23/01/2025

Cuộc đua tuyển sinh giữa các trường đại học

Đã qua rồi cái thời trường ĐH “ngồi yên” đợi thí sinh. Ngày nay, ở nhiều trường (cả công lập và ngoài công lập), thậm chí hiệu trưởng cũng phải đích thân thực hiện các chiến dịch nhằm tìm kiếm thí sinh.

 

Cuộc đua tuyển sinh giữa các trường đại học

 

Đã qua rồi cái thời trường ĐH “ngồi yên” đợi thí sinh. Ngày nay, ở nhiều trường (cả công lập và ngoài công lập), thậm chí hiệu trưởng cũng phải đích thân thực hiện các chiến dịch nhằm tìm kiếm thí sinh.






Đại diện một trường ĐH trực tiếp tư vấn cho học sinh  /// - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Đại diện một trường ĐH trực tiếp tư vấn cho học sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch


“Đi tour” tuyển sinh
Thời điểm tuyển sinh ĐH, CĐ chính thức diễn ra trong 3 tháng nhưng công tác tư vấn tuyển sinh của các trường diễn ra gần như hết năm. Ngay khi kết thúc mùa tuyển sinh, nghĩa là khi sinh viên vừa nhập học xong, bộ phận phụ trách tuyển sinh của các trường đã phải lên kế hoạch cho năm tiếp theo. Bắt đầu từ tháng 1, hầu hết các trường ngoài công lập đã lên đường làm công tác tư vấn tuyển sinh mà nhiều cán bộ vẫn nói vui là “đi tour”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Thời điểm trước tết, trường bắt đầu tập trung nhân lực để đến các trường THPT cung cấp thông tin về trường, đồng thời giúp các em định hướng nghề nghiệp. Thời kỳ cao điểm, không chỉ nhân viên bộ phận tuyển sinh, mà cán bộ ở các phòng, khoa cũng tham gia. Có lúc lên tới 30, 40 người”. Số lượng trường THPT mà Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tiếp cận mỗi năm là khoảng 500 – 600 trường.
Tại Trường CĐ Bách Việt, các nhóm cán bộ khác nhau cũng bắt đầu lên đường từ tháng 1 tỏa đi nhiều tỉnh, thành. Mỗi chuyến đi dài cả chục ngày, thậm chí cả tháng. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng, chia sẻ: “Trước khi vào mùa, trường phải tuyển chọn cán bộ tuyển sinh, tập huấn kỹ càng về quy chế thi và xét tuyển, công tác hướng nghiệp, tư vấn… Tổng cộng có 70 lượt thầy cô tham gia đi tư vấn”.
Các trường ĐH như: Lạc Hồng, Văn Lang, Văn Hiến, CĐ Kinh tế kỹ thuật miền Nam… cũng rong ruổi thực hiện các “tour” tư vấn.
Hiệu trưởng cũng… tư vấn
Không chỉ trường ngoài công lập có chiến lược đầu tư bài bản cho công tác tuyển sinh, các trường công lập giờ đây cũng phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Nếu 10 năm trước, các trường ĐH công lập chỉ ngồi một chỗ đợi thí sinh đến dự thi vào trường thì nay phải chủ động tìm đến với thí sinh bằng nhiều cách.
Trong năm 2016, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã tìm đến hơn 50 trường THPT để làm công tác tư vấn tuyển sinh. 5 năm trước, đây chỉ là công việc của cán bộ tư vấn phòng ban chuyên môn thì nay đích thân các thành viên trong ban giám hiệu đều trực tiếp làm công tác này. Phó hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho biết có những năm đích thân ông phải dành trọn 2 tháng trời đi đến nhiều trường THPT của hơn 30 tỉnh thành khắp cả nước.
Số lượng trường THPT mà Trường ĐH Tài chính – Marketing đến tư vấn lên tới 200 trường mỗi năm. Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp của trường này, chia sẻ tư vấn tuyển sinh giờ đây là nhiệm vụ chung của cả trường. Mỗi năm số người đi tư vấn tại các địa phương lên tới 200 (gồm cả sinh viên, cán bộ giảng viên). “Tuyển sinh được xem là một nhiệm vụ không thể từ chối của cán bộ giảng viên trong trường. Nguyên nhân rất đơn giản, giờ đây tuyển sinh là vấn đề sống còn của mỗi trường”, thạc sĩ Châu chia sẻ.
Trước đây, lãnh đạo Trường ĐH Cần Thơ chỉ tham gia một số chương trình lớn về tư vấn mùa thi do các báo, đài tổ chức thì từ năm 2015 đến nay, cán bộ ở các phòng chức năng cũng được cử đi về các địa phương tư vấn. Trường cũng in tài liệu chuyển đến từng trường THPT khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Kinh phí đầu tư vào công tác tuyển sinh ở một số trường hằng năm lên đến vài tỉ đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết trước đây việc tư vấn là do chuyên viên các phòng ban thực hiện nhưng nay có sự tham gia của cấp hiệu trưởng, hiệu phó các trường. “Ở thời điểm này, các trường đều ý thức được rằng hình ảnh hiệu trưởng, hiệu phó tham gia buổi tư vấn một mặt thể hiện sự trân trọng trước học sinh, ở góc độ khác chính là sự cạnh tranh để tạo thêm niềm tin với học trò”.
Sinh viên trở thành “đại sứ”
Hạn chế nhất của các trường công lập trong “cuộc đua” này là kinh phí. Toàn ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ có khoảng 170 triệu đồng dành cho tuyển sinh, do vậy các trường phải tự tìm thêm tài trợ để đi tư vấn tuyển sinh. Chỉ riêng hệ thống trường chuyên và năng khiếu, năm nay ĐH này đến tư vấn trực tiếp trên 10 trường THPT chuyên từ Huế trở vào. Mỗi trường cũng có kế hoạch tư vấn riêng để thu hút thí sinh vào trường mình. Ngay thời điểm thí sinh chuẩn bị kết thúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi, Trường ĐH Kinh tế – Luật vẫn phối hợp với Sở GD-ĐT Đắk Lắk và Đắk Nông để tư vấn.
Hình thức mà các trường ĐH công lập thường thực hiện là tận dụng đội ngũ sinh viên, cựu sinh viên tư vấn. ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay đẩy mạnh hình thức này, sử dụng đội ngũ sinh viên về quê ăn tết và nghỉ hè đến các trường THPT đã học để giới thiệu về trường ĐH. Các sinh viên sẽ được hỗ trợ kinh phí đi lại và được chấm điểm rèn luyện cho hoạt động cộng đồng này.
Chi “hoa hồng” trên số học sinh trúng tuyển

Bên cạnh sự sáng tạo và năng động, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường cũng có nhiều mặt trái. Có trường muốn được tư vấn đã đặt vấn đề tài chính với các trường phổ thông nên tạo ra những cạnh tranh. Có những trường ĐH còn chấp nhận chi trả “hoa hồng” cho trường phổ thông tính trên số lượng học sinh trúng tuyển vào trường. “Mức hoa hồng trên đầu học sinh trúng tuyển có thể dao động từ 500.000 – 1 triệu đồng. Thậm chí, nếu đạt số lượng học sinh trúng tuyển nhất định, hiệu trưởng trường phổ thông đó còn được mời tham gia tour du lịch nước ngoài”, lãnh đạo một trường ĐH cho biết.

 

Hà Ánh – Mỹ Quyên