Chính sách đừng “sáng nắng chiều mưa”
Không thể làm chính sách theo kiểu sáng nắng chiều mưa, hướng dẫn luật không rõ ràng dẫn đến tình trạng hiểu đúng cũng được mà sai cũng được.
THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC GẶP GỠ DOANH NGHIỆP:
Chính sách đừng “sáng nắng chiều mưa”
Không thể làm chính sách theo kiểu sáng nắng chiều mưa, hướng dẫn luật không rõ ràng dẫn đến tình trạng hiểu đúng cũng được mà sai cũng được.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị trực tuyến “Doanh nghiệp VN – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” sáng 29-4 – Ảnh: Quang Định |
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách của mình đưa ra và phải xem doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước với chủ đề “Doanh nghiệp VN – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” vào ngày 29-4 tại TP.HCM.
“Nên xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý |
Bà MAI KIỀU LIÊN |
5m vải mẫu tốn 2 triệu đồng kiểm định
Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN (Vitas), đưa ra ví dụ minh họa cho việc luật ban hành vẫn còn rất xa rời thực tế. Theo ông Giang, thông tư 37 ban hành ngày 30-10-2015 về kiểm tra formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo khiến DN gặp rất nhiều khó khăn do phải kiểm tra, giám định.
“Chính sách ban hành tưởng thông thoáng, tạo điều kiện cho DN, ai ngờ còn gây phiền nhiễu, rối rắm hơn bao giờ hết. Nhiều lô hàng mẫu số lượng rất nhỏ, chỉ có 5m, giá trị khoảng 100.000-200.000 đồng mà chi phí kiểm định đến 2 triệu đồng. Như vậy thật kỳ quái và mất thời gian của DN” – ông Giang bức xúc.
Trong khi đó, ông Diệp Dũng, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng một trong những trở ngại của DN hiện nay là khó chủ động nắm được những cơ hội kinh doanh của mình, “vì không biết thủ tục có cho làm hay không để mà đi đàm phán”.
Chẳng hạn, dù lọt vào vòng thương thảo cuối cùng của thương vụ mua lại Big C VN, nhưng Saigon Co.op đã không thể trả lời có xin được giấy phép đầu tư ra nước ngoài hay không do công ty mẹ của Big C VN nằm ở châu Âu.
Bà Mai Kiều Liên, tổng giám đốc Công ty CP Sữa VN (Vinamilk), lại đề nghị nên mở nhiều phòng đăng ký kinh doanh, bởi TP.HCM hiện chỉ có một phòng, đồng thời giảm thủ tục và các giấy phép con để đúng với Luật DN.
“Cần hạn chế tình trạng ban hành các thông tư, quy định để đẻ ra giấy phép con cũng như sự chồng chéo giữa các cơ quan để tránh gây phiền hà cho DN. Cơ chế chính sách, thông tư, nghị định nào phù hợp thì không nên thay đổi, tránh bất ổn và gây tăng chi phí. Nên xem DN là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng bị quản lý” – bà Liên đề nghị.
Cùng quan điểm, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV, cho rằng chỉ nên có một nghị định dưới luật, hạn chế và bỏ thông tư vì chính các thông tư đẻ ra giấy phép con, đồng thời phải có cơ chế giám sát cán bộ công chức vô cảm, nhũng nhiễu người dân và DN.
“Việc cải cách thuế và hải quan, cơ quan quản lý cũng phải kiểm chứng từ DN, chứ không chỉ nên dựa vào báo cáo của các bộ. Ngoài ra cần phải xử lý nghiêm tình trạng cán bộ nhũng nhiễu” – ông Hà kiến nghị.
“Cột” trách nhiệm người đứng đầu
Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc rút ngắn khoảng cách giữa quy định và thực thi của cán bộ thuế, hải quan là việc rất quan trọng.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận phải cải cách mạnh hơn môi trường cạnh tranh, bởi năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng thứ bậc vẫn ở tầm trung là chưa đạt yêu cầu.
