23/12/2024

Những “người hùng” trong vụ án LuxLeaks ra toà

Vụ rò rỉ tài liệu mang tên LuxLeaks tiết lộ chiêu dàn xếp trốn thuế của nhiều công ty đa quốc gia tầm cỡ. Nhưng giờ đây những người dính líu đang bị đẩy ra trước vành móng ngựa.

 

Những “người hùng” trong vụ án LuxLeaks ra toà

 

 Vụ rò rỉ tài liệu mang tên LuxLeaks tiết lộ chiêu dàn xếp trốn thuế của nhiều công ty đa quốc gia tầm cỡ. Nhưng giờ đây những người dính líu đang bị đẩy ra trước vành móng ngựa.

 

 

 

 

Những “người hùng” trong vụ án LuxLeaks ra tòa
Biểu tình ủng hộ “người hùng” Antoine Deltour – Ảnh: AFP

“Tôi mong muốn các quy định hiện hành phải thay đổi, tôi không thể dửng dưng mà không làm gì cả

Raphaël Halet 
(phụ trách số hóa hồ sơ công ty)

Ba công dân Pháp đã bị truy tố ra toà gồm hai nhân viên cũ của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) ở Luxembourg là Antoine Deltour (kiểm toán viên) và Raphaël Halet (phụ trách số hóa hồ sơ công ty) cùng Edouard Perrin, phóng viên của Premières Lignes (chuyên về truyền hình điều tra).

Đây là phiên tòa gây nhiều chú ý vào thời điểm dư luận rất dị ứng với những thủ thuật trốn thuế, né thuế. Hơn thế nữa, ra toà lại là những người mà trong mắt dư luận xem như là “người hùng”, người có công hơn là có tội phải vào tù…

Hồ sơ LuxLeaks

Phiên toà  ở Luxembourg khai mạc ngày 26-4 chỉ ba tuần sau khi báo chí quốc tế công bố các tài liệu rò rỉ lấy từ Công ty luật Mossack Fonseca của Panama.

Theo đơn kiện của PwC, ba bị cáo bị truy tố về các tội trộm cắp nội bộ, phát tán bí mật kinh doanh, vi phạm bí mật nghề nghiệp và bao che. Phiên toà  dự kiến diễn ra đến ngày 4-5. Ba bị cáo có thể bị kết án từ 5-10 năm tù. Vụ án này được gọi là LuxLeaks (viết tắt của Luxembourg Leaks).

Nhân vật trung tâm trong hồ sơ LuxLeaks là ông Antoine Deltour. Trước khi rời PwC năm 2010, ông Deltour sao chép hồ sơ thuế của công ty rồi trao lại cho nhà báo Edouard Perrin.

Tháng 5-2012, Đài truyền hình France 2 của Pháp đã công bố một phần hồ sơ LuxLeaks trong chuyên mục phóng sự điều tra Cash Investigation. Raphaël Halet là người đã tuồn hồ sơ lần thứ hai cho nhà báo Edouard Perrin vào năm 2014.

Trong năm 2014, Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cùng hơn 40 tờ báo đã tham gia nghiên cứu hồ sơ và công bố hai đợt hồ sơ LuxLeaks gây chấn động dư luận.

Hồ sơ hơn 28.000 trang phơi bày nhiều mưu mẹo của các công ty kiểm toán tiếp tay cho các công ty đa quốc gia lớn tránh nộp thuế nhiều.

Báo La Croix đưa tin hồ sơ LuxLeaks đã tiết lộ tổng cộng 548 thỏa thuận ngầm giữa các cơ quan thuế của Luxembourg với hơn 340 công ty đa quốc gia từ 82 nước, trong đó có 230 thoả thuận ngầm với các tập đoàn Mỹ, 197 thoả thuận ngầm với các tập đoàn Anh, rồi với Đức là 86 thoả thuận, với Pháp 58 thoả thuận.

