23/01/2025

30 tháng, 12 công văn siết hoàn thuế

Theo thống kê chưa đầy đủ, cứ khoảng 2 tháng rưỡi, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế lại ra một văn bản nhằm siết lại các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

 

30 tháng, 12 công văn siết hoàn thuế

 

 

Theo thống kê chưa đầy đủ, cứ khoảng 2 tháng rưỡi, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế lại ra một văn bản nhằm siết lại các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). 

 

 

 

 

 

30 tháng, 12 công văn siết hoàn thuế
Hầu hết các doanh nghiệp đều muốn thủ tục hoàn thuế được ổn định, ít thay đổi. Trong ảnh: doanh nghiệp và người dân làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP – Ảnh: Quang Định

Tính chung 30 tháng gần đây đã có 12 văn bản siết lại các điều kiện về hoàn thuế giá trị gia tăng được ban hành.

Theo quy định tại điều 60 Luật quản lý thuế, chỉ một số ít trường hợp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau như: doanh nghiệp (DN) đề nghị hoàn thuế lần đầu hoặc hoàn thuế trong thời hạn hai năm kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi gian lận thuế, hàng hóa dịch vụ không thanh toán qua ngân hàng.

Những trường hợp còn lại là DN không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế, hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng, DN vừa chia tách, hợp nhất, sáp nhập…

Thế nhưng hơn hai năm qua, việc hoàn thuế liên tục bị siết bởi các công văn. Đáng chú ý công văn 10492 ban hành ngày 30-7-2015 của Bộ Tài chính đưa ra rất nhiều trường hợp thuộc diện “rủi ro cao”, buộc cơ quan thuế địa phương phải kiểm tra 100% trước khi hoàn thuế.

Siết hoàn thuế bằng công văn

Bà Vũ Thị Hoài Sơn, giám đốc Công ty Tân Nhất Hương, cho biết DN hoạt động hơn 15 năm, sử dụng đến hàng chục ngàn tờ hóa đơn, chưa bao giờ bị phát hiện gian lận. Thế nhưng vào năm 2015, DN bất ngờ bị đưa vào diện kiểm trước, hoàn thuế sau với lý do DN thuộc diện… không ưu tiên do có hoạt động thương mại.

“Thử hỏi không có DN thương mại làm sao hàng hoá xuất khẩu được? Trong khi đó cơ quan thuế chỉ ưu tiên DN sản xuất” – bà Sơn bức xúc.

Theo bà Sơn, trước đây khi việc hoàn thuế áp dụng đúng theo luật, chỉ 15 ngày sau khi hoàn tất hồ sơ là tiền đã về tài khoản của DN. Thế nhưng với quy định mới, DN phải giải trình, bổ sung giấy tờ 2-3 lần, rồi hồ sơ bị xét duyệt qua nhiều tầng nấc, hết Cục Thuế TP rồi ra Tổng cục Thuế khiến tiền thuế bị ngâm 3-5 tháng. Chưa kể, có lúc DN có quyết định hoàn nhưng chờ mòn mỏi chưa có tiền do hết quỹ hoàn thuế.

“Mong ước lớn nhất của DN chúng tôi là chuyện hoàn thuế trở lại như xưa, tức DN được hoàn trước kiểm tra sau. Chúng tôi cũng mong việc hoàn thuế cứ căn cứ theo luật mà thực hiện, đừng có chuyện Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính vài bữa lại ra văn bản đặt ra hết điều kiện này đến điều kiện khác” – bà Sơn kiến nghị.

Kế toán trưởng một DN cũng cho rằng điều DN bức xúc nhất là các điều kiện mà cơ quan thuế đặt ra trong các công văn hướng dẫn không những đứng trên nghị định, thông tư mà còn hết sức vô lý. Có thể dẫn chứng ngay tại công văn 10492 của Bộ Tài chính. Theo đó, một trong những trường hợp mà Bộ Tài chính cho rằng có rủi ro là “lập DN ở địa phương này nhưng kinh doanh mua, bán sản phẩm, hàng hóa sản xuất ở địa phương khác có dấu hiệu bất thường”.

