23/01/2025

Trung Quốc cấp súng ống cho đội tàu cá trên Biển Đông

Bắc Kinh đã mạnh tay đào tạo và trang bị tận răng cho đội tàu cá tại đây, bất chấp việc các chuyên gia và nhà ngoại giao thế giới liên tục cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột trên Biển Đông.

 

Trung Quốc cấp súng ống cho đội tàu cá trên Biển Đông

 

Bắc Kinh đã mạnh tay đào tạo và trang bị tận răng cho đội tàu cá tại đây, bất chấp việc các chuyên gia và nhà ngoại giao thế giới liên tục cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột trên Biển Đông.

 

 

 

 

 

Trung Quốc cấp súng ống cho đội tàu cá trên Biển Đông
Các tàu cá ở cảng Dongfang trên đảo Hải Nam của Trung Quốc – Ảnh: Reuters

“Nếu yêu cầu họ thực hiện các quyền, chủ nghĩa ái quốc và tuyên bố chủ quyền, các thuyền trưởng hiểu rằng họ có thể liều lĩnh hơn vì đã có người bảo lãnh. Vì vậy họ có thể đẩy giới hạn đi rất xa

Rodger Baker 
(nhà phân tích của Stratfor)

Hãng tin Reuters đã tìm hiểu chi tiết việc một đội tàu cá ở Hải Nam đã được đào tạo như thế nào trước khi ra khơi ở Biển Đông.

“Lực lượng dân quân hàng hải đang mở rộng vì đất nước cần họ và cũng vì mong muốn của các ngư dân được tham gia việc nước, bảo vệ các lợi ích của quốc gia” – một cố vấn cho chính quyền Hải Nam lớn tiếng giải thích.

Với lý do này, Bắc Kinh đã mạnh tay đào tạo và trang bị tận răng cho đội tàu cá tại đây, bất chấp việc các chuyên gia và nhà ngoại giao thế giới liên tục cảnh báo nguy cơ xảy ra xung đột trên Biển Đông.

Dù Bắc Kinh vẫn công khai phủ nhận việc dùng tàu cá để giành chủ quyền trên Biển Đông, Hãng tin Reuters lại dẫn ra nhiều cuộc phỏng vấn các lãnh đạo công ty đánh cá, nhà ngoại giao khu vực và chính quyền Hải Nam xác nhận việc các tàu cá cũng được yêu cầu thu thập thông tin về các tàu nước ngoài.

Đào tạo quân sự

Viên cố vấn của Hải Nam cho biết các đơn vị cấp thành phố của Các lực lượng vũ trang nhân dân Trung Quốc chịu trách nhiệm đào tạo quân sự cho ngư dân, dưới sự giám sát của quân đội và các cơ quan của Đảng Cộng sản phụ trách các hoạt động dân quân toàn quốc.

Trong hoạt động đào tạo này, ngoài phần về các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ thảm hoạ trên biển, phần quan trọng chính là “bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc” trên Biển Đông.

Việc đào tạo, bao gồm nhiều cuộc diễn tập thực tế, thường diễn ra từ tháng 5 đến tháng 8. Chính quyền Bắc Kinh sẽ trả tiền cho những ngư dân tham gia đào tạo, vì thế Reuters cho rằng viên cố vấn Trung Quốc tự tát vào mặt sau khi đã nói rằng ngư dân mong muốn “bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Chính quyền Bắc Kinh cũng khuyến khích ngư dân sử dụng các tàu lớn vỏ bằng thép. Các lãnh đạo ngành thủy sản cho biết Bắc Kinh đã trang bị thiết bị định vị toàn cầu GPS cho ít nhất 50.000 tàu nhằm giúp họ liên lạc với lực lượng tuần duyên Trung Quốc trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm việc đụng độ với tàu nước ngoài.

Theo một số ngư dân, nhiều tàu cũng được trang bị vũ khí loại nhỏ. Khi cần “bảo vệ chủ quyền”, chính phủ sẽ phối hợp với quân dân và yêu cầu họ thu thập thông tin về các hoạt động của tàu nước ngoài trên biển.

