24/01/2025

Nhận biết doanh nghiệp đa cấp lừa đảo

Kinh doanh đa cấp là loại hình hợp pháp ở VN. Thế nhưng, thời gian gần đây dư luận bức xúc việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh kiểu đa cấp bất chính, lừa đảo. Nhận biết chân tướng các doanh nghiệp này sẽ giúp người muốn tham gia loại hình đa cấp không vướng tình cảnh ‘tiền mất tật mang’.

 

Nhận biết doanh nghiệp đa cấp lừa đảo

Kinh doanh đa cấp là loại hình hợp pháp ở VN. Thế nhưng, thời gian gần đây dư luận bức xúc việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh kiểu đa cấp bất chính, lừa đảo. Nhận biết chân tướng các doanh nghiệp này sẽ giúp người muốn tham gia loại hình đa cấp không vướng tình cảnh ‘tiền mất tật mang’.





Liên kết Việt đã lừa hơn 60.000 người với số tiền hơn 1.900 tỉ đồng - Ảnh: T.N

 

Liên kết Việt đã lừa hơn 60.000 người với số tiền hơn 1.900 tỉ đồng – Ảnh: T.N


Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), không ít doanh nghiệp (DN) lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp để biến tướng trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người tham gia, đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự. Điển hình là Công ty MB 24, Colony Invest, Tâm mặt trời, Công ty cổ phần Liên kết Việt… Chỉ riêng Liên kết Việt đã lừa hơn 60.000 người với số tiền hơn 1.900 tỉ đồng.
Một trong những dấu hiệu rõ nét để nhận biết DN đa cấp bất chính là DN chủ yếu tập trung tổ chức các buổi tuyển dụng mà không tổ chức đào tạo bán hàng cho nhà phân phối. Bởi với một DN đa cấp chân chính, việc tuyển dụng sẽ không mang lại lợi ích gì nếu những người được tuyển không bán hàng. Bên cạnh đó, nếu DN bằng nhiều cách khác nhau muốn người tham gia phải mua hàng hoá hoặc đặt cọc thì người được mời tham gia cần hết sức tỉnh táo. Vì nhiều DN đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng, không có lực lượng mới bổ sung DN sẽ chết.
Người có dự định tham gia bán hàng đa cấp cần tìm hiểu thông tin về DN được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh. Lưu ý là theo quy định, mức chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối tối đa chỉ 40% doanh thu. Vì thế, mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có cam kết chi trả lớn hơn 40%, lãi suất cao ngất hoặc kêu gọi đầu tư tài chính đều là dấu hiệu của hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng khẳng định, việc thu hồi giấy chứng nhận của các DN đa cấp không giải phóng các DN này khỏi các nghĩa vụ, trong đó bao gồm việc bảo đảm quyền lợi của các nhà phân phối. Vì vậy, nhà phân phối có quyền yêu cầu DN mua lại hàng hoá khi vẫn còn hạn sử dụng hoặc còn nguyên bao bì. Phía DN có nghĩa vụ hoàn trả không thấp hơn 90% khoản tiền mà nhà phân phối/người tham gia đã trả để nhận được hàng hoá đó (có thể khấu trừ tiền hoa hồng, tiền thưởng đã trả). Trường hợp DN không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng, nhà phân phối cần trình báo ngay nếu có lý do để cho rằng DN có dấu hiệu lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật hình sự. Nhà phân phối cũng có thể nộp đơn đến cơ quan tòa án để khởi kiện và yêu cầu bồi thường trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các bên.

Thảo Vy