Trung Quốc chia rẽ ASEAN
Đó là phát biểu của cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong về việc Trung Quốc tuyên bố đạt được đồng thuận với Lào, Campuchia và Brunei về vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc chia rẽ ASEAN
Đó là phát biểu của cựu Tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong về việc Trung Quốc tuyên bố đạt được đồng thuận với Lào, Campuchia và Brunei về vấn đề Biển Đông.
Ông Ong, hiện là đại sứ lưu động của Singapore – quốc gia đang giữ vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, thẳng thừng chỉ trích Bắc Kinh tại một hội thảo về Cộng đồng ASEAN ở thủ đô Jakarta của Indonesia.
“Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo rằng 2 quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông là Lào và Campuchia đã quyết định không làm cái này cái kia, theo tôi, là can thiệp vào nội bộ ASEAN”, báo The Straits Times ngày 26.4 trích lời ông nói.
Vị đại sứ này bày tỏ nghi ngờ: “Chúng ta đến nay vẫn không biết bối cảnh mà Ngoại trưởng Trung Quốc nói về vấn đề này”, đồng thời nhắc lại rằng hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc là dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông được ký năm 2002 và động thái mới nhất của Bắc Kinh là “diễn biến chẳng tốt đẹp gì”.
Không chỉ ông Ong, nhiều nhà ngoại giao khác cũng “nặng lời” (từ của The Straits Times) với “sự đồng thuận” mà Trung Quốc đưa ra. Cố vấn chính trị của Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nói: “Đó có thể được hiểu là một cách chia rẽ ASEAN và có lẽ được cố tình đưa ra trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế”, ý chỉ việc dự kiến trong tháng tới sẽ có phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore nói thêm rằng mọi nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chia rẽ ASEAN là “thiển cận”, bởi “một ASEAN chia rẽ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc”.
Trong khi đó, phát biểu tại Đối thoại Singapore – Nhật Bản ở Tokyo vào sáng 26.4, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nói: “Những diễn biến gần đây ở Biển Đông lại tiếp tục gây quan ngại và có lúc trở thành căng thẳng”. Ông kêu gọi: “Nhật Bản, cũng như các quốc gia có chung lợi ích cần hợp tác với ASEAN để duy trì hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời bảo vệ yêu cầu thượng tôn luật pháp trong khu vực và trật tự quốc tế”.
Về phần Singapore, Ngoại trưởng Balakrishnan khẳng định với vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc trong 3 năm, nước này “sẽ cố gắng thúc đẩy đi đến Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông một cách nhanh nhất”. Đại sứ Ong Keng Yong cũng cam kết Singapore “sẽ nỗ lực cao nhất để duy trì lập trường của ASEAN”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)