24/01/2025

Ông trùm chứng khoán bí ẩn của Trung Quốc

Tỉ phú trẻ Từ Tường từng là một nhân vật lẫy lừng của làng chứng khoán Trung Quốc cho đến khi bị bắt vào cuối năm 2015.

 

Ông trùm chứng khoán bí ẩn của Trung Quốc

Tỉ phú trẻ Từ Tường từng là một nhân vật lẫy lừng của làng chứng khoán Trung Quốc cho đến khi bị bắt vào cuối năm 2015.





Có rất ít người biết mặt của Từ cho đến khi ông ta bị bắt  /// SCMP

 

 

Có rất ít người biết mặt của Từ cho đến khi ông ta bị bắt SCMP

 

Vào ngày 1.11.2015, cảnh sát xa lộ thành phố công nghiệp Ninh Ba ở bờ đông Trung Quốc đưa một thông báo ngắn gọn: “Do cần kiểm soát giao thông bất thường, tất cả các lối ra vào đường cao tốc G15 tại cầu Vịnh Hàng Châu đều tạm đóng”. Lúc đó, ít người biết được mệnh lệnh khoá chốt giao thông quan trọng tại Ninh Ba chỉ nhằm truy bắt một người, đó là Từ Tường, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Trạch Hi, một huyền thoại bí ẩn của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Ông vua không ngai
Câu chuyện của nhà đầu tư 39 tuổi này bắt đầu cùng với thời kỳ sơ khai của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Lớn lên tại một góc phố lao động ở Ninh Ba, Từ Tường mới học lớp 9 khi Trung Quốc khánh thành sở giao dịch chứng khoán đầu tiên tại Thượng Hải vào năm 1990. Cơn sốt chứng khoán nhanh chóng quét đến Ninh Ba và Từ Tường bắt đầu chơi chứng khoán khi còn ngồi ghế nhà trường, theo tờ Tài Kinh. Sau khi tốt nghiệp trung học, Từ không thi đại học mà vay cha mẹ số tiền 30.000 nhân dân tệ (khoảng 5.000 USD) để đổ vào thị trường chứng khoán.
Những ngày đầu khởi nghiệp, Từ làm việc tại sàn giao dịch Galaxy Securities ở Ninh Ba. Những thay đổi xoành xoạch trong luật lệ chứng khoán thời kỳ đầu khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc lúc đó rất bất ổn. Vào năm 1992, chỉ số Thượng Hải tăng 167%, kế đến giảm 75% trong giai đoạn tháng 4.1993 đến tháng 7.1994. Sự hỗn loạn trong những ngày đầu đã giúp Từ hình thành phong cách riêng: mua chóng, bán mau và lúc nào cũng lời to.
Tiếng tăm của nhà đầu tư trẻ lan rộng đến nỗi vào năm 1995, khi mới 19 tuổi, Từ bị đồn là đối tượng tranh giành của hai băng xã hội đen Thượng Hải, do phe nào cũng muốn kéo Từ về làm quân sư. Theo tờ The New York Times dẫn lời một số nguồn thạo tin, vụ việc ầm ĩ đến mức sau cùng phải có một thủ lĩnh của Hội Tam Hoàng đứng ra giải quyết mới êm xuôi.
Cùng với tiếng tăm, vây cánh của Từ càng mở rộng. Đến cuối thập niên 1990, anh ta trở thành “Tổng đà chủ” không chính thức của một nhóm có biệt danh cực kêu: “Biệt đội tử thần Ninh Ba”. Cái tên này bắt nguồn từ chiêu trò thao túng những cổ phiếu vô danh, giá rẻ, vốn bị khống chế không được tăng hoặc giảm quá 10% trong một ngày giao dịch. Để trục lợi, nhóm của Từ tiến hành đặt lệnh mua với khối lượng khổng lồ một loại chứng khoán nào đó, kéo theo màn “a dua” của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Sau vài ngày đẩy giá đến ngưỡng giới hạn, nhóm của Từ bán tháo hết cổ phiếu đang nắm.
Khi “Biệt đội tử thần” trở nên khét tiếng, giới đầu tư bắt đầu lưu ý đến nhất cử nhất động từ Galaxy Securities, và bất kỳ chứng khoán nào mà họ chọn mua cũng đảm bảo thu hút sự chú ý, kéo theo lợi nhuận tất yếu. Đến năm 2005, Ninh Ba không còn đủ sức thu hút bộ óc đầy tham vọng như Từ Tường. Thế là Từ chuyển đến Thượng Hải, mang theo vài trăm triệu nhân dân tệ vào thời điểm lĩnh vực đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc bắt đầu cất cánh.
Vào năm 2015, danh sách người giàu Hurun ở Trung Quốc đã xếp Từ Tường ở vị trí 118 với giá trị tài sản 2,2 tỉ USD, nhưng nhiều người cho rằng đây không phải là tài sản trên thực tế của họ Từ.
Ông trùm chứng khoán bí ẩn của Trung Quốc - ảnh 1

