Hàng trăm triệu người Ấn Độ lao đao vì hạn hán
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất mấy mươi năm qua ở nhiều bang của Ấn Độ đang đẩy hàng trăm triệu người dân nước này vào cảnh nghèo đói…
Hàng trăm triệu người Ấn Độ lao đao vì hạn hán
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất mấy mươi năm qua ở nhiều bang của Ấn Độ đang đẩy hàng trăm triệu người dân nước này vào cảnh nghèo đói…
Người dân Ấn Độ phải tìm nước ở những ao tù đọng gần như cạn khô vì hạn hán – Ảnh: theguardian.com |
Tình trạng hạn hán tồi tệ nhất mấy mươi năm qua ở nhiều bang của Ấn Độ đang đẩy hàng trăm triệu người dân nước này vào cảnh nghèo đói, tha hương cầu thực và đứng trước nguy cơ trở thành con mồi của bọn buôn người.
Hãng tin Reuters cho biết có khoảng 330 triệu người Ấn Độ hiện nay đang bị nạn hạn hán ảnh hưởng. Nhiều người trong số này phải bỏ làng quê đi khắp nơi để tìm nguồn nước, thực phẩm và công việc để có thu nhập nuôi sống gia đình.
“Người dân nông thôn luôn là những người dễ bị tổn thương nhất vì họ cần công việc và cuộc sống tốt hơn. Nạn hạn hán đã làm tình hình thêm tồi tệ hơn và giờ đây dân chúng hoàn toàn không có gì để sống” – Reuters dẫn lời chuyên gia thuộc Tổ chức xã hội hành động vì đoàn thể và sự phát triển của bang Maharashtra, bà Mangala Daithankar, nhấn mạnh.
Bang Maharashtra và bang Karnataka là hai trong những bang ở miền tây Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt hạn hán này.
Liên tục thiếu mưa trong nhiều năm khiến mùa màng thất bát, gia súc chết, các hồ chứa nước cạn khô đẩy nông dân đến cảnh nợ nần. Tại bang Maharashtra đã có hàng ngàn nông dân tự tử vì rơi vào cảnh bế tắc do hạn hán.
Người dân ở các vùng hạn hán giờ đây đang đổ về các thành phố lớn để kiếm sống. Trên đường phố Mumbai và Pune những ngày này tràn ngập người dân nông thôn đến tìm việc, chủ yếu ở các công trường xây dựng.
Họ phải ngủ dưới gầm cầu vượt và trên vỉa hè vì không đủ tiền thuê nhà trọ. Thậm chí nhiều người buộc phải đi ăn xin vì không tìm được việc làm.
Trong khi đó, một số gia đình khác lại bị dụ dỗ vào làm ở lò gạch với đồng lương ít ỏi nhưng phải lao động như nô lệ. Nhiều phụ nữ chưa chồng hay goá phụ thì bị bọn buôn người dụ dỗ bán vào những nhà thổ ở Mumbai và các thành phố khác của Ấn Độ. Trẻ em cũng bị bắt bán đi.
“Thiên tai đang trở thành vùng đất màu mỡ cho bọn buôn người khai thác” – tổng giám đốc Phong trào giải cứu trẻ em Bachpan Bachao Andolan cho biết. Tổ chức này đã giải thoát hơn 85.000 trẻ em khỏi nạn lao động nô lệ thời hiện đại ở Ấn Độ.
Dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cam kết sẽ thực hiện chiến dịch bảo tồn nguồn nước trên toàn quốc để giải hạn cho nông dân, song chính phủ của ông vẫn bị chỉ trích là “thiếu sự thông cảm” với dân trong vấn đề này, buộc hàng trăm triệu người phải rơi vào hoàn cảnh nguy khốn.
Khoảng 170 nhà hoạt động, học giả và nhà kinh tế đã cùng ký tên trong một lá thư công khai gửi chính phủ, họ nói rằng hạn hán đã gây ra “tai hoạ lớn cho sự chuyển động của dân số, phá vỡ tuổi thơ, gây gián đoạn học hành khi có quá nhiều trẻ em phải tha hương theo gia đình sống chen chúc trong các căn chòi tạm bợ hoặc ngủ trên vỉa hè”.