“Phải làm sao cho môi trường kinh doanh an toàn, bảo hộ quyền sở hữu sao cho thuận lợi nhất, cạnh tranh an toàn, bình đẳng, tiết kiệm chi phí nhất là về thời gian, tiền bạc. Bây giờ phải chọn từng việc mà làm và chọn được người quy trách nhiệm, tiếp thu ý kiến phản ảnh và xử lý rốt ráo. Như vậy môi trường cạnh tranh và năng lực nhất định phải cải thiện” – ông Đam nói.
Cũng theo ông Đam, đồng hành không có nghĩa là đi cùng nhau mà phải cùng nhau tháo gỡ. Muốn vậy, DN không chỉ kêu mà phải kiến nghị giải pháp, phải sát cánh với cơ quan chức năng.
Chia sẻ với tâm tư của DN về việc gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định ngành công an không có khái niệm và chủ trương hình sự hoá các quan hệ kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế còn tình trạng một số cán bộ do tiêu cực, do năng lực yếu kém nên đã có những hành vi vi phạm pháp luật, làm xảy ra những vụ oan sai, làm ảnh hưởng tới DN và người dân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa nhận DN vẫn còn nhiều khó khăn trong vấn đề nộp thuế, thông quan hàng hoá, đặc biệt là hoàn thuế giá trị gia tăng thời gian qua.
“Nhiều quy định đúng nhưng cán bộ thực hiện chưa tốt nên thực hiện còn ách tắc” – ông Đinh Tiến Dũng nói, đồng thời cho biết việc phải rà soát thủ tục nhưng nâng cao năng lực cán bộ thuế, hải quan là việc vô cùng hệ trọng, cần có sự vào cuộc của cộng đồng DN để kiểm tra giám sát.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, ngoài việc rà soát lại các điều kiện kinh doanh đối với những ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhằm loại bỏ hoàn toàn các loại giấy phép con, gây cản trở hoạt động của DN, sắp tới Bộ Công thương cũng sẽ nhanh chóng phối hợp với các bộ ngành khác để đưa các thông tin liên quan đến việc cấp giấy phép, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh lên các cổng thông tin quốc gia, website bộ một cách công khai minh bạch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu bên lề hội nghị trực tuyến “Doanh nghiệp VN – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” sáng 29-4 – Ảnh: Quang Định |
Sẽ loại bỏ những thủ tục không phù hợp
Trong phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ kiểm tra việc ký cam kết tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho DN giữa Phòng Thương mại và công nghiệp VN với UBND TP.HCM và UBND TP Hà Nội bằng các hành động cụ thể và làm thực chất.
Cũng theo Thủ tướng, với truyền thống tôn trọng DN và tôn vinh doanh nhân, Đảng và Nhà nước đã tập trung làm thể chế, làm chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.
Sự thay đổi này rất nhiều, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế cạnh tranh. Trong đó, DN, doanh nhân VN đã có công rất lớn trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận các luật ban hành và chỉnh sửa còn chậm so với thực tế. Nhiều khi có luật nhưng nghị định, thông tư ban hành chậm, không rõ ràng, đưa đến nhiều cách hiểu khác nhau, hiểu đúng cũng được mà sai cũng được, DN kêu ca rất nhiều.
Ngoài ra còn tình trạng phí chồng phí, tiêu cực. Do đó, Thủ tướng yêu cầu không thanh tra chồng chéo, kiểm tra khi không có lý do chính đáng.
Theo Thủ tướng, cơ quan hành chính không được hành DN, hướng dẫn nhà đầu tư không bổ sung hồ sơ quá một lần, không kéo dài thời gian vì nhiều cơ quan cứ hành DN, kêu thiếu giấy này giấy kia, thiếu mãi.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ, Nhà nước khi ban hành chính sách thì không được làm chính sách theo kiểu sáng nắng chiều mưa, không được hồi tố chính sách. Các cơ quan nhà nước khi ban hành chính sách, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách của mình đưa ra. Phải coi DN là đối tượng được phục vụ.
