Đưa ‘sự kiện nóng’ vào đề thi, nên hay không?
Việc đưa những câu chuyện thời sự, sự kiện mới, tên tuổi người nổi tiếng vào đề thi… là trào lưu thịnh hành khắp các cơ sở giáo dục hiện nay.
Đưa ‘sự kiện nóng’ vào đề thi, nên hay không?
Việc đưa những câu chuyện thời sự, sự kiện mới, tên tuổi người nổi tiếng vào đề thi… là trào lưu thịnh hành khắp các cơ sở giáo dục hiện nay.
Mới đây nhất, sự kiện nội dung đề thi học kỳ 2 môn vật lý lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM), đề kiểm tra 15 phút môn tiếng Anh lớp 10 của Trường THPT Yên Hoà (Hà Nội) và trong bộ đề ôn thi giữa kỳ lớp 10 Trường THPT Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) có lấy cảnh trong phim Hàn Quốc Hậu duệ mặt trời (phim chưa được công chiếu rộng rãi); hay trước đó những người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, người mẫu cũng xuất hiện trong các đề thi. Thậm chí có đề còn có nội dung ca sĩ này ăn gì, ca sĩ kia nói gì?… Đó là chưa kể các vấn đề thời sự khác cũng vào đề thi.
Bên cạnh sự hồ hởi vẫn có nhiều ý kiến tranh luận về xu hướng ra đề kiểu này. Báo Thanh Niên đã ghi nhận ý kiến đa chiều về vấn đề này.
Phải có tính định hướng giáo dục
Việc đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá là cần thiết và Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích các trường, giáo viên biên soạn nội dung câu hỏi gắn liền với thực tiễn, gần gũi với đời sống, tăng cường khả năng vận dụng của học sinh (HS) vào thực tế… Tuy nhiên, khi đưa các vấn đề đang được HS quan tâm vào làm dữ liệu của đề kiểm tra hay đề thi phải được chọn lọc, gần gũi với cuộc sống hằng ngày của đại đa số người dân, có tính định hướng giáo dục cho HS.
Nguyễn Văn Hiếu (Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Tốt nhưng phải phù hợp tình huống
Việc giáo viên ra đề đưa những sự kiện thời sự, người nổi tiếng… vào đề thi là việc làm tốt. Bởi tạo được sự hứng thú cho HS khi làm bài thi, chứng tỏ giáo viên ấy hiểu được đời sống người trẻ, nắm bắt được tâm tư, thị hiếu, trào lưu tuổi trẻ. Tuy nhiên cần lưu ý, sự hứng thú ấy chỉ có được nếu dữ liệu đưa vào phù hợp với tình huống, cách sử dụng hợp lý. Giả dụ phim Hậu duệ mặt trời thì nên vận dụng vào đề thi nói về sự dũng cảm, chăm sóc phục vụ cộng đồng…
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Không nên trực tiếp lấy tên người nổi tiếng
Việc lấy tên trực tiếp ca sĩ hoặc người nổi tiếng là không nên vì đó không phải là những thông tin chính thống hoặc được kiểm chứng. Việc lấy tên trực tiếp như vậy cũng sẽ ảnh hưởng nhất định đến quyền riêng tư cá nhân, dễ biến tướng theo hình thức PR quảng cáo hoặc có những ảnh hưởng không lành mạnh đến nhân vật được nêu. Bên cạnh đó, đề thi cũng cần tính toán đến độ chênh về việc tiếp cận thông tin giữa HS thành thị và nông thôn. Một đề thi mang tính thời sự là điều tốt, nhằm đo lường được thái độ cũng như sự tiếp nhận về mặt nhận thức, tình cảm của HS về các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, việc chọn lựa nội dung đề thi cần hết sức cẩn trọng để tránh gây ra những phản ứng ngược không mong muốn.
Thạc sĩ Đào Lê Hoà An (Hội Tâm lý học xã hội VN)
Vận dụng còn khiên cưỡng
Chương trình phổ thông của VN hiện nay tính ứng dụng chưa cao và không xuyên suốt từ đầu. Vì vậy cách ra đề thi, đề kiểm tra gắn với thời sự, phim ảnh, báo chí đôi khi còn khiên cưỡng. Việc vận dụng này nếu xét về tình cảm thái độ thì hợp lý vì HS sẽ thích, hào hứng. Nhưng xét về mức độ, năng lực đọc hiểu thì thông tin gắn với cuộc sống là thông tin nhiễu nên vận dụng không khéo sẽ trở thành gán ghép, không ăn nhập và mang tính phong trào. Đặc biệt với các môn tự nhiên nên đi thẳng vào vấn đề, hướng HS vào thông tin chính, không nên có nhiều thông tin phụ khiến HS phân tâm.
