23/01/2025

130 năm Quốc tế Lao động

Cách đây đúng 130 năm, hàng trăm ngàn người lao động tại Mỹ tham gia cuộc tổng đình công lịch sử, sau này trở thành ngày Quốc tế Lao động.

 

130 năm Quốc tế Lao động

 

Cách đây đúng 130 năm, hàng trăm ngàn người lao động tại Mỹ tham gia cuộc tổng đình công lịch sử, sau này trở thành ngày Quốc tế Lao động.


 

 

 

Tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động năm 1967 ở Romania
 ///  Ảnh: Cục lưu trữ quốc gia Romania

Tuần hành nhân ngày Quốc tế Lao động năm 1967 ở Romania Ảnh: Cục lưu trữ quốc gia Romania

 

Năm 1886, dưới áp lực của nghiệp đoàn, hơn 200.000 người lao động tại Mỹ được áp dụng chế độ làm việc 8 tiếng/ngày. Tuy đây là một bước tiến đáng kể nhưng số lượng người được hưởng chỉ chiếm số ít nên để chế độ này được lan rộng, ngày 1.5.1886, Liên đoàn Lao động Mỹ quyết định tổ chức tổng đình công với sự tham gia của khoảng 400.000 người, theo tờ Le Figaro.
Một cuộc tuần hành quy mô lớn được tổ chức ở TP.Chicago. Hàng loạt nhà máy bị tê liệt nhưng giới chủ vẫn không chịu nhượng bộ. Cuộc tổng đình công, biểu tình kéo dài đến ngày 3.5.1886, đụng độ bắt đầu nổ ra giữa những người tham gia với cảnh sát tại Chicago làm ít nhất 6 công nhân thiệt mạng. Ngày hôm sau, quả bom do một nhóm vô chính phủ cài đã phát nổ ở một cuộc mít tinh, làm 10 người chết, trong đó có 7 cảnh sát.
Hơn 3 năm sau vụ việc ở Chicago, đại hội của Đệ nhị Quốc tế tổ chức ở Paris, Pháp vào tháng 7.1889 đã thông qua việc chọn ngày 1.5 làm “Ngày Người lao động quốc tế”, tiền thân của Quốc tế Lao động hiện nay.
Đại hội quyết định vào ngày này hằng năm sẽ tổ chức tuần hành đồng loạt trên khắp thế giới để tưởng niệm những nạn nhân của đợt bạo động ở Chicago đồng thời tạo tiếng nói để các nước áp dụng chế độ làm việc 8 giờ/ngày. Như vậy, nguồn gốc của ngày Quốc tế Lao động gắn liền với quá trình đấu tranh dai dẳng của người lao động để được làm việc với thời lượng hợp lý. Biểu tượng ban đầu được các nghiệp đoàn chọn cho ngày 1.5 là tam giác đều màu đỏ, để chỉ mục tiêu: 8 giờ làm việc, 8 giờ giải trí, 8 giờ nghỉ ngơi.
Ngày hành động
Sự kiện ở Chicago trở thành bước ngoặt trong phong trào đấu tranh “8 giờ/ngày” và sau đại hội của Đệ nhị Quốc tế vào năm 1889, ngày 1.5 trở thành ngày hành động để lan toả mục tiêu này đến toàn thế giới. Ngày 1.5.1890, lần đầu tiên công nhân ở 20 quốc gia đã cùng xuống đường tuần hành hoặc tổ chức đình công. Đảng Công nhân Hungary kêu gọi: “Với ngày làm việc 8 giờ, công nhân sẽ không còn là một công cụ mà thật sự trở thành con người”.