Nhiều DN bức xúc cho rằng mình ở đâu thì lập DN ở đó, còn chuyện tìm thị trường là chuyện khác, có những sản phẩm ở TP ít dùng, DN mang hàng về nông thôn bán thì sao gọi là rủi ro, phải kiểm tra trước hoàn. Chưa hết, DN kinh doanh thương mại xuất khẩu có doanh thu lớn hơn nhiều lần so với số vốn điều lệ cũng bị quy về rủi ro.

Giám đốc một DN cho biết đây là điều rất vô lý vì DN thương mại chỉ mua đi bán lại, không cần đầu tư nhà xưởng máy móc, thậm chí có thể “gối đầu” tiền hàng, chuyện có doanh thu lớn hơn vốn điều lệ đâu có gì là khó hiểu.

Rồi quy định DN bên mua và bên bán có quan hệ nhân thân như bố, mẹ, vợ chồng, anh em, có cùng chủ sở hữu… cũng bị đưa vào diện rủi ro. “Như vậy là cơ quan thuế vơ đũa cả nắm” – vị giám đốc này nói.

Vật vã giải trình

Nhưng điều khiến DN khổ sở nhất là cơ quan thuế địa phương không chỉ làm đúng như các quy định trong các văn bản của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế mà còn làm… hơn thế nữa. Chính điều này khiến các DN “lên bờ xuống ruộng”.

Một DN kinh doanh trong ngành cao su tại TP.HCM cho biết DN mua hàng dự trữ nhằm tránh biến động giá. Hàng gửi ở nhà máy, khi có khách mua DN mới lấy hàng. Thế nhưng cơ quan thuế bắt DN giải trình vì sao mua hàng trước lâu thế?! Trong khi với DN kinh doanh, chuyện phải dự trữ nguồn hàng đâu có gì là bất thường.

Mới nhất là công văn 792 quy định trường hợp hóa đơn vận chuyển hàng hoá đến cửa khẩu để xuất khẩu được lập và ký sau ngày hàng hoá có xác nhận thực xuất của cơ quan hải quan thì bị dừng khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào tương ứng đối với toàn bộ lô hàng xuất khẩu.

Theo DN này, lẽ ra quy định này chỉ áp dụng với các hoá đơn vận chuyển từ nhà máy ra cảng nhưng cơ quan thuế địa phương yêu cầu DN giải trình luôn với cả các hoá đơn vận chuyển tàu biển.

“Trong bảng kê hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hoá dịch vụ, cơ quan thuế đánh dấu và ghi thẳng yêu cầu đối với ngày vận chuyển sau ngày thực xuất phải có hợp đồng vận chuyển, trong đó nêu rõ cách thức xuất hóa đơn vì sao không kịp thời.

Ngoài ra, DN còn phải có bảng kê khối lượng vận chuyển. Rồi khi xuất hoá đơn phải ghi nhận đã vận chuyển container xuất hàng ngày nào, số container. Ngược lại, đối với ngày vận chuyển trước ngày làm hợp đồng DN cũng phải giải trình lý do và các tài liệu chứng minh đính kèm…” – giám đốc một DN bức xúc.

Kiến nghị với Thủ tướng, DN này mong muốn ngành thuế nên rõ ràng, minh bạch. DN không vi phạm pháp luật sao cứ phải kiểm trước hoàn sau, rồi đặt ra những quy định vô lý.

Chưa kể công văn 3357 được ban hành mới đây lại quy định thời gian giám sát, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của Tổng cục Thuế không tính trong thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của Cục Thuế. Như vậy DN biết chờ đến khi nào?

“Cơ quan thuế nói cải cách hành chính nhưng hành là chính. Hải quan thông quan điện tử nhưng vì lý do gì mà Tổng cục Thuế không hoàn thuế cho DN, lại còn bảo giữ lại chờ có thông tư mới về hoàn thuế. Chuyện này quá bất hợp lý bởi cùng trường hợp này nhưng trước đó hoàn được bây giờ lại chặn lại” – một DN xuất khẩu nói.

