27/12/2024

Cá không bán được, d​ân dưới biển trên bờ cùng điêu đứng

Dân dưới biển trên bờ cùng điêu đứng vì cá chết không bán được, cá sống người dân cũng không dám mua. Các hộ nuôi cá lồng bè khóc ròng…

 

Cá không bán được, d​ân dưới biển trên bờ cùng điêu đứng

Dân dưới biển trên bờ cùng điêu đứng vì cá chết không bán được, cá sống người dân cũng không dám mua. Các hộ nuôi cá lồng bè khóc ròng…

 

Cá không bán được, d​ân dưới biển trên bờ cùng điêu đứng
Người bán cá ở chợ cá Đồng Hới ngồi buồn hiu khi vắng khách mua sáng 21-4 – Ảnh: L.Giang

Hai tuần trước, ngày nào anh Nguyễn Văn Thọ (ở xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cũng chèo thuyền đưa bạn bè, người thân ra xem bốn lồng cá đang lớn nhanh, ăn khoẻ. Vậy mà mấy ngày nay anh ngồi thất thần trong bờ nhìn ra bốn lồng cá nổi bồng bềnh trên mặt biển: cá chết sạch, không còn con nào.

Anh Thọ là một trong số hàng trăm người nuôi cá ở khu vực này lâm cảnh khốn khổ vì cá lăn ra chết chưa rõ nguyên nhân. Đa số người nuôi cá cũng như anh Thọ, vay tiền mua lồng mua giống, nay cá chết nợ chồng lên nợ. Chưa bao giờ ngư dân lẫn các chủ nhà hàng ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên – Huế lại rơi vào cảnh điêu đứng như thế này.

Trắng tay sau một buổi

Anh Thọ cho biết 5 năm nay khu vực biển Vũng Áng chưa bao giờ có hiện tượng cá nuôi lẫn cá tự nhiên chết đồng loạt. Bốn lồng bè của anh được thả cá hồng, cá giò, cá bớp. Cá lớn rất nhanh, đã đạt 1,5 – 2kg, gần tới đợt bán. Đột ngột sáng sớm 6-4, anh thấy cá trong lồng nhảy rộ lên khỏi mặt nước. Một tiếng đồng hồ sau, cá trong lồng bơi lờ đờ, ngửa bụng, nổi lên mặt nước chết hàng loạt.

“Trước đó cá vẫn ăn bình thường, vậy mà chỉ trong vòng một buổi sáng cá ở bốn lồng nuôi chết nổi đầy mặt nước. Lúc đó tôi rất đau xót, chỉ biết vớt cá đi vứt, không làm gì được” – giọng anh Thọ nghẹn đắng.

Tại khu vực sông Hải Khẩu thuộc xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh), nhiều lồng cá được kéo sát vào bờ. Chính quyền xã Kỳ Hà cho biết trong đợt cá chết vừa qua, xã này có 12 lồng bè nuôi cá trên sông đều bị chết, thiệt hại rất lớn. Các hộ nuôi cá lồng bè ở đây ngoài đối mặt với cảnh nợ nần thì đang lo lắng nếu tiếp tục nuôi cá, không biết cá có chết nữa hay không.

Anh Nguyễn Thế Bùi – ở xóm Tây Hà, xã Kỳ Hà – có 4 lồng cá bị chết, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Lúc nhìn cá trong lồng chết đồng loạt tui chỉ biết ôm mặt khóc, xem như vụ cá này trắng tay, nợ chồng thêm nợ” – anh than thở.

Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng – giám đốc Công ty TNHH Grow Best – cho biết công ty có 8 ao tôm sắp đến kỳ thu hoạch. Ngày 9-4, công nhân bơm nước biển vào ao lắng để xử lý.

 

Ông Hùng nói: “Sau khi xử lý nước biển, chúng tôi bơm vào hai ao tôm. Không lâu sau, tôm ở hai ao búng lên khỏi mặt nước rồi nổi chết trắng. 8 tấn tôm bị chết, ước tính chúng tôi thiệt hại gần chục tỉ đồng”. Theo ông Hùng, nước biển đã bị nhiễm độc.

Cá không bán được, d​ân dưới biển trên bờ cùng điêu đứng
Người dân xã Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thất thần nhìn cá trong lồng chết nổi trắng – Ảnh: Văn Định

Đìu hiu làng du lịch biển

Chiều 21-4, chúng tôi tìm về làng bè nuôi cá lồng và khu vực nhà hàng nổi ở cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh). Thấy có khách, các nhà hàng đang im ắng chộn rộn hẳn lên, đon đả đón khách. Tuy nhiên, khi biết đây là đoàn của Bộ NN&PTNT về khảo sát việc cá chết thì các chủ nhà hàng ỉu xìu. Họ cho biết mấy tuần nay, ngoài đoàn khách này thì chẳng có khách nào.

Ngoài đoàn chúng tôi, cả làng nhà hàng nổi không một bóng khách. Chủ nhà hàng nổi Thân Thiện, cũng là chủ một lồng bè cá, nói như khóc: “Mấy ngàn cá giống và cá thịt chết hết chỉ sau vài tiếng đồng hồ khi thuỷ triều lên, giờ chỉ còn lại mực và tôm để phục vụ khách. Nhưng kể từ khi có tình trạng cá chết, cả làng nhà hàng nổi không có lấy một bóng khách, chứ trước kia khách khứa nườm nượp”.