Chứng khoán Trung Quốc chứng kiến những cuộc lao dốc khủng khiếp vào năm 2015 AFP

Thiên tài hay con rối ?
Thành công vang dội của Từ cũng gắn liền với nhiều đồn đại và suy đoán khác nhau. Chẳng hạn như có tin đồn cho rằng Từ có khả năng tiếp cận nhanh chóng với thông tin nội bộ và ra tay đúng thời điểm nhờ có các mối quan hệ trong chính quyền Bắc Kinh. Lời đồn dai dẳng nhất chính là Từ đại diện đầu tư cho giới “thái tử đảng” Thượng Hải.
“Thái tử đảng” vốn là tiếng lóng dùng để chỉ lớp con cháu của các thế hệ lãnh đạo hàng đầu ở Trung Quốc. Theo tin đồn, chính các “thái tử” mớm thông tin nội bộ và bảo vệ Từ trước các cuộc điều tra từ chính phủ. Đổi lại, Từ phải quản lý các quỹ cá nhân của họ và che giấu số tiền đầu tư lẫn danh tính từng người.
Theo tờ South China Morning Post, Từ dường như sở hữu một vận may không thể tin nổi và khả năng ra quyết định hết sức đúng thời điểm. Ít nhất 3 cổ phiếu thuộc quyền kiểm soát của Trạch Hi được mua lại hàng loạt khi chính phủ Trung Quốc bơm tiền để cứu thị trường chứng khoán sau đợt lao dốc vào tháng 6.2015.
Trong giai đoạn thị trường hồi phục chút ít trước khi lao dốc trở lại vào tháng 8.2015, bằng cách nào đó, toàn bộ các quỹ thuộc quyền kiểm soát của Từ đã rút ra khỏi thị trường. Trong vòng 2 tháng rưỡi, 5.000 tỉ USD đã “bốc hơi” khỏi thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi phần còn lại của thị trường rơi vào tình trạng sụp đổ, Từ tiếp tục ăn nên làm ra. Đến cuối hè 2015, lợi nhuận thường niên của các quỹ đầu tư thuộc quyền kiểm soát của ông vẫn tăng hơn 200%.
Thế nhưng, khi thị trường cạn kiệt, Từ trở thành mục tiêu tấn công. Vào tháng 9.2015, một bài viết trên mạng xã hội quy kết Trạch Hi dính líu đến tham nhũng và giao dịch nội gián, cũng như thông đồng với Công ty chứng khoán nhà nước Citic Securities lũng đoạn thị trường. Phía Trạch Hi bác bỏ chuyện Từ câu kết với Citic nhưng những vụ bắt giữ lãnh đạo của Citic sau đó càng củng cố thêm giả thuyết này.
Theo nguồn tin nặc danh, một “thái tử” ở Thượng Hải đã “than phiền” với Từ về chuyện giá cổ phiếu mà ông ta nắm giữ đang tụt dốc. Thế là Từ nhờ cậy Citic giúp đỡ, và chỉ trong vài tuần, quỹ đầu tư được nhà nước uỷ thác thu mua cổ phiếu này đã mua 15% số cổ phiếu nói trên, giúp giá tăng.
Sự việc này lập tức bị Uỷ ban Điều phối chứng khoán Trung Quốc lưu ý và tiến hành điều tra. Gần như cùng lúc, Từ Tường có tên trên danh sách cấm rời khỏi Trung Quốc. 9 ngày sau đó, huyền thoại chứng khoán một thời bị bắt trên cầu Vịnh Hàng Châu khi đang trên đường tẩu thoát đến Thượng Hải. Theo một nguồn tin của tờ The New York Times, Bắc Kinh muốn dùng trường hợp của Từ để chứng tỏ quyết tâm siết chặt quản lý thị trường chứng khoán nhằm tránh tái diễn thảm hoạ “mùa hè 2015”.
Vào ngày 7.12.2009, Từ chính thức khai trương Quỹ đầu tư Trạch Hi với số vốn ban đầu chỉ vỏn vẹn 30 triệu nhân dân tệ (dưới 4,5 triệu USD). Cái tên nhằm tỏ lòng kính trọng hai nhân vật mà Từ sùng bái: “Trạch” lấy từ tên của lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông, và “Hi” bắt nguồn từ hoàng đế Khang Hi, vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử nước này. Đến tháng 3.2010, Từ thành lập quỹ đầu tư đầu tiên của Trạch Hi với số vốn 1 tỉ nhân dân tệ. Thành tựu mà Từ đạt được thực sự không tưởng. Từ tháng 3.2012 đến tháng 10.2015, quỹ này sản sinh khoản lợi nhuận hơn 3.270%, ngay cả khi chỉ số Thượng Hải chỉ tăng được 11,6%. Những quỹ khác do Từ điều hành cũng đạt được con số tăng trưởng đáng kinh ngạc.

 

Thuỵ Miên