24/01/2025

Đắk Nông: số lượng học sinh tăng đột biến

Năm 2005, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 5.000 học sinh thì nay tăng lên gấp ba với 15.000; còn huyện Tuy Đức năm 2007 có 6.000 học sinh thì nay cũng tăng lên gấp đôi với 12.000 học sinh.

 

Đắk Nông: số lượng học sinh tăng đột biến

 

 Năm 2005, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 5.000 học sinh thì nay tăng lên gấp ba với 15.000; còn huyện Tuy Đức năm 2007 có 6.000 học sinh thì nay cũng tăng lên gấp đôi với 12.000 học sinh.

 

 

 

 

Đắk Nông: số lượng học sinh tăng đột biến
Số lượng học sinh tăng nhanh, thiếu trường nên học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) phải học ké ở phân hiệu 2 của Trường tiểu học Quảng Sơn – Ảnh: Thái Thịnh

 

 

Trong khi đó, theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, tính đến hết học kỳ I năm học 2015-2016 toàn tỉnh có 156.165 học sinh (tăng khoảng 50.000 học sinh so với cùng kỳ 2004-2005 – PV).

Học sinh mầm non, 
tiểu học tăng nhanh

Cũng trong thời gian kể trên, số học sinh ở hai cấp mầm non và tiểu học tại Đắk Nông đã tăng thêm lần lượt là 4.412 và 2.361 học sinh. Theo đó, Đắk Glong và Tuy Đức là hai huyện có số học sinh, trường học và giáo viên tăng mạnh nhất.

Cô Trần Thị Sâm – hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sơn Ca ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong – cho biết số trẻ đang học tại trường đã tăng 80 em so với năm ngoái. Sĩ số lớp học trung bình 45 em/lớp, trong khi quy định tối đa 35 em/lớp.

“Chúng tôi rất khó xử khi phụ huynh đưa trẻ đến trường mà không thể tiếp nhận. Học sinh ngày càng tăng nhanh trong khi thiết kế của trường theo mô hình cũ, diện tích nhỏ. Vì vậy để đảm bảo chỗ học tập vui chơi cho các em, trường không thể tiếp nhận thêm nữa” – cô Sâm nói.

Trong khi đó, Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong) là trường có số học sinh đông nhất của huyện Đắk Glong với 1.200 học sinh, chia thành 38 lớp.

Thầy Vũ Tiến Tiếp – hiệu trưởng nhà trường – cho biết ở xã Đắk R’Măng có Trường tiểu học La Văn Cầu. Tuy nhiên do địa hình đi lại khó khăn, học sinh ở xã Đắk R’Măng phải đi vòng vượt qua quãng đường 70km mới tới được trường.

Do đó ngoài số học sinh trên địa bàn xã Đắk Som theo học, trường còn tiếp nhận thêm 300 học sinh/năm ở sáu cụm của xã Đắk R’Măng, điều đó dẫn đến việc vượt quá số lượng lớp so với quy định hiện nay.

Áp lực lớn 
về trường lớp

Ông Phan Minh Tuấn – phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong – cho biết năm học 2015-2016 toàn huyện đã tăng hơn 1.500 học sinh so với cùng kỳ năm học trước. Năm 2005 huyện được thành lập thì đến nay số học sinh đã tăng gấp ba lần, từ 5.000 em lên khoảng 15.000 em. Trong đó hai cấp mầm non và tiểu học gia tăng mạnh nhất.

“Huyện đã được tỉnh phê duyệt và cấp kinh phí xây từ 13 trường học năm 2005 đến 40 trường như hiện nay. Tuy nhiên trước thực trạng số học sinh tăng quá nhanh, cơ sở vật chất trên địa bàn vẫn chưa thể đáp ứng hết được” – ông Tuấn nói.

Trong khi đó ở huyện Tuy Đức, việc giải quyết phân bố số học sinh gia tăng hằng năm cùng các vấn đề phát sinh đang trở thành bài toán khó đặt ra cho lãnh đạo huyện. Ông Phạm Quốc Trọng – phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức – cho biết từ khi thành lập huyện tới nay, số lượng học sinh trên địa bàn huyện liên tục tăng 1.000 em/năm.

