23/01/2025

Hốt bạc nhờ bán hàng theo phim?

Cơn sốt từ một số phim truyền hình đã tạo điều kiện cho người kinh doanh tăng doanh thu, lợi nhuận bán hàng thông qua những đồ dùng xuất hiện trong phim. Nhưng, cũng không phải… dễ ăn

 

Hốt bạc nhờ bán hàng theo phim?

 

 

Cơn sốt từ một số phim truyền hình đã tạo điều kiện cho người kinh doanh tăng doanh thu, lợi nhuận bán hàng thông qua những đồ dùng xuất hiện trong phim. Nhưng, cũng không phải… dễ ăn!.

 

 

 

 

Hốt bạc nhờ bán hàng theo phim?
Bạn trẻ tìm mua cặp gấu bông trong một bộ phim Hàn Quốc, tại một cửa hàng trên đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: Quang Định

Ảnh hưởng của mạng xã hội lan tỏa nhanh chóng đã khiến các mặt hàng đi kèm trong phim ngay lập tức được nhiều người giới thiệu và rồi họ đua nhau mua hàng về bán.

Phim “hot”, 
hàng bán không kịp

“Ôi, chị đặt son hai màu giống trên phim cách đây cả mấy tháng rồi, son xịn chứ không phải loại linh tinh đâu, đang đợi mòn mỏi mà vẫn chưa thấy hàng về đây” – chị Hà Thu (toà nhà Flemington, Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM) cho biết khi đang “truy lùng” loại son hai màu được một nữ diễn viên sử dụng trong một bộ phim đang nóng gần đây.

Theo chị Thu, loại son hai màu ăn theo diễn viên này hiện đang rất “hot”, đặt chỗ quen trên mạng mua tận các cửa hàng ở nước ngoài đem về. “Chủ shop bảo ở nước ngoài cũng đang hot lắm nên số lượng hàng về rất thất thường. Khách phải xếp hàng theo danh sách, đến lượt mà còn hàng mới được mua đó” – chị Thu cho biết.

Có mặt tại cửa hàng D (đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận) thấy hầu hết các bộ váy, quần, giày, phụ kiện được các diễn viên sử dụng trong một phim đang gây “bão” trên mạng cũng đã xuất hiện tại đây. Với mức giá giới thiệu 275.000-450.000 đồng/bộ, nhân viên cửa hàng cho biết đa số là khách trẻ vào mua, lượng hàng bán ra đều đặn mỗi ngày hơn 10 đơn hàng bao gồm váy, đầm, quần và các loại phụ kiện khác…

Chủ cửa hàng cho biết các bộ phim thần tượng của Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… khi được chiếu tại VN đều dễ tạo nên làn sóng thời trang và được cửa hàng tuyển lại theo “gu” của người VN, giá cũng phải cạnh tranh.

Trên các mạng xã hội, cứ bộ phim nào đang “làm mưa làm gió”, ngay lập tức hàng loạt mặt hàng từ bộ phim này như quần áo, giày và mỹ phẩm đã được các shop bán hàng trên mạng kinh doanh ồ ạt, rất chạy hàng. Chẳng hạn trước đó, ăn theo độ nóng của một bộ phim dài tập của Ấn Độ, nhiều điểm kinh doanh nhanh chóng in hình ảnh dàn diễn viên lên quần áo, dép, túi xách trẻ em… rất hút khách.

Nhưng nhiều rủi ro

Ông Trần Đắc Khôi, giám đốc một xưởng chuyên may hàng gia công ở Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết doanh nghiệp các nước rất nhạy, khi một bộ phim “hot”, các nhà kinh doanh sẽ cho sản xuất ra mẫu mã giống hay tương tự các mặt hàng mà nhân vật trong phim sử dụng để chào bán trên các website, cửa hàng.

“Thỉnh thoảng tôi cũng được các mối đặt hàng theo mẫu thời trang trong phim nhưng tôi chỉ dám nhận những mẫu sử dụng nguyên liệu đơn giản vì mặt hàng ăn theo này “tuổi đời” rất ngắn, phim hết sốt thì hàng này cũng nguội theo” – ông Khôi nói.

Anh Nguyễn Minh Dương, chủ shop D&C (đường Ngô Quyền, Q.10), kể sau khi thấy các shop khác nhập rất nhiều giày theo kiểu dáng của một bộ phim đang được ưa thích về và bán rất được, anh cũng đặt các đầu mối nhập về các loại giày được làm nhái lại để bán.

“Đa số tôi nhập từ các đầu mối phân phối phía Bắc, hàng từ Trung Quốc chuyển về, giá sỉ đa số dưới 200.000 đồng/đôi nhưng bán khá chậm vì chất liệu da không tốt” – anh Dương kể. Theo tính toán của anh Dương, mỗi size phải nhập 3-4 đôi, còn màu sắc với loại hàng khác nhau nên anh Dương vẫn còn tồn khoảng 200 đôi giày mà chưa biết xoay xở thế nào.

“Mấy cái giày loại này thường qua mùa rất nhanh, không bán được là coi như ôm luôn chứ năm sau không có ai mua mẫu này nữa, khó bán lắm” – anh Dương nói. Các bộ phim, chương trình thực tế chỉ thúc đẩy doanh số tăng mạnh trên nền tảng các shop đã có lượng khách ổn định, chủ shop uy tín. Còn nếu shop mới, không có lượng khách cụ thể, không có chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp, ôm hàng ồ ạt về bán nhất thời sẽ gặp khó nếu ôm số lượng hàng lớn.

Khó “ăn theo” phim Việt

Theo Bloomberg, nhờ tác động của một số bộ phim mà doanh số bán mỹ phẩm ra nước ngoài của Hàn Quốc đã tăng 22% kể từ đầu năm tới nay, dù tổng xuất khẩu của nước này lại giảm 13%. Gần đây Chính phủ Thái Lan cũng bắt đầu hướng ra thị trường bên ngoài bằng con đường này, nhiều bộ phim Thái đang chiếu ở VN ngày càng phổ biến kéo theo cơ hội cho hàng Thái tìm chỗ đứng ở thị trường VN.

Trong khi đó, các doanh nghiệp VN đến nay vẫn chưa tận dụng được sức lan toả trên phim ảnh để quảng bá hàng hoá cho mình. Theo chuyên gia thương hiệu Võ Tuấn, ngoài việc thiếu những bộ phim hay, đủ sức gây hiệu ứng “bom tấn” thì sự nhạy cảm của người kinh doanh VN cũng chưa thật cao.

N.BÌNH – D.TUẤN