26/12/2024

Hãy bắt đầu bằng gạo an toàn

Khi“ma trận”thực phẩm bẩn, gạo giả, gạo kém chất lượng gây hoang mang cho người tiêu dùng thì vẫn có những mô hình sản xuất an toàn đang triển khai mở rộng.

 

Loại trừ lương thực, thực phẩm bẩn, thiếu an toàn: Hãy bắt đầu bằng gạo an toàn

 

Khi“ma trận”thực phẩm bẩn, gạo giả, gạo kém chất lượng gây hoang mang cho người tiêu dùng thì vẫn có những mô hình sản xuất an toàn đang triển khai mở rộng.

 

 

 

 

 

Ông Joel D.Janiya (đi đầu) và cán bộ kỹ thuật của Tập đoàn Lộc Trời đi thăm ruộng của ông Nhạt – Ảnh: Tú Uyên

 

Làm lúa theo chuẩn quốc tế

Hơn 30 năm thâm niên trồng lúa nhưng chưa vụ nào ông Nguyễn Văn Nhạt, ở xã Vĩnh Bình, H.Châu Thành (An Giang) thấy khâu sản xuất của mình “chuyên nghiệp” như vụ lúa hè thu này. Ông Nhạt có 5 ha lúa và được chọn là một trong 150 nông dân làm thí điểm chương trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) do Tổ chức SRP, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cùng Tập đoàn Lộc Trời lần đầu triển khai ở VN.
Ông Nhạt kể, đã phải thay đổi rất nhiều thói quen sản xuất, những việc quá đỗi bình thường như làm đất, sạ, bón phân, xịt thuốc… giờ đều phải làm theo quy củ, ghi nhật ký theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp. “Chẳng hạn như xịt thuốc, ngoài tuân thủ liều lượng, tôi sẽ phải mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, mắt kính, găng tay, ủng… Xong phải cắm bảng cảnh báo. Thuốc bảo vệ thực vật hồi đó cứ treo tòn teng trong nhà thì bây giờ phải cất vào tủ riêng khoá chặt”, ông Nhạt nói.


Loại trừ lương thực, thực phẩm bẩn, thiếu an toàn: Hãy bắt đầu bằng gạo an toàn - ảnh 1
Tất cả những gì Tập đoàn Lộc Trời đang thực hiện đều hướng đến giá trị bền vững như bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nông dân, sức khỏe người tiêu dùng; nâng giá trị thương hiệu gạo VN bằng chính những sản phẩm an toàn được quốc tế công nhận

Loại trừ lương thực, thực phẩm bẩn, thiếu an toàn: Hãy bắt đầu bằng gạo an toàn - ảnh 2

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời

Trực tiếp đi khảo sát 5 ha lúa đang giai đoạn lên mạ của ông Nhạt, ông Joel D.Janiya, chuyên gia của IRRI, chia sẻ những thay đổi mà ông Nhạt nói chỉ là một vài điều kiện trong 46 tiêu chí mà chương trình SRP yêu cầu thực hiện trong các chu kỳ của cây trồng, gồm quản lý ruộng; chuẩn bị canh tác; sử dụng nước; quản lý dinh dưỡng; quản lý sâu bệnh; thu hoạch, sau thu hoạch; sức khoẻ, an toàn; quyền lợi của người lao động. “Có thể thấy, bước đầu, ý thức về an toàn của ông Nhạt và nông dân được cải thiện rõ rệt, trong đó không chỉ an toàn cho người trồng mà còn cho cả người tiêu dùng”, ông Joel nhận xét.

Hiện tại, chương trình SRP của Tập đoàn Lộc Trời và IRRI đang triển khai thí điểm trên diện tích 460 ha ở 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Dự kiến đến năm 2018, mô hình SRP sẽ được mở rộng lên quy mô 4.000 nông hộ với khoảng 15.000 ha. Theo đánh giá của các chuyên gia IRRI, với kinh nghiệm làm cánh đồng lớn, sau 6 tháng, vùng sản xuất thí điểm của Tập đoàn Lộc Trời có thể đạt tiêu chuẩn SRP, trong khi nhiều nước khác phải mất từ 2 – 3 năm.
Hướng đi hữu cơ sinh học
Ngoài chương trình như SRP, theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học là con đường không thể khác của nông nghiệp để có những sản phẩm an toàn và giá trị xuất khẩu cao. PGS-TS Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời), cho biết nông nghiệp hữu cơ là canh tác và nuôi trồng tự nhiên, không sử dụng hoá chất làm phân bón và thuốc phòng trừ dịch bệnh. Trên thế giới hiện có 130 nước áp dụng nông nghiệp hữu cơ, với diện tích 35,6 triệu ha (chiếm 1 – 2%). Riêng tại VN, chỉ có khoảng 0,2% diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên tổng diện tích đất canh tác.
Nhiều năm qua, Tập đoàn Lộc Trời cũng chính là đơn vị tiên phong trên cả nước trong ứng dụng các giải pháp hữu cơ sinh học vào sản xuất nông nghiệp. Từ tháng 7.2014, tập đoàn này đã đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu và sản xuất sản phẩm sinh học (tại An Giang). Trung tâm chuyên sản xuất sản phẩm Trichoderma sử dụng trên lúa, rau màu, cây ăn trái và cây công nghiệp, các chế phẩm phân bón lá, chất kích thích sinh trưởng và thuốc trừ sâu sinh học. Sắp tới là Nhà máy phân hữu cơ sinh học Ân Thịnh Điền của Lộc Trời với diện tích hơn 14.000 m2 (tại Hậu Giang) khi đi vào hoạt động, cung ứng ra thị trường 6.500 tấn/năm và sẽ nâng lên 50.000 tấn/năm khi mở rộng công suất. “Nhà máy này sẽ đáp ứng một phần nhu cầu phân hữu cơ sinh học cho nông dân ĐBSCL, giúp cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường do lạm dụng các loại phân hoá học”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Lộc Trời, cho biết. Theo ông Thòn, lợi thế của Lộc Trời là từ năm 2011, tập đoàn đã xây dựng thành công mô hình cánh đồng lớn. Đến năm 2015, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Lộc Trời là gần 100.000 ha, với hơn 37.800 nông hộ tham gia liên kết. Để vận hành hiệu quả cánh đồng mẫu khổng lồ trên, Lộc Trời đã xây dựng được lực lượng “3 cùng” với hàng ngàn kỹ sư nông nghiệp. “Chính lực lượng này sẽ tiếp tục là nhân tố nòng cốt để triển khai chiến lược hữu cơ sinh học trong canh tác nông nghiệp thông qua việc hướng dẫn quy trình sản xuất cho nông dân”, ông Thòn nói.
Loại trừ lương thực, thực phẩm bẩn, thiếu an toàn: Hãy bắt đầu bằng gạo an toàn - ảnh 3

