23/01/2025

Nan giải bài toán văn hoá hội nhập cho người nhập cư

Vấn đề người nhập cư không phải mới ở châu Âu nhưng với một số lượng đổ đến ồ ạt và khó chọn lọc, nhiều nước châu Âu đang phải giải quyết bài toán đào tạo cho họ thích ứng với cuộc sống có quy củ.

 

Nan giải bài toán văn hoá hội nhập cho người nhập cư

 

Vấn đề người nhập cư không phải mới ở châu Âu nhưng với một số lượng đổ đến ồ ạt và khó chọn lọc, nhiều nước châu Âu đang phải giải quyết bài toán đào tạo cho họ thích ứng với cuộc sống có quy củ.

 

 

 

 

Nan giải bài toán văn hóa hội nhập cho người nhập cư
Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ ba từ trái sang) đến thăm một điểm giữ trẻ trong trại tị nạn Nizip ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23-4 – Ảnh: Reuters

Lâu nay người nhập cư và tị nạn vẫn được xem là nguồn nhân lực quan trọng bổ sung cho châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng lão hoá dân số. Cách đây không lâu, Thủ tướng Đức Angela Merkel còn không giấu giếm quan điểm này khi khẳng định kinh tế Đức cần lực lượng lao động bổ sung.

4% người Hồi giáo

Vấn đề nan giải là đại đa số người tị nạn và di cư hiện nay là người Hồi giáo đến từ các nước Trung Đông, Bắc Phi và trở ngại lớn nhất là khả năng hội nhập của họ vào môi trường mới.

Theo EUMC (tổ chức theo dõi vấn đề chủng tộc của Liên minh châu Âu), số tín đồ Hồi giáo trong khối là hơn 14 triệu.

Theo Trung tâm nghiên cứu PEW, con số đó thậm chí lên đến 19 triệu, chiếm 4% dân số EU và đặc biệt đang tăng rất nhanh theo dòng người tị nạn.

Vấn đề là không ít người, sau khi đã đến được “miền đất hứa”, lại không tích cực hội nhập như những người gốc Á.

Nhiều cộng đồng vẫn duy trì những tập quán, truyền thống từ quê hương dù đó là những chuyện bị luật pháp nước sở tại nghiêm cấm, từ bạo hành phụ nữ, trẻ em trong gia đình, tảo hôn, cưỡng hôn… tới “giết người vì danh dự” hay cắt âm vật các bé gái.

Chuyện quấy rối hàng trăm phụ nữ tại Đức dịp giao thừa 2016 hay hàng trăm thiếu nữ Thụy Điển bị thiếu niên nhập cư quấy rối trong lễ hội âm nhạc “We are Sthlm”, tổ chức tại Stockholm, trong hai năm 2014 và 2015 cũng một phần do thói quen của họ đối với phụ nữ từ quê nhà.

Tại những xã hội nam trị này, những phụ nữ ra đường mà không có thân nhân nam giới đi kèm bị xem là hư hỏng hay dễ dãi, hoặc vai trò của nữ giới trong xã hội chủ yếu là sinh con và đáp ứng nhu cầu tình dục của nam giới.

Chuyện tảo hôn cũng khiến nhiều nước đau đầu. Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy… hiện rất lúng túng trước những “cô dâu 8 tuổi” trong dòng người tị nạn. Họ là những cô gái mới 14, 15 tuổi mà đã có chồng (thường hơn nhiều tuổi), sinh con, trong khi tuổi kết hôn theo luật định tại châu Âu là 18.

Chẳng hạn trong số người tị nạn đến Na Uy có cô mới 14 tuổi đã có con 18 tháng và đang mang thai đứa thứ hai, cá biệt có một “cô vợ” mới tròn 11 tuổi!

Theo luật bảo vệ trẻ em tại đây, người dưới 15 tuổi không sống cùng cha mẹ phải đến các cơ sở chăm sóc trẻ em. Thế nên nếu để các cô bé này sống với chồng thì trái luật, tách ra cũng không được vì các đôi đã kết hôn theo luật Hồi giáo!

Các chính sách thất bại

Để có một cái nhìn cụ thể hơn với các cộng đồng Hồi giáo tại Đan Mạch, Đài truyền hình TV2 đã thực hiện bộ phim tài liệu 4 tập Thánh đường Hồi giáo sau tấm mạng che bằng những camera ẩn, ghi hình hoạt động của 8 thánh đường, nhà nguyện trong số khoảng 150 nơi thờ phượng tại đây. Tập đầu được phát ngày 1-3.

Bộ phim cho thấy những cảnh như thầy cả (imam) của thánh đường Freden, thành phố Aarhus (nơi tập trung nhiều người nhập cư Hồi giáo) khuyên một phụ nữ bị chồng bạo hành là không nên báo cảnh sát.

“Tại sao phải tìm đến luật của nhà nước trong khi chúng ta có thể tự giải quyết?” – thầy cả nói trong phim.

Tại hai nhà nguyện của người Somalia và thánh đường Grimhoej, cũng tại Aarhus, các thầy cả giảng giải là cha mẹ phải đánh con cái về tội không cầu nguyện khi chúng đủ 10 tuổi, các thiếu nữ chưa chồng tiếp xúc với nam giới ngoài gia đình phải bị quất roi, phụ nữ có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân thì bị ném đá tới chết, phụ nữ không được phép làm việc tại những nơi có đàn ông…

Trước sự phản đối của dư luận, một số thầy cả đã mạnh mẽ lên án Đài TV2 “làm tổn hại quá trình 30 năm hội nhập của người nhập cư Hồi giáo”, nhưng họ cũng không phủ nhận những điều thể hiện trong bộ phim tài liệu này.

Hiện có hơn 244.000 người nhập cư Hồi giáo tại Đan Mạch, chiếm khoảng 4,3% dân số. Một số thầy cả đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng để công khai tuyên truyền những tư tưởng cực đoan như Oussama El-Saadi ở thánh đường Grimhoej.

Theo cảnh sát Đan Mạch, thánh đường này từng là nơi tụ họp của 22/27 người gốc nhập cư đã đến Syria tham gia “thánh chiến” năm 2013.

Một số nghị sĩ Đan Mạch đã lên tiếng đòi đóng cửa thánh đường Grimhoej vì tuyên truyền những điều trái pháp luật.

Tuy nhiên điều này lại động chạm đến quyền tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Một số nghị sĩ khác lại đề xuất những biện pháp như tài trợ cho chương trình đào tạo thầy cả của các thánh đường, tổ chức nhiều khoá học, cấp chứng chỉ cho các thầy cả nước ngoài muốn đến thuyết giảng tại Đan Mạch… hầu hạn chế những khuynh hướng cực đoan và giúp tín đồ Hồi giáo hội nhập tốt hơn.

Tại Thuỵ Điển, Phần Lan cũng có những ý kiến tương tự, riêng Chính phủ Na Uy đang nghiên cứu dự án mở trung tâm đào tạo các lãnh đạo tôn giáo.

Thật sự các chính quyền châu Âu đang lúng túng, thậm chí có vẻ cảm thấy những chính sách giúp hội nhập lâu nay đã thất bại.

Một thăm dò do nhật báo Jyllands Posten của Đan Mạch tiến hành vào tháng 10-2015 cho thấy 4/10 tín đồ Hồi giáo tại Đan Mạch cho rằng luật pháp Đan Mạch phải được xây dựng dựa hoàn toàn hoặc một phần trên kinh Koran!

QUẾ VIÊN (Copenhagen)