Nhiều DN cho biết “rất chia sẻ” chuyện cục thuế địa phương cũng bị áp lực với cấp cao hơn, cũng không được nói với DN là quỹ hoàn thuế khó khăn nhưng chính cách làm vừa qua của cơ quan thuế khiến DN nghĩ không có tiền nên tìm cách làm khó DN nhằm “câu giờ”.

“DN nhập khẩu muốn thông quan phải đóng thuế ngay. Ngược lại, sau khi DN xuất khẩu đi cũng phải trả thuế lại kịp thời chứ tại sao lại vin hết cớ này đến cớ khác để ách tiền hoàn thuế?” – một DN đặt vấn đề.

Ai tuýt còi công văn trái luật?

Ông Nguyễn Thái Sơn, giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, cho rằng một điều bất thường là luật và thông tư quy định về hoàn thuế GTGT không thay đổi nhưng thời gian qua Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế liên tục ban hành các công văn đặt ra các điều kiện để siết chuyện hoàn thuế.

Chưa kể công văn được ban hành không những có hiệu lực ngay mà cơ quan thuế còn truy lại, áp dụng ngược cho cả thời gian trước khiến việc hoàn thuế đã rối càng thêm rối.

“Hoàn thuế GTGT là việc rất hệ trọng với DN nhưng cứ mạnh ai nấy ra quy định, đặc biệt trong việc phân loại hoàn thuế. Chỉ cần một công văn đã chuyển hàng loạt DN từ hoàn trước sang kiểm tra trước. DN có thắc mắc, cơ quan thuế giải thích làm theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính. Như vậy sao DN cãi được” – ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, DN muốn biết làm sao cơ quan thuế có quyền ra các văn bản quy định các điều kiện không có trong luật như vậy mà không cơ quan nào tuýt còi. Chưa kể văn bản ban hành không được công bố công khai, cơ quan thuế cứ căn cứ văn bản chỉ đạo nội bộ mà áp dụng trong khi DN không hề biết có những văn bản này.

“Ngay như tôi chuyên theo dõi thuế cũng không biết có công văn 792 và 3357 đến khi đọc trên báo chí” – ông Sơn bức xúc.

Trong khi đó, luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cũng cho rằng thời gian qua ngành thuế lạm dụng công văn rất nhiều. Thậm chí nhiều công văn còn trái luật, đứng trên nghị định, thông tư. Đáng nói hơn, những công văn này lại có giá trị tuyệt đối với cơ quan thuế địa phương.

“Để tránh tình trạng như vừa qua, cần bớt đi các công văn hướng dẫn. Muốn vậy luật cần rõ ràng cụ thể hơn, đặc biệt cần tuân thủ triệt để việc nghị định, thông tư chỉ hướng dẫn, không được đặt thêm điều kiện ngặt nghèo gây khó khăn cho DN.

Trong trường hợp cần có văn bản hướng dẫn thì phải minh bạch, tức là cần công bố rộng rãi cho DN được biết và cần có thời gian áp dụng chứ không thể có hiệu lực tức thì như vừa qua” – ông Xoa nói.

Ngoài ra, theo ông Xoa, cũng cần có cơ quan giám sát tuýt còi các thông tư, văn bản trái luật. Phải quy định rõ việc kiểm soát các văn bản của ngành thuế ban hành trái quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trách nhiệm thuộc về cơ quan nào trong hệ thống pháp luật VN.

Bãi bỏ các hướng dẫn trái luật

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một DN cho biết vừa được cơ quan thuế gọi điện thoại thông báo về công văn 5492 phân loại kiểm tra hồ sơ hoàn thuế GTGT vừa được Bộ Tài chính ban hành, trong đó cho biết việc hoàn thuế sẽ thực hiện theo đúng luật, những hướng dẫn tại các công văn trước đó đều bị bãi bỏ.

“Cơ quan thuế nói việc hoàn thuế trở lại như xưa, DN từ chỗ bị kiểm tra trước sẽ được hoàn trước do không vi phạm quy định về thuế. Do vậy, chúng tôi xin rút hồ sơ để làm lại” – DN này nói.

ÁNH HỒNG ([email protected])