Các dàn phóng tên lửa hàng loạt (MLRS) phóng đạn tên lửa loại có đường kính 122 mm, có tầm phóng xa 40 km, có thể phóng tên lửa tới Nhà Xanh - dinh tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, và những khu vực xung quanh, theo Yonhap. Bình Nhưỡng đặt những bệ phóng này dọc biên giới phía bắc của khu phi quân sự là ranh giới phân cách 2 nước.
“Triều Tiên đã và đang triển khai hệ thống phóng tên lửa mới cùng với các đơn vị cấp trung đoàn dọc khu phi quân sự từ năm 2014”, một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho hay.
Quan chức này nói rằng Seoul cần hành động để đối phó với mối đe doạ này từ Bình Nhưỡng. Mỹ và Hàn Quốc đã có những đánh giá vế mối đe doạ từ hệ thống vũ khí mới của Triều Tiên.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên ngày 23.4 đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) ở biển Nhật Bản.
Hệ thống mới nhất có tầm bắn xa gấp đôi so với loại được Bình Nhưỡng sử dụng hồi năm 2010 lên đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.
“Triều Tiên sẽ tăng số lượng hệ thống phóng tên lửa, bao gồm cả tầm xa, lên 600 đơn vị dọc khu phi quân sự”, một nguồn tin khác cho hay. Nguồn tin này nói rằng nếu Triều Tiên sử dụng loại bệ phóng để bắn tên lửa có đường kính cỡ 300 mm với tầm bắn xa 200 km, tên lửa này có thể vươn tới Gyeyong, nơi đặt tổng hành dinh của quân đội Hàn Quốc và cả Pyeongtaek, nơi có căn cứ quân sự của Mỹ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đi thăm khu vực đặt các dàn tên lửa phóng hàng loạt MLRS Reuters
Các chuyên gia quân sự cho rằng hiện tại Hàn Quốc không có vũ khí nào để chặn tên lửa của Triều Tiên ngoài việc thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu, vốn có thể dẫn đến chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đó là điều Seoul không mong muốn.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận việc triển khai các dàn phóng tên lửa của Triều Tiên, chỉ nói rằng Seoul có biện pháp đối phó và được đề cập trong kế hoạch quốc phòng giai đoạn 2017-2021.