Theo đó, từ khoảng 6.000 học sinh năm 2007, đến nay đã tăng gấp đôi lên 12.000 học sinh. Số trường học cũng tăng mạnh từ 16 lên 31 trường.

Cũng theo ông Trọng, điều lo lắng nhất hiện nay là số lượng học sinh tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, tạo áp lực lớn về trường lớp. Thông tin từ UBND huyện Tuy Đức cho biết do thiếu giáo viên và ngân sách có hạn, nên từ năm học 2012 – 2013 đến nay huyện đang gánh số nợ hơn 5,3 tỉ đồng tiền dạy tăng tiết, thay tiết của giáo viên.

Giải bài toán 
di dân tự do

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ThS Nguyễn Văn Hoà – phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông – cho biết nguyên nhân chính dẫn đến việc số lượng học sinh tăng mạnh trong những năm qua do lượng dân di cư chủ yếu từ khu vực phía Bắc vào làm ăn sinh sống trên địa bàn tỉnh tăng mạnh.

Dân số trẻ di cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với việc sinh con thiếu kế hoạch dẫn đến việc số trẻ tới trường tăng mạnh. Ông Hoà nói điều này đang tạo ra áp lực lớn cho ngành GD-ĐT tỉnh Đắk Nông trong việc phát triển quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, số lượng giáo viên trong khi ngân sách của tỉnh có hạn, đáp ứng ở mức tối đa cũng chỉ đủ cho học sinh không phải học ca ba.

Cũng theo ông Hoà, việc hiện nay một số huyện còn nợ tiền dạy tăng tiết, thay tiết của giáo viên do không thể chủ động trước tình hình học sinh tăng mạnh theo từng năm.

“Tiền ngân sách, chỉ tiêu hợp đồng giáo viên được chuyển về cho các huyện từ đầu năm, tuy nhiên năm học mới bắt đầu từ tháng 9. Học sinh tăng bất ngờ, buộc các huyện phải giải quyết bằng cách hợp đồng thêm giáo viên. Trong khi kinh phí bổ sung trả tiền dạy cho những giáo viên này phải đợi thời gian phê duyệt của tỉnh ở năm tiếp theo, nên dẫn tới việc nợ tồn đọng” – ông Hòa nói.

Để đáp ứng được số lượng giáo viên giảng dạy, Sở GD-ĐT Đắk Nông đã làm đề xuất xin thêm 241 chỉ tiêu biên chế và đang chờ phê duyệt. Ứng phó với tình trạng học sinh tăng mạnh như hiện nay, ông Hoà cho rằng cần huy động dân góp thêm chi phí thành lập các trường tạm có thể bằng tranh, tre, nứa, miễn sao đảm bảo học sinh được tới trường.

Ngoài ra còn khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức mở các trường tư thục. Bên cạnh đó phải kiểm soát được số lượng dân di cư 
hằng năm.

Theo báo cáo kế hoạch phát triển của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, trước bài toán di dân tự do như hiện nay, hiện đã có nghị quyết quy định kế hoạch từ nay đến năm 2020 sẽ quy hoạch lại hệ thống trường lớp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Trong đó tập trung thực hành tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung vốn đầu tư cho việc củng cố, mở rộng mạng lưới trường học…

Tách trường để giảm áp lực

Lượng học sinh tại Đắk Nông tăng nhanh, dẫn đến trường học và lượng giáo viên ở tỉnh này cũng tăng mạnh. Đắk Nông hiện có 358 trường học, 8.836 giáo viên, tăng 34 trường học và 1.341 giáo viên so với năm 2010. Trong đó phần lớn ở hai cấp mầm non và tiểu học.

Theo ông Phan Minh Tuấn – phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Glong, năm học 2014-2015 huyện đã phải tách năm trường để thành lập trường mới, nhằm giảm căng thẳng về trường và sĩ số lớp học.

Số lượng học sinh tăng nhanh cũng dẫn đến việc thiếu giáo viên, trong khi không có chỉ tiêu biên chế. Năm 2005 toàn huyện có 256 giáo viên, nay đã tăng lên 849 giáo viên, hiện đang thiếu 23 giáo viên tiểu học và 69 giáo viên mầm non.

THÁI THỊNH