IS nuôi cá, buôn xe kiếm tiền
Nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm đã khiến IS chuyển sang nuôi cá, buôn lậu xe hơi và cả nội tạng người để vá víu “lỗ thủng ngân sách”.
IS nuôi cá, buôn xe kiếm tiền
Nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm đã khiến IS chuyển sang nuôi cá, buôn lậu xe hơi và cả nội tạng người để vá víu “lỗ thủng ngân sách”.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đang gặp khó khăn về tài chính sau khi các cuộc không kích ồ ạt của quốc tế tại Syria và Iraq gây tổn thất nặng nề cho hoạt động buôn lậu dầu mỏ. Trước đó, giới quan sát cho rằng doanh thu hằng năm của IS ở mức 2,9 tỉ USD, phần lớn từ các nhà máy dầu và khí đốt chiếm được tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, hiện có thể thấy rõ sự sụt giảm mạnh nguồn thu từ dầu mỏ. Theo đài RT, sản lượng dầu của IS từ 33.000 thùng/ngày hiện giảm còn 21.000 thùng/ngày. Doanh thu hằng tháng từng ở mức khoảng 80 triệu USD, nay giảm sâu còn 56 triệu USD.
Tình hình tài chính của IS càng bi đát hơn khi Mỹ tập trung không kích vào mạng lưới ngân hàng, kho bạc của lực lượng này và đã tiêu huỷ khoảng 500 – 800 triệu USD tiền mặt, tờ The Washington Times dẫn lời thiếu tướng Peter Gersten, phó chỉ huy chiến dịch chống IS tại Syria và Iraq, cho biết. Trong một đợt ném bom mới đây vào đầu não tài chính của IS ở TP.Mosul (Iraq), ước tính 150 triệu USD đã biến thành tro bụi.
|
Sau những diễn biến trên, IS đã chuyển sang các hình thức kiếm tiền mới, bao gồm cả nuôi cá bè và buôn lậu xe hơi.
Reuters hôm 29.4 dẫn lời giới chức tư pháp Iraq cho biết tổ chức này đang kiểm soát hàng trăm hồ nuôi cá và cửa hàng xe hơi tại nước này. “Cơ chế tài chính hiện nay của IS đã thay đổi đáng kể so với gần 2 năm trước. Sau khi mất kiểm soát hàng loạt giếng dầu, chúng đã nghĩ ra các cách kiếm tiền phi truyền thống để trả lương cho lính và duy trì hoạt động”, ông Jabbar Abid al-Huchaimi thuộc Bộ Tư pháp Iraq nói. Các trang trại nuôi cá chủ yếu tập trung ở phía bắc thủ đô Baghdad do nhiều chủ trại cá tháo chạy khi IS tấn công hoặc chấp nhận hợp tác để giữ mạng.
Ngoài ra, IS còn tích cực cho hoạt động lại những nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe hơi trong các khu vực đang kiểm soát. “Trong thời gian gần đây, IS đưa vào hoạt động lại các nhà máy ở Mosul và nhiều vùng khác để kiếm tiền”, ông al-Huchaimi cho Reuters hay. Nguồn thu nhập mới của IS còn đến từ tăng thuế đất nông nghiệp và áp thuế 10% đối với mặt hàng nông sản hoặc các thực phẩm khác được đưa đến các vùng bị nhóm này chiếm đóng.
Bên cạnh đó, trong cơn khát tiền, IS không từ cả buôn bán nội tạng người. Theo tờ al-Sabah dẫn nguồn tin từ Mosul, các bác sĩ tại thành phố này bị ép buộc mổ lấy nội tạng như tim, thận… của tù binh, dân thường bị bệnh hoặc thậm chí là các tay súng IS bị thương để tuồn ra chợ đen.
Ngoài nguồn tiền cạn dần, phần lãnh thổ do IS kiểm soát cũng đang ngày càng thu hẹp sau những đợt tiến công của quân đội Iraq, Syria được không quân Mỹ, Nga và một số nước khác yểm trợ. Từ giữa năm 2014, IS mất 22% lãnh thổ ở 2 quốc gia này và dân số trong vùng bị chiếm đóng cũng giảm từ khoảng 9 triệu người xuống còn 3 triệu người, theo Tổ chức Nghiên cứu an ninh IHS.
“Không còn nhiều người và doanh nghiệp để đánh thuế cũng như có ít đất và tài sản hơn để tịch thu”, chuyên gia phân tích Columb Strack thuộc IHS giải thích. Trước đó, ngoài dầu mỏ, tiền của IS còn đến từ áp đặt sưu thuế nặng nề, cướp bóc tài sản, buôn bán ma túy và nhiều khoản tài trợ của các nguồn giấu mặt.
Danh Toại