Nguyễn Phước Bảo Khôi (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
“Mốt” đưa sự kiện
Tôi có cảm giác đang có “mốt” đưa sự kiện, những thông tin trên mạng vào đề thi bất kể là môn tự nhiên hay xã hội. Dữ liệu đưa vào đề thi không chỉ mang tính thời sự mà cần có tính giáo dục, có sự phân loại theo lứa tuổi vì ở từng cấp lớp, HS có những cảm nhận khác nhau.
Đoàn Thị Nhung (Trường THCS Phạm Hữu Lầu, Q.7, TP.HCM)
Lạm dụng sẽ phản tác dụng
Ra đề thi gắn với thời sự, vận dụng kiến thức thực tiễn là xu hướng tốt nhằm tránh việc học thuộc lòng. Một đề thi vận dụng kiến thức thực tiễn là phải sử dụng kiến thức học được để xử lý thực tiễn, không phải lấy thực tiễn làm “cớ” để ra đề. Do vậy, tạo ra một đề thi đúng nghĩa thời sự là một việc làm không dễ dàng. Thời gian qua, có những đề thi thời sự rất hay giúp HS thích thú khi làm bài, nhưng có những đề đọc vào thấy “buồn cười” ngay. Lạm dụng quá mức đề thi thời sự mà không phù hợp sẽ gây phản tác dụng.
Nguyễn Kim Tường Vy (Trường THPT Marie Curie, TP.HCM)
Giúp sinh viên thích thú
Sở dĩ tôi đưa những ca sĩ, người mẫu vào đề thi chỉ nhằm mục đích giúp sinh viên thích thú hơn, vì đây là những nhân vật nổi tiếng được giới trẻ quan tâm. Đưa họ vào đề thi như vậy nhưng không hề ảnh hưởng gì đến kiến thức, chuyên môn cả.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Mạnh (Trường ĐH Nha Trang)
Không nên lạm dụng nhân vật từ phim ảnh
Em đồng ý với việc giáo viên lồng ghép những vấn đề thời sự vào trong bài giảng vì nó gần gũi và làm cho chúng em cảm thấy hào hứng hơn. Tuy nhiên, khi đưa những vấn đề này vào đề thi cần được chọn lọc hơn chứ không phải cứ thấy bộ phim nào nóng, diễn viên nào đang nổi đình nổi đám là đưa vào đề thi. Có nhiều bạn không có nhiều thời gian xem phim, không biết nhân vật nêu tên trong đề thi là ai, là người như thế nào khi đó sẽ rất mất thời gian. Thậm chí việc này còn khiến chúng em phân tâm mà không mang lại hiệu quả gì thiết thực.
Huỳnh Vy Thảo (HS Trường THPT Marie Curie,TP.HCM)
Phải có liên quan đến chương trình học
Việc đưa những câu hỏi từ thực tế vào đề thi phải có liên quan đến chương trình học chứ thầy cô giáo không thể phá cách, vượt quá khuôn khổ, đừng lấy những điều xa rời thực tế đưa vào đề thi. Giữa kiến thức thầy cô giáo truyền đạt cho HS của mình mỗi ngày với nội dung khi ra đề thi phải có sự tương đồng một chút.
Lê Văn Lâm (Phụ huynh H.Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu)
Cần có chọn lọc
Tôi rất ủng hộ việc dạy HS theo hướng mở và khuyến khích việc đưa những câu hỏi ngoài thực tế vào đề thi. Vì vậy, thầy cô giáo hãy tập cho HS có cái nhìn bao quát, tổng quan về dòng chủ lưu thời sự. Tuy nhiên, việc đưa đề thi dẫn thời sự phải có chọn lọc, ở mức độ chừng mực, phù hợp với thực tế chứ không phải đụng gì cũng đưa vào đề thi. Làm như thế không những HS không biết giải quyết vấn đề như thế nào mà khiến các em bị rối.
Nguyễn Văn Đức (Phụ huynh Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
“Chiêu trò” làm mới thi cử
Cái lợi nói chung của việc đưa các vấn đề thời sự vào đề thi là có thể kiểm tra năng lực đáp ứng của người học chứ không chỉ là kiến thức thuần tuý. Tuy nhiên, chuyện này cũng có thể dẫn đến một “trò chơi thi cử”: nhiều người không học thật sự, chỉ canh me các vấn đề thời sự nào đó rồi “chém gió” lung tung.
Việc gần đây nhiều trường THPT đưa các nhân vật, bộ phim nóng vào đề thi dường như là một “chiêu trò” làm mới cách thi cử. Nhưng nói thật, đó không phải là một định hướng tốt về giáo dục. Giáo dục đừng nên xu thời. Hãy theo đuổi những giá trị căn bản nhất. Cứ như vậy, chúng ta đã bắt bọn trẻ yêu ghét theo cách của mình. Tức là những chuyện buồn vui nhất thời của xã hội, người lớn bị đẩy vào nhà trường và bắt các em phải giải mã theo cách của người lớn hình dung.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông
(Trưởng khoa Báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) |
Thanh Niên