23/01/2025

Chuyện của Hờ Nga…

Buổi học chiều nay thật đặc biệt, thầy tổng phụ trách Đội Trần Đức Hưng đến từng lớp học, xin thầy cô bộ môn 10 phút, rưng rưng kể về hoàn cảnh ngặt nghèo của em Hờ Nga .

 

Chuyện của Hờ Nga…

 

Buổi học chiều nay thật đặc biệt, thầy tổng phụ trách Đội Trần Đức Hưng đến từng lớp học, xin thầy cô bộ môn 10 phút, rưng rưng kể về hoàn cảnh ngặt nghèo của em Hờ Nga .

 

 

 

 

Chuyện của Hờ Nga...
Hờ Nga (phải) và em Hờ Mí sống trong chòi trên rẫy – Ảnh: Bích Nhàn
Nhìn cảnh sống bệ rạc của gia đình em, xót lòng, tôi hỏi nếu cho hai em một điều ước, hai em sẽ ước gì? Cả hai em đều dõng dạc nói: “Đi học thôi cô, không ước gì!”

Thầy kêu gọi tinh thần “lá lành đùm lá rách” với hi vọng có thể giúp đỡ phần nào gia đình em, giúp em qua cơn nguy kịch.

Hờ Nga là học sinh lớp 7A Trường THCS và THPT Võ Văn Kiệt (Sông Hinh, Phú Yên). Nhà em ở thôn Suối Biểu – thôn nhỏ, phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống.

Nhà có bốn chị em, Hờ Nga là chị cả. Bốn chị em cùng ba mẹ sống trong ngôi nhà ọp ẹp, xiêu vẹo: “Nó vẹo từ ba năm trước, sợ sập đè nên cả nhà em đâu có dám ở nữa!”. “Vậy hiện giờ cả nhà em ở đâu?” – trả lời câu hỏi của tôi, em đưa tay chỉ lên núi: “Cả nhà vô cái chòi trong rẫy ở!”.

Phía trước gian nhà sắp sập là con suối nhỏ và con đường lên núi, tôi quyết định gửi xe, xắn quần cùng Hờ Nga lên rẫy, phải lội sình tới nửa ống chân, đi như thế khoảng 3km mới tới nơi. Tôi không tin vào mắt mình, không tin đây là nơi có sáu con người đang sinh sống.

Đó là một căn lều che nắng chứ không thể che gió che mưa. Bốn phía trống trơn. Nồi niêu, chén bát bỏ ngổn ngang trên miếng gỗ cũ. Một chiếc giường là mấy miếng ván mỏng ghép lại với chiếc mền mỏng tang là chỗ ngủ cho năm mẹ con. Chỉ vào miếng gỗ riêng bên cạnh, Hờ Nga nói đây là chỗ ngủ của cha. Gió chiều lạnh buốt, nhìn cảnh sống cơ cực của cô học trò nhỏ, thiệt ứa nước mắt…

Vừa lúc đó, tôi thấy một phụ nữ trẻ tuổi gầy gò, bụng to sắp sinh đang khệ nệ kéo buồng chuối nhỏ vô lều. Biết chị là mẹ Hờ Nga, tôi hỏi thật về tình hình của gia đình thì chị thút thít: “Bà ngoại đi bán vé số ở Phan Thiết, xin người ta được chiếc xe đạp cũ cho đi học. Giờ chiếc xe hư, đi sửa cũng không được. Nó phải theo xe bạn đi học, có khi theo được có hôm không. Còn quần áo thì mấy chị em chỉ mặc đồ cũ của bà con xung quanh cho. Xưa giờ toàn mang dép lê to đùng đi học, hôm nào lễ lạt quan trọng thì chị em nó mượn giày mà mang”.

Tôi hỏi thăm về sinh hoạt ở nhà của Hờ Nga, chị Lành nói: “Ba nó đi núi suốt, tui thì sắp sinh nên việc nhà hầu như chỉ nó làm. Chăm chỉ học lắm, trên lều có cây đèn pin, chiều ăn cơm xong thì hai chị em đội đèn pin lên rồi học bài.

Để có ánh sáng học, mỗi ngày hai chị em đều cầm đèn pin xuống nhà người dân sạc ké. Thấy hai đứa chăm nên người xung quanh họ thương, nhưng ai cũng khổ hết thế là có gì họ cho nấy”. (Em gái Hờ Nga là Hờ Mí đang học lớp 5B Trường tiểu học Sơn Giang).

Đang nói bỗng chị dừng lại, lấy tay quệt nước mắt rồi nói tiếp: “Mấy rày nó bảo sẽ nghỉ học để quần áo cho con Hờ Mí mặc. Hai chị em có hai bộ đồng phục cũ người ta cho, thay nhau mặc đi học. Tui năn nỉ nó đi học, tui dốt không biết chữ nên giờ hận lắm, chỉ muốn con biết chữ chứ đừng như mình… Vì mẹ không cho nghỉ học nên Hờ Nga phải thay phiên, đi học một ngày, còn một ngày lên rẫy…”.

Tôi đem sự việc trình bày với nhà trường, kêu gọi sự giúp đỡ của giáo viên, học sinh. Tuần rồi quyên góp được một thùng đồ cũ, tuần này nhận được lời hứa sẽ tặng em chiếc xe đạp… Nhưng hỡi ơi chiều nay lên trường, nghe tin em lại bỏ học đi làm, vô rẫy bị rắn độc cắn, vì để quá lâu mới đi viện được nên tình trạng của em bây giờ nguy kịch tới mức chỉ cần rút ống oxy là…

Thương em làm sao.

Chiều 27-4, khi bài viết về Hờ Nga lên trang, chúng tôi đã liên lạc với cô giáo Bích Nhàn để tìm hiểu thêm về bệnh tình của Hờ Nga, thì nghe cô thảng thốt qua điện thoại: “Hờ Nga đã ra đi, hiện đã đưa về nhà để lo hậu sự. Thầy chủ nhiệm của em và các bạn học cùng lớp đang đến nhà em. Thầy chủ nhiệm em kể lúc đưa vào viện em đã chết lâm sàng, nhưng vì thương con mình quá nên cha em không nỡ đưa em về…”.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN (Trường THCS & THPT Võ Văn Kiệt, Sông Hinh, Phú Yên)