Ví dụ điển hình của sự phối hợp này là sự kiện một tàu tuần duyên của Trung Quốc đã can thiệp giải cứu một tàu cá bị phía Indonesia bắt giữ vì đánh bắt trái phép trong vùng biển Natuna của nước này. Vụ việc đã gây căng thẳng ngoại giao giữa hai nước.

Không bất ngờ khi các công ty đánh cá nhà nước chiếm phần lớn các đội tàu thường ra Biển Đông và cũng nhận nhiều trợ cấp lẫn đào tạo.

Phần giới thiệu của Tập đoàn hải sản Biển Đông Hải Nam nhuốm màu quân sự khi tự nhận mình “vừa quân đội vừa thương mại, vừa là người lính vừa là người dân”.

Một trong những mục tiêu của họ là đưa cờ Trung Quốc bay trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tập đoàn hải sản Biển Đông Hải Nam tài trợ cho ngư dân nhiên liệu, nước, nước đá để họ đưa thuyền ra Biển Đông và mua cá mà họ đánh bắt được.

Thiếu các thoả thuận 
về đụng độ

Các ngư dân Trung Quốc liều mạng đi vào vùng biển tranh chấp dù biết rằng “tình hình ngày càng nguy hiểm khi có đủ mọi loại tàu nước ngoài ngoài kia”, như lời ngư dân Huang Jing nói với nhà báo.

Nhưng ông Huang vẫn tin rằng: “Chính phủ sẽ bảo vệ chúng tôi. Trung Quốc bây giờ rất mạnh”. Còn chủ tịch Chen Rishen của Tập đoàn Giang Hải Hải Nam mạnh miệng rằng “nếu có tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi và ngăn chúng tôi đánh cá ở đó, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ chủ quyền”.

Ông Chen cho biết ngư dân Trung Quốc được phép vào trú tại đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam để tiếp nhiên liệu và báo cáo với lực lượng tuần duyên. Ông này khẳng định họ sẽ được sử dụng các cơ sở tương tự mà Bắc Kinh sắp xây xong trên quần đảo Trường Sa.

Tuy nhiên theo giới chuyên gia, điều nguy hiểm là “các tàu cá chỉ biết đến nơi có cá và cua. Nếu yêu cầu họ thực hiện các quyền, chủ nghĩa ái quốc và tuyên bố chủ quyền, các thuyền trưởng hiểu rằng họ có thể liều lĩnh hơn vì đã có người bảo lãnh.

Vì vậy họ có thể đẩy giới hạn đi rất xa” – nhà phân tích Rodger Baker của Công ty Stratfor (chuyên về phân tích tình báo) nhận định.

Trong khi đó, các thoả thuận về thủ tục và giao tiếp khi chạm trán trên biển hiện nay chỉ áp dụng cho tàu hải quân và các tàu quân sự khác.

“Tất cả đều cho thấy việc cần thiết phải thiết lập các giao thức được thống nhất nhằm đảm bảo giao tiếp rõ ràng và hiệu quả giữa các tàu dân sự và lực lượng hành pháp trên biển của các nước đang hoạt động tại khu vực” – Hãng tin Reuters dẫn lời giám đốc phụ trách châu Á Michael Vatikiotis của Trung tâm đối thoại nhân đạo.

Ngoại trưởng Nhật lo ngại về Biển Đông

Trong chuyến công du Bắc Kinh, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã nêu rõ quan ngại của Tokyo về tình hình ở biển Hoa Đông và Biển Đông với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.

Trang Jiji Press của Nhật cho biết ông Kishida đã yêu cầu Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương sau khi Bắc Kinh liên tục xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông và xâm phạm vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Còn ông Vương phản ứng gay gắt khi yêu cầu Tokyo bỏ suy nghĩ đối đầu với Trung Quốc và góp phần ổn định an ninh khu vực.

TRẦN PHƯƠNG