24/12/2024

Dẹp “quyền anh, quyền tôi” để phục vụ dân

Phải ủng hộ và bảo vệ kinh doanh: Dẹp “quyền anh, quyền tôi” để phục vụ dân, xử lý nghiêm công chức gây phiền hà 
cho doanh nghiệp… là những nội dung mới tại cuộc họp chính

 

Dẹp “quyền anh, quyền tôi” để phục vụ dân

 

Phải ủng hộ và bảo vệ kinh doanh: Dẹp “quyền anh, quyền tôi” để phục vụ dân, xử lý nghiêm công chức gây phiền hà 
cho doanh nghiệp… là những nội dung mới tại cuộc họp chính phủ.

 

 

 

 

Dẹp “quyền anh, quyền tôi” để phục vụ dân

TP.HCM tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

 

 

Phải tập trung xử lý những bất cập liên quan đến việc triển khai Luật doanh nghiệp (DN) và Luật đầu tư (ĐT) với tinh thần ủng hộ, bảo vệ sản xuất, kinh doanh, bảo vệ tài sản hợp pháp của người dân, giảm bớt thủ tục hành chính, 
cải thiện môi trường 
kinh doanh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thi hành Luật DN và Luật ĐT mới vào ngày 25-4.

Không vì quyền lợi 
mà làm trái luật

“Sáng nay các tờ báo lớn cũng nêu tinh thần này. Chúng ta một mặt phải giữ kỷ cương phép nước, nhưng mặt khác cần xoá bỏ những rào cản đối với sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Các bộ ngành không thể vì quyền hạn của bộ mình mà làm trái, làm mất hiệu lực của hai đạo luật Quốc hội đã ban hành” – Thủ tướng nói, với trên tay là tờ Tuổi Trẻ số ra ngày 25-4 có bài “Phải ủng hộ và bảo vệ kinh doanh”.

Thủ tướng yêu cầu sử dụng quy trình rút gọn, dùng một nghị định sửa nhiều nghị định (một nghị định “nâng cấp” nhiều thông tư) để xử lý những vướng mắc liên quan đến thi hành Luật DN và Luật ĐT, kiên quyết xong trước 1-7-2016. Theo đó, chậm nhất là ngày 30-5, các bộ ngành phải làm xong phần việc thuộc trách nhiệm của mình, sớm trình văn bản, sau đó cấp có thẩm quyền xử lý theo quy trình rút gọn nêu trên.

Bộ Công an phải “chấn chỉnh anh em ở dưới”

Cũng tại cuộc họp, thượng tướng Nguyễn Văn Thành – thứ trưởng Bộ Công an – cho biết Bộ Công an quán triệt tinh thần lấy DN là đối tượng phục vụ. Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu tướng Thành lưu ý “chấn chỉnh anh em ở dưới”, vì vừa qua dư luận phản ảnh nhiều chuyện liên quan đến quyền kinh doanh, quyền tài sản công dân.

Thủ tướng cũng cho biết rất buồn với những thông tin về “phần trăm lót tay” trong lĩnh vực đất đai, nhất là những tiêu cực khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời chỉ đạo Bộ Tài nguyên và môi trường có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.

Theo Thủ tướng, dù có rất nhiều thủ tục về quản lý môi trường nhưng tình hình ngày càng nghiêm trọng cho thấy các thủ tục đó không đi vào thực tiễn, có sự lỏng lẻo, rất vất vả ở các địa phương với các nhà máy, xí nghiệp. “Có phải nhiều thủ tục mà không ai chịu trách nhiệm? Thủ tục rườm rà kìm hãm đất nước, chúng ta tháo gỡ thủ tục nhưng phải quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường” – Thủ tướng yêu cầu.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo “phải tiếp tục cải cách, đổi mới, không đẻ ra các giấy phép con quy định điều kiện kinh doanh phức tạp”.

Theo Thủ tướng, việc ban hành Luật DN và Luật ĐT là thành quả rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đây là cuộc đấu tranh giữa bao cấp và kinh tế thị trường định hướng XHCN. Quá trình thực hiện hai đạo luật này cần gắn với thực hiện nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

“Các bộ ngành không được tư duy quyền anh, quyền tôi, mà phải tiếp tục cải cách để tập trung phục vụ nhân dân. Bộ nào để người dân xếp hàng quá dài để làm thủ tục nghĩa là không đúng với tinh thần đó. Đồng thời với cải cách hành chính là nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.

