Cứ tới giờ là gửi cơm, gửi canh. Hôm nào bán được vài chai nước có thêm chút tiền tôi lại mua thêm 2 – 3 bịch sữa, vài gói mì tôm kèm vào hộp cơm gửi sang cho cháu”.
Bà Nhung tâm sự: “Nhà tôi chỉ có 2 bà cháu. Sức khoẻ của tôi lại rất thất thường. Nhiều hôm nằm viện mà chỉ lo không ai nấu cơm gửi sang trường. Sợ nó đói, nó không học được nên phải phiền hàng xóm nấu cơm rồi đưa đi giúp. Nếu không phải đi học xa thì bữa cơm nhà tôi cũng bớt tủi vì có bà có cháu. Lúc không đi học nó có thể giúp tôi bán nước, dọn nhà. Lại có thể tiết kiệm thêm chút tiền đò hằng tuần để dành sau này cho cháu đi học ĐH”.
|
Lam Ngọc