Thủ tướng yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về quản lý nhà nước, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Cơ quan nhà nước phải đổi mới tư duy, và DN được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Trước mắt sẽ không tăng thuế, phí, lãi vay ngân hàng, đặc biệt sẽ giảm 1% khi cho vay cho khoản vay trung dài hạn, lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để khuyến khích DN đẩy mạnh đầu tư, thành lập DN để làm ăn.
Thủ tướng cũng cam kết Chính phủ, các bộ ngành sẽ tiếp tục giải quyết những vướng mắc trong Luật DN, Luật đầu tư mà DN đã phản ảnh. Tiếp tục đẩy mạnh, hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp cho tất cả các DN trong nước.
* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Các quy định về điều kiện phải minh bạch, lượng hoá được, dễ hiểu để nhà đầu tư, DN tự đánh giá được để tuân thủ. Các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và DN, theo tinh thần Nhà nước kiến tạo, cung cấp dịch vụ cho người dân và DN, lấy người dân và DN làm đối tượng phục vụ. DN nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội, khơi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh nên cần có chính sách riêng để nhóm DN này phát triển hội nhập. Đảng, Nhà nước coi DN tư nhân là động lực phát triển kinh tế. Chính phủ cũng sẽ ngăn chặn việc hình sự hoá các quan hệ kinh tế nhằm tạo niềm tin cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. |
* Ông Vũ Tiến Lộc (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN):
Phải có kênh cho doanh nghiệp phản ảnh tiêu cực Với mục tiêu cả nước tập trung toàn lực phát triển DN trong năm năm tới, việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, giảm tối đa chi phí và giảm thiểu rủi ro cho DN, đổi mới tư duy toàn diện bộ máy hành chính ở trung ương và địa phương, thực hiện đầy đủ tinh thần chính quyền phục vụ dân và DN là hết sức quan trọng. Nhà nước, đặc biệt là Nhà nước pháp quyền, thì không thể để lặp lại vụ việc không thể chấp nhận được như trường hợp quán cà phê “Xin Chào” được. Muốn vậy, tất cả các cơ quan hành chính cần tạo điều kiện thuận lợi trên trang web, điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo để người dân, DN phản ảnh bất kỳ biểu hiện tiêu cực nào. Nếu phát hiện có vi phạm cần xử lý ngay và nghiêm minh, đúng pháp luật để làm gương, giữ niềm tin của người dân vào pháp luật. Trong thời gian tới, cần kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, bởi những quy định và giấy phép này đang làm tăng rủi ro và chi phí cho DN. Đặc biệt, cần xoá bỏ chế độ chủ quản của các bộ ngành và chính quyền địa phương đối với các DN nhà nước để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Việc xoá bỏ chế độ chủ quản sẽ bảo đảm tập trung được nguồn lực của các bộ ngành vào làm thể chế, chính sách và kiến tạo phát triển, giải phóng được DN nhà nước ra khỏi sự can thiệp sự vụ của các bộ ngành vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để DN nhà nước năng động và sáng tạo hơn cũng như sự bình đẳng giữa các DN nhà nước với nhau và với khu vực tư nhân. * Ông Trần Bá Dương (chủ tịch HĐQT Thaco):
Bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính trước khi quá muộn Chính phủ cần phải có chính sách chặt chẽ, biện pháp xử lý nặng và nghiêm minh để hạn chế tối đa các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng để bảo vệ ngay các DN làm ăn chân chính trước khi quá muộn. Chính phủ cùng các bộ, ngành chủ quản (với sự tham gia tích cực của cộng đồng DN) đánh giá lại một cách tổng quát và chi tiết thực trạng các ngành, nghề kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp trong bối cảnh hội nhập qua các tiêu chí: lực lượng DN và năng lực cạnh tranh của DN về trình độ công nghệ, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để cập nhật lại chiến lược đã được soạn thảo nhằm có định hướng đúng cho DN. |