Thực tiễn mấy ngày vừa qua cho thấy rất rõ phẩm chất cán bộ, năng lực cán bộ, nhận thức pháp luật và tư duy đổi mới là rất quan trọng trong quá trình thực thi pháp luật. Vì sao chúng ta chậm trễ? Thứ nhất là thể chế pháp luật. Thứ hai là thực thi công vụ” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Xử lý nghiêm công chức gây phiền hà 
cho doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch – đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao bộ này chủ trì tập hợp tất cả các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành trái thẩm quyền hoặc không phù hợp với Luật ĐT kể từ sau ngày 1-7-2015; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ trước ngày 30-9-2016.

Đồng thời, yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở kế hoạch – đầu tư, các ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát tình hình thực hiện Luật DN và Luật ĐT; tập hợp phản ảnh của DN và tổ chức, cá nhân tư vấn độc lập; chỉ đạo xử lý các vướng mắc phát sinh; xử lý nghiêm các công chức, viên chức gây phiền hà khó khăn cho DN.

(Nguồn: Báo cáo của 
Bộ Kế hoạch – đầu tư)

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình:

Làm đồng loạt mới kịp tiến độ

Chúng ta cần “nắm” thật chắc các thông tư (có quy định điều kiện kinh doanh). Cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp, cái nào cần nâng lên nghị định, cái nào cần tích hợp, cái nào cần sửa đổi.

Cơ quan nào ban hành thông tư thì cơ quan đó chủ trì xem xét, và phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch – đầu tư để tập hợp lại, rà soát ngay. Nếu để mỗi cơ quan tự làm sẽ không có phối hợp. Chúng ta phải vừa rà soát, vừa phối hợp, vừa soạn thảo để trình, làm đồng loạt mới kịp tiến độ 1-7.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh:

Luật phải phù hợp cam kết hội nhập

Ở đây có vấn đề là một số luật ra sau Luật DN và Luật ĐT có chứa những điều khoản khác hai đạo luật này. Trong khi đó các luật này đều có hiệu lực từ 1-7-2016. Đây cũng là vấn đề chúng ta phải xem xét giải quyết.

Trong quá trình xem xét, cần rà soát các điều ước quốc tế, sao cho quy định của luật phải phù hợp với cam kết hội nhập, nếu không sau khi chúng ta phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do thì lại phải sửa luật rất phức tạp.

* Phó thủ tướng Vương Đình Huệ:

Không để có “khoảng trống pháp lý”

Luật DN và Luật ĐT mới tiếp cận theo cách rất hiện đại, hi vọng sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới cùng với các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta tham gia. Đáng tiếc là cho đến hiện nay vẫn còn những vướng mắc. Các vướng mắc bao gồm có sự chưa tương thích giữa hai luật này với các luật khác.

Có ý kiến nói một số quy định của hai luật này chưa hợp lý. Tiến độ rà soát, sửa đổi chậm, kể cả sửa các thông tư (có quy định về điều kiện kinh doanh sẽ hết hiệu lực từ 1-7-2016) cũng như ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 15/16 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Rủi ro là sẽ tạo ra khoảng trống pháp lý nếu làm không kịp vào 1-7 tới. Đây là vấn đề hết sức quan trọng.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam:

Công khai điều kiện kinh doanh 
ngay trong tháng 4

Tại sao chỉ có việc tập hợp các điều kiện kinh doanh mà các bộ không làm? Việc này chỉ là xem lại các văn bản của mình đã ban hành trước đây, tập hợp lại để gửi lên, từ đó doanh nghiệp và nhân dân mới có thể nhìn vào các điều kiện đó để góp ý là cái này cần, cái kia không cần.

Tôi đề nghị ngay trong tháng 4 này tất cả các bộ ngành phải làm. Làm được việc này sẽ tránh cộng đồng có suy diễn rằng các anh ấy không dám đưa lên vì nếu đưa lên sẽ thấy có những điều kiện rất vô lý. Khi làm xong việc này, chúng ta sẽ có thời gian lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp phản ảnh, từ đó nắm bắt được cái nào cần giữ, cái nào không.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng:

Phải tạo ra được bước tiến mới

Đây là hai đạo luật gốc trong việc kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta phải tạo ra được bước tiến mới. Nguồn lực ngân sách của ta rất hạn chế, ta phải huy động nguồn lực trong nước, nước ngoài. Chính vì vậy, không có lý do gì mà chúng ta lại cản trở, không làm quyết liệt vấn đề này.

VÕ VĂN THÀNH