Trong số các công ty đa quốc gia có nhiều tên tuổi nổi tiếng như Verizon, Amazon, Pepsi, Heinz, FedEx, Apple, Ikea.

Để giúp các khách hàng trốn thuế, các công ty kiểm toán đã dàn dựng hồ sơ tài chính hết sức phức tạp để cuối cùng lợi nhuận của các chi nhánh công ty đều đổ về các công ty bình phong được lập ra tại Luxembourg.

Những “người hùng” trong vụ án LuxLeaks ra tòa
Các ông Edouard Perrin, Raphaël Halet và Antoine Deltour – Ảnh: AFP

Tôi đã làm nghĩa vụ 
công dân

Trong phiên tòa ở Luxembourg hôm 29-4 (giờ địa phương), bị cáo Raphaël Halet dõng dạc nói: “Tôi chịu trách nhiệm cho hành động của tôi”.

Theo báo France Soir, phát biểu trước toà , Raphaël Halet khẳng định đã thực hiện nghĩa vụ cảnh báo với tư cách công dân sau khi xem Đài truyền hình France 2 công bố hồ sơ LuxLeaks theo điều tra của nhà báo Edouard Perrin.

Ông cho biết đã cảm thấy bị sốc với quy mô của hành vi trốn thuế nên quyết định tiếp xúc với các nhà báo thực hiện phóng sự điều tra nêu trên.

Ông cũng khẳng định với tư cách là người phụ trách số hoá hồ sơ ở PwC, nên ông đã quyết định chọn công ty nào và tài liệu nào để trao cho nhà báo Edouard Perrin.

Trước đó, “người thổi còi” Antoine Deltour đã từng bộc bạch với hãng tin Bloomberg: “Việc tôi làm là vì lợi ích chung. Tôi không hiểu vì sao tôi lại có thể bị phạt nặng khi tôi làm vì lợi ích chung”.

Ông giải thích rằng bản thân cảm thấy bất công khi các doanh nghiệp chỉ nộp 2% hay 3% thuế vào thời điểm phần lớn các nước châu Âu phải đối phó với khó khăn trong cân đối ngân sách. Ông khẳng định hồ sơ mình lấy từ ngân hàng dữ liệu mà bất kỳ nhân viên nào của PwC cũng có thể truy cập.

Báo Le Monde ghi nhận phiên toà  xét xử ba bị cáo trong hồ sơ LuxLeaks đã thu hút sự chú ý của công chúng.

Nhiều người biểu tình trước Toà  án Luxembourg để ủng hộ hành động của ba bị cáo theo lời kêu gọi của một nhóm khoảng 20 tổ chức phi chính phủ và nghiệp đoàn Pháp mang tên “Cương lĩnh thiên đường thuế và tư pháp”.

Hồ sơ LuxLeaks đã nêu chi tiết các chỉ đạo về thuế được Luxembourg nhất trí theo đề nghị giúp đỡ khách hàng của PwC. Với phiên toà  này, Luxembourg khó tránh khỏi mang tiếng là nơi để các công ty tìm đến để trốn thuế.

Chính phủ Pháp ủng hộ

Hôm 26-4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin phát biểu trước quốc hội bày tỏ tình đoàn kết với “người hùng” Antoine Deltour. Ông giải thích: “Sáng nay tôi đã yêu cầu đại sứ Pháp tại Luxembourg… xem có cần giúp đỡ anh ấy trong thời gian khó khăn khi anh ấy bảo vệ lợi ích chung mà vẫn phải ra trước toà án hình sự Luxembourg”.

Các đại biểu quốc hội đã lập tức vỗ tay hoan hô. Ông Sapin nhấn mạnh: “Chính nhờ anh ấy mà chúng ta có thể chấm dứt tình trạng mờ ám cản trở các nước châu Âu nắm rõ tình hình nộp thuế chính xác của các doanh nghiệp lớn ở Luxembourg”.

HOÀNG DUY