Làn sóng “8 giờ/ngày” khiến giới lãnh đạo các công ty lo ngại. Tại Đức, giới chủ thành lập một liên đoàn và cảnh báo sẽ sa thải những nhân viên vắng mặt vào ngày 1.5, thậm chí có thể đóng cửa nhà máy nếu số lượng đình công chiếm hơn 2/3 số công nhân. Tại Ý, nhiều doanh nhân giàu có rời bỏ thủ đô Rome. Tại thủ đô Vienna của Áo, 300.000 người lao động tham gia cuộc tuần hành ôn hòa. Tương tự, ở thủ đô London của Anh, hơn nửa triệu người đã cùng xuống đường để kêu gọi áp dụng chế độ 8 giờ/ngày. Hàng loạt cuộc mít tinh cũng được tổ chức ở Bồ Đào Nha, Mexico, Mỹ, Romania… Tại Pháp, tuy chưa áp dụng chế độ 8 giờ/ngày làm nhưng chính phủ bắt đầu nhượng bộ ở một số điều khoản do các nghiệp đoàn đề xuất như bỏ sổ theo dõi công nhân, thông qua luật về tai nạn lao động, thời gian làm việc của phụ nữ và trẻ vị thành niên được hạn chế còn tối đa 10 giờ/ngày.
Các cuộc đình công, tuần hành vẫn tiếp diễn những năm sau đó ở khắp nơi và phải đợi đến những hiệu ứng từ cuộc Cách mạng Nga vào năm 1917, giấc mơ của người lao động mới dần thành hiện thực. Tại Pháp, các đợt tuần hành vào ngày 1.5 trong hai năm 1917, 1918 thu hút ngày càng nhiều người tham gia. Áp lực tăng dần và chỉ vài ngày trước ngày 1.5.1919, giới chủ chấp nhận thoả hiệp với chính phủ Pháp để áp dụng chế độ làm việc 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Tuy kèm theo đó, nhiều công ty đã giảm lương của nhân viên nhưng với các nghiệp đoàn ở nước này, đây thật sự là một thắng lợi quan trọng, một “giấc mơ” khi so với cường độ làm việc từ 60 – 72 giờ/tuần trước đó. Cùng với Pháp, nhiều nước châu Âu khác cũng chính thức áp dụng đề xuất của các nghiệp đoàn. Từ cuối năm 1918, các quốc gia như Đức, Ba Lan, Luxembourg, Áo lần lượt gia nhập nhóm “8 giờ/ngày”.
Theo cẩm nang văn hóa – du lịch Routard, từ năm 1920, Liên Xô chính thức đưa ngày 1.5 trở thành ngày lễ và nhiều nước khác cũng lần lượt ra quyết định tương tự gồm Bỉ, Đức, Luxembourg, Pháp… Một số quốc gia như Thuỵ Sĩ tuy không quy định là ngày nghỉ bắt buộc nhưng một số công ty, tổ chức quốc tế có thể tự cho nhân viên nghỉ lễ vào ngày này. Hiện nay, các nước tổ chức ngày Quốc tế Lao động theo nhiều hình thức khác nhau. Tại Pháp, ngày 1.5 hiện vẫn mang đậm dấu ấn của một sự kiện chính trị – xã hội. Vào ngày này, các nghiệp đoàn ở Pháp luôn tổ chức tuần hành và thường kết hợp để truyền tải lên chính phủ những thông điệp liên quan đến người lao động. Tại những nước như Ý, ngày 1.5 mang không khí lễ hội hơn, với truyền thống là một buổi hòa nhạc lớn ở quảng trường Nhân dân (Piazza del Popolo) quy tụ hàng triệu khán giả tham dự. Tại Phần Lan còn đặc biệt hơn vì ngày 1.5 cùng lúc là nhiều lễ lớn: lễ lao động, lễ sinh viên và lễ mừng xuân về. Ở một số quốc gia như Romania hay Ba Lan, Quốc tế Lao động đơn giản là một ngày lễ và người dân được nghỉ ngơi, chứ không có hoạt động quy mô nào được tổ chức. Trong khi đó, ở “cái nôi” của ngày 1.5 là khu vực Bắc Mỹ, cả Mỹ lẫn Canada đều không chọn ngày này làm lễ mà giữ truyền thống lễ Lao động (Labor Day) vào thứ hai đầu tiên của tháng 9.


 

Lan Chi