23/01/2025

‘Lồng bàn’ 38.000 tấn che Chernobyl

Một mái vòm khổng lồ bằng thép đang dần được hoàn thiện để bao bọc lò phản ứng số 4, nơi cách đây 30 năm đã xảy ra thảm hoạ hạt nhân ở Chernobyl, Ukraine.

 

‘Lồng bàn’ 38.000 tấn che Chernobyl

Một mái vòm khổng lồ bằng thép đang dần được hoàn thiện để bao bọc lò phản ứng số 4, nơi cách đây 30 năm đã xảy ra thảm hoạ hạt nhân ở Chernobyl, Ukraine.

 

 

 

 

Mái vòm đang dần hoàn tất /// Ngân hàng EBRD

 

Mái vòm đang dần hoàn tấtNgân hàng EBRD

 

Ngày 26.4.1986, trong lúc kiểm tra độ an toàn tại Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, các kỹ sư để xảy ra cháy nổ tại lò phản ứng số 4. Lượng phóng xạ khủng khiếp thoát ra ngoài đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Ukraine, thậm chí lan ra khoảng 2/3 diện tích châu Âu.
Ba thập niên sau, việc xử lý hậu quả của thảm hoạ vẫn đang diễn ra với công trình trọng điểm là xây dựng một “chiếc lồng bàn” úp trọn lên lò phản ứng số 4.
Hiểm hoạ chực chờ
Theo chuyên san Sciences et Avenir, ngay sau khi sự cố xảy ra tại Chernobyl, một vỏ bọc bằng bê tông đã được xây cấp tốc trong vòng 6 tháng để cô lập gần 200 tấn nhiên liệu phóng xạ, hạn chế phần nào tình trạng rò rỉ. Vỏ bọc này được xây bao bên ngoài những phần tường chưa sập hoàn toàn của lò số 4, trên nền gạch đá, sắt thép ngổn ngang. Khi đó, mức phóng xạ tại Nhà máy Chernobyl cực cao nên công trình gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia đã phải dùng cần cẩu để lắp phần nóc lên từ xa, không thể đảm bảo không có khe hở nên rất dễ bị nước hoặc không khí ẩm xâm nhập. Vì thực hiện quá gấp nên vỏ bọc được dự đoán chỉ có thể dùng trong khoảng 30 năm.
Dù chính phủ Ukraine đã 4 lần cho gia cố trong các năm 1999, 2001, 2005, 2006 để kéo dài thời gian sử dụng nhưng công trình vẫn bị nhiều hư hại. Không được xử lý để chống thấm tốt nên toàn bộ vỏ bọc bị nứt ở nhiều nơi. Tháng 2.2013, một phần nóc vỏ bọc ở khu vực trước đây là phòng máy của lò số 4 đã bị lún do tuyết đóng quá dày, theo tờ Le Monde. Các chuyên gia cảnh báo trong trường hợp lớp vỏ bị sập do giông bão hay động đất thì hậu quả có thể còn khủng khiếp hơn thảm hoạ năm 1986 vì khoảng 200 tấn nhiên liệu phóng xạ nằm bên dưới sẽ phóng thẳng ra môi trường. Lượng phóng xạ rò rỉ cách đây 30 năm ở Chernobyl chỉ chiếm 5% số nhiên liệu trong lò số 4 và toàn bộ phận còn lại tạm “ngủ yên” dưới lớp vỏ hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.
Chính vì vậy, từ năm 1992, chính phủ Ukraine bắt đầu cho đấu thầu thiết kế xây dựng một vỏ bọc mới vững chắc hơn, sử dụng những công nghệ tiên tiến để có thể tồn tại được lâu hơn. Đến năm 2007, Kiev ra quyết định chọn liên doanh Novarka của 2 tập đoàn xây dựng hàng đầu Pháp là Vinci và Bouygues để đảm nhận “siêu công trình” này. Novarka là viết ghép của từ “nova arka”, tiếng Ukraine nghĩa là “mái vòm mới”.
'Lồng bàn' 38.000 tấn che Chernobyl - ảnh 1