Ông Nhạt đang chuẩn bị những dụng cụ bảo hộ để phun thuốc. Sau lưng ông là tủ đựng thuốc bảo vệ thực vật – Ảnh: Tú Uyên

Kỳ vọng nâng thương hiệu gạo
Khi lúa gạo VN vẫn mang tiếng là chất lượng chưa cao thì việc triển khai chương trình SRP hay chiến lược nông nghiệp hữu cơ sinh học của Tập đoàn Lộc Trời mang nhiều kỳ vọng sẽ đạt đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn. Hay nói như ông James Lomax, Chủ tịch SRP, thực hiện thành công các tiêu chí của SRP nói riêng và nông nghiệp an toàn nói chung, không chỉ nông dân hưởng lợi, cải thiện thu nhập, môi trường được bảo vệ nhờ sử dụng hoá chất có kiểm soát mà còn là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định thương hiệu gạo VN với quốc tế.
Thực tế những năm qua, mối liên kết với nông dân của Tập đoàn Lộc Trời đã phát huy hiệu quả. Minh chứng là nông dân luôn cảm thấy an tâm hơn khi tham gia vùng nguyên liệu, còn doanh nghiệp có thể chủ động nguồn nguyên liệu đúng theo nhu cầu thị trường. Những sản phẩm gạo chủ lực của Tập đoàn Lộc Trời như gạo Hạt Ngọc Trời, gạo mầm Vibigaba đang tiêu thụ mạnh; không chỉ xuất đi 37 thị trường trên thế giới mà còn có mặt ở khắp các chợ, siêu thị nội địa. Để đạt được điều này, các sản phẩm của Tập đoàn Lộc Trời được kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống đến bàn ăn cho người tiêu dùng, phải vượt qua 600 chỉ tiêu về an toàn thực phẩm của các thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, EU…
Thành tựu nổi bật nhất gần đây của Lộc Trời nói riêng và ngành lúa gạo VN nói chung là danh hiệu Top 3 gạo ngon nhất thế giới được trao cho tập đoàn này tại Cuộc thi đấu xảo ở Malaysia, do The Rice Trader (Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu gạo thế giới) tổ chức hồi tháng 10.2015. Theo PGS-TS Dương Văn Chín, hiện tại ngoài giống lúa mang lại danh hiệu Top 3 gạo ngon nhất thế giới là Lộc Trời 1, tập đoàn này còn có 3 giống lúa khác cũng vừa được Bộ NN-PTNT công nhận và cho sản xuất là Lộc Trời 2, Lộc Trời 3 và Lộc Trời 4. Chia sẻ về chiến lược của tập đoàn, ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng: “Không riêng chương trình SRP mà tất cả những gì Tập đoàn Lộc Trời đang thực hiện đều hướng đến giá trị bền vững như bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nông dân, sức khoẻ người tiêu dùng. Tiếp đến là nâng giá trị thương hiệu gạo VN bằng chính những sản phẩm gạo an toàn được quốc tế công nhận”.
Người nông dân, như ông Nhạt, đang kỳ vọng khi thương hiệu gạo VN tốt lên, doanh nghiệp đàm phán được giá gạo xuất khẩu cao hơn, khi đó cuộc sống của họ cũng được cải thiện.
Theo chuyên gia Joel D.Janiya, chương trình sản xuất SRP ra đời bởi sự liên kết giữa Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc và IRRI vào năm 2013. Bộ tiêu chuẩn của SRP tập trung vào tính bền vững và là bộ tiêu chuẩn đầu tiên dành cho lúa gạo trên toàn cầu. Hiện có khoảng 30 thành viên, gồm đại diện các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới (trong đó Bộ NN-PTNT của VN là thành viên) cùng nhiều viện khoa học, nhà thương mại, công ty xuất khẩu gạo… “Các tiêu chí của SRP không quá khó để nông dân VN thực hiện, bởi thực chất họ đã từng làm rất nhiều qua các chương trình “1 phải, 5 giảm”, VietGap, Global Gap, chỉ có điều khác biệt ở chỗ khi thực hiện SRP, người trồng lúa sẽ được hướng dẫn sản xuất bền vững, giảm chi phí vật tư đầu vào, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế hơn”, ông Joel nói.

Tú Uyên – Hương Giang