Nhiều chủ nhà hàng, nhà bè nuôi cá quây lấy đoàn cán bộ của Bộ NN&PTNT hỏi tới hỏi lui: vì sao cá chết, nguyên nhân là gì và bây giờ có nên thả cá nuôi lại được chưa hay chờ kết luận chính thức của đoàn?

Trả lời những vấn đề này, ông Phạm Khánh Ly, phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thuỷ sản thuộc Bộ NN&PTNT, nói: “Nguyên nhân chính thức do cái gì, chất gì gây nên cá chết hàng loạt thì chúng tôi cũng chưa có kết luận nên chưa thể trả lời cho bà con ngay được. Việc nuôi cá trở lại cần từ từ, chờ biết được nguyên nhân để khắc phục thì thả cá sẽ an toàn hơn”.

Ở Đồng Hới (Quảng Bình), đặc sản của thành phố du lịch này là các loại hải sản tươi sống. Tuy nhiên gần một tuần qua, các nhà hàng chuyên bán mặt hàng hải sản ở đây đều trở nên vắng lặng. Tại nhà hàng nổi Phố Biển nằm dọc cửa sông Nhật Lệ, trưa 21-4 gần như không có bóng một người khách nào ra vào.

Bà chủ nhà hàng Nguyễn Thị Sen đang ngồi xem tivi uể oải cho biết: mọi năm, thời điểm này đã bắt đầu vào mùa kinh doanh, dịp đầu mùa thế này đều bán không kịp, nhưng một tuần qua khi nghe tin cá biển chết thì du khách không đến nhà hàng nữa. Tương tự, đi dọc bờ biển Nhật Lệ, hàng trăm quán hải sản bình dân cũng rơi vào cảnh điêu đứng.

Không chỉ nhà hàng, quán nhậu mà cả chợ cá cũng bị ảnh hưởng. Chợ Đồng Hới chiều 20 và sáng 21-4, nhiều tàu cá cập bờ sau một tuần đánh bắt ở vịnh Bắc bộ, tuy nhiên ế ẩm hẳn.

Ngư dân buộc phải bán rẻ cá để về nhưng cũng không ai mua dù toàn các loại cá ngon đánh bắt ở khơi xa. Các tiểu thương cho biết không dám lấy cá vì sợ không bán được. “Kiểu này mà kéo dài thì ngư dân chúng tôi chết đói” – một ngư dân thở dài.

Theo ông Hồ An Phong, giám đốc Sở Văn hoá – thể thao và du lịch Quảng Bình, qua tìm hiểu sơ bộ cho thấy kể từ khi nghe tin cá biển chết, phần lớn khách du lịch ngại đến các nhà hàng biển. Điều này cũng gây ra không ít thiệt hại cho cả những người chủ nhà hàng và cả ngành du lịch địa phương.

Ngư dân đưa thuyền vào bờ

Tại bãi biển Bình An (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế), hàng chục chiếc thuyền, thúng cùng ngư cụ được ngư dân neo dắt vào bờ. Vừa thu lại những tấm lưới, ông Nguyễn Hiền (trú thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) cho biết gần 40 năm làm nghề nhưng chưa khi nào thấy chuyện kỳ lạ này xảy ra, việc đánh bắt cá coi như bế tắc bởi không ai dám mua cá.

Không riêng gì ông, nhiều ngày qua hàng chục bạn nghề đã cho thuyền đậu sâu vào cửa Lạch Giang chờ kết luận của cơ quan chức năng mới dám ra khơi lại. Từ thu nhập 300.000 – 500.000 đồng/ngày, nay nhiều ngư dân rơi vào cảnh thất nghiệp, một số người đành phải kiếm việc khác để làm tạm, kiếm sống qua ngày.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết sở đã đưa ra giải pháp các hộ nuôi cá lồng bị chết di chuyển lồng nuôi đến khu vực nước sâu, sạch. Bên cạnh đó, treo túi vôi ở các góc lồng để ổn định độ pH và lắng lọc chất hữu cơ lơ lửng trong môi trường.

Riêng các hộ không bị cá chết, nuôi lồng nổi cách đáy ít nhất 50cm hoặc bè nổi để dễ di chuyển khi môi trường có nhiều biến động. Ngoài ra, đo thường xuyên các yếu tố môi trường hằng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời. “Chúng tôi đã lấy tất cả các mẫu nước ở vùng biển thuộc các huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Phong Điền để gửi ra Viện Nghiên cứu hải sản kiểm nghiệm” – ông Hùng cho biết.

 

 

Hỗ trợ người dân có cá nuôi bị chết

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và hải đảo cùng các chuyên gia về môi trường khẩn trương xác định chính xác nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại các vùng ven biển từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

Nhiều chuyên gia đã được huy động vào cuộc. Tuy nhiên, đến ngày 21-4 vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây cá chết.

Bộ NN&PTNT cũng vừa có văn bản khuyến cáo người dân không ăn các loại cá chết dạt vào bờ biển, đồng thời lưu ý chính quyền địa phương cần tổ chức thu gom và tiêu huỷ để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương thống kê thiệt hại, chủ động bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ khắc phục hậu quả cho người dân.

X.LONG - L.ANH