Công trình xây dựng mái vòm cách lò số 4 khoảng 300 mThe New York Times

Mái vòm khổng lồ
Mái vòm mới bằng thép cho lò số 4 ở Chernobyl cao 105 m, dài 165 m, rộng 260 m và nặng 38.000 tấn, tức nặng hơn tháp Eiffel ở Paris khoảng 4 lần, cao hơn tượng Nữ thần Tự Do ở New York và có thể “đậy” được 4 máy bay Airbus A380, theo tờLe Figaro. Công trình bằng thép này dự kiến được sử dụng trong ít nhất 100 năm, có thể chống chịu điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ từ -43°C đến 45°C, gió bão với vận tốc 250 – 330 km/giờ và động đất đến 7 độ Richter.
Kích thước và trọng lượng khủng của mái vòm nhằm bảo đảm 2 mục tiêu cực kỳ quan trọng là trùm xung quanh vỏ bọc cũ để tiếp tục cô lập gần 200 tấn nhiên liệu phóng xạ của lò số 4, đồng thời tạo điều kiện an toàn để bắt đầu quá trình tháo dỡ, phá hủy lò này và dần đưa nhiên liệu phóng xạ đến khu vực lưu trữ an toàn.
Ban đầu, việc khởi công xây dựng mái vòm dự kiến vào năm 2010, nhưng bị hoãn một thời gian và đến năm 2013 mới chính thức bắt đầu. Do lượng phóng xạ xung quanh khu vực thảm họa vẫn còn cao nên không thể xây trực tiếp tại đây. Các kỹ sư của Novarka đã cho thiết lập một công trường cách lò số 4 khoảng 300 m. Hơn 2.500 công nhân thay nhau làm việc theo chu kỳ 15 ngày làm, 15 ngày nghỉ với các điều kiện an toàn nghiêm ngặt để tránh nguy cơ nhiễm xạ, như trang phục bảo hộ thay mới hằng ngày và luôn mang theo thiết bị đo độ phóng xạ. Những người làm việc ở gần lò số 4 hơn thì chỉ làm tối đa 4 giờ/ngày.
Ngoài ra, do càng lên cao, mật độ tia phóng xạ càng lớn nên phần nóc mái vòm được xây trước rồi sau đó dần được nâng lên trên để tiếp tục lắp ráp, xây dựng những phần thấp hơn. Ngoài ra, trong mái vòm có gắn hệ thống cầu trục để sau này có thể lắp máy móc, thiết bị phục vụ việc tháo dỡ lò số 4 và di chuyển nhiên liệu phóng xạ đến nơi an toàn.
Dự kiến sau khi hoàn tất vào năm 2017, công trình này sẽ được gắn lên hệ thống máng trượt để kéo đến chụp lên lò số 4 lẫn vỏ bọc cũ. Giám đốc chương trình của Novarka là Nicolas Caille cho biết đây sẽ là kết cấu nặng nhất từng được di chuyển trên thế giới. Theo ông Caille, để mái vòm có thể sử dụng trong 100 năm phải giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là nguy cơ bị hoen gỉ khá cao do kết cấu phần lớn bằng kim loại. Giải pháp cho những công trình bình thường là thường xuyên sơn sửa nhưng điều này là không thể trong môi trường nhiễm phóng xạ cao. Để giải quyết, các chuyên gia đã thực hiện nhiều giải pháp như bọc lớp trong lẫn lớp ngoài của vòm bằng inox, lập hệ thống lưu thông khí khô để đảm bảo thông thoáng, đồng thời luôn kiểm soát và điều chỉnh độ ẩm cho phù hợp.
'Lồng bàn' 38.000 tấn che Chernobyl - ảnh 2

Sau khi hoàn tất vào năm 2017, mái vòm được gắn lên hệ thống máng trượt để kéo đến chụp lên lò số 4 lẫn vỏ bọc cũ Novarka


Công trình “siêu quốc gia”
Theo Le Figaro, từ dự trù ban đầu chỉ 432 triệu euro, kinh phí xây dựng mái vòm cho Chernobyl đã tăng gần 4 lần và hiện đã lên đến hơn 2 tỉ euro. Chuyên gia Viện An toàn hạt nhân Pháp (IRSN) Michel Chouha nhận định: “Các nhà khoa học đã đánh giá thấp độ phức tạp của quá trình xây dựng, lắp ráp vòm cho lò số 4. Chỉ riêng việc thống nhất quy chuẩn an toàn cho công trình giữa Novarka với chính phủ Ukraine đã làm tốn nhiều thời gian”.
Việc kiểm soát tình trạng ô nhiễm ở Chernobyl không những ảnh hưởng đến Ukraine mà liên quan đến cả châu Âu nên kinh phí xây dựng “lồng bàn” được sự hỗ trợ của hơn 40 quốc gia, trong đó phần lớn là các thành viên EU. Vì vậy, có thể xem đây là một công trình “siêu quốc gia”. Tuy nhiên, ngay cả khi công trình này kết thúc đúng dự kiến vào cuối năm 2017 thì vẫn chỉ là bước khởi đầu. Ukraine sẽ phải đảm nhận công tác bảo trì, tu sửa để kéo dài thời gian sử dụng, đủ thời gian thực hiện mục tiêu quan trọng tiếp theo là tháo dỡ lò số 4 và xử lý nhiên liệu phóng xạ ở lò này cùng 3 lò khác thuộc Nhà máy Chernobyl. Trong tình hình khủng hoảng cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội hiện nay, việc thực hiện mục tiêu này chắc chắn sẽ là một thách thức rất lớn đối với chính quyền Kiev.
“Khu bảo tồn” Chernobyl
Sau thảm hoạ hạt nhân, hơn 300.000 cư dân của Chernobyl phải di tản. Toàn bộ vùng bán kính 30 km xung quanh nơi xảy ra sự cố trở thành “vùng cấm”, không có người sinh sống. Hệ quả bất ngờ là sau 3 thập niên vắng bóng người, Chernobyl vô tình trở thành một… khu bảo tồn động vật hoang dã.
Tờ Les Echos dẫn lời kỹ sư lâm nghiệp Denis Vichnevski nhận định: “Khi con người ra đi, thiên nhiên đã quay trở lại”. Nghiên cứu công bố hồi cuối năm 2015 trên chuyên san Current Biology cho thấy số lượng chó sói ở vùng cấm Chernobyl nhiều hơn gấp 7 lần so với các khu bảo tồn lân cận. Số lượng nhiều loại động vật quý hiếm khác như linh miêu, gấu, rái cá, lửng cũng gia tăng. Trong khi thời điểm trước khi xảy ra sự cố hạt nhân, những loài này đang bị đe doạ vì khu vực sinh tồn bị thu hẹp do quá trình đô thị hoá. Năm 1990, một đàn nhỏ ngựa Przewalski – loài có nguy cơ tuyệt chủng – được thả vào vùng cấm và đến nay, số lượng của chúng đã lên đến hàng trăm con.
Điều đáng chú ý là tuy lượng phóng xạ cao cũng làm thú hoang dã ở “khu bảo tồn” Chernobyl có tuổi thọ ngắn hơn và sinh sản kém hơn, nhưng do không bị tác động tiêu cực từ con người (săn bắn, nông nghiệp, phá rừng…) nên số lượng của chúng vẫn tăng nhanh hơn so với ở những cánh rừng thông thường.


 

Lan Chi