Gửi USD không lãi suất, giá vàng thì hầu như đứng yên, nhà đầu tư có tiền đang băn khoăn không biết đầu tư vào đâu để sinh lời.
Vàng và USD đứng giá, nên đầu tư vào đâu?
Gửi USD không lãi suất, giá vàng thì hầu như đứng yên, nhà đầu tư có tiền đang băn khoăn không biết đầu tư vào đâu để sinh lời.
Vàng và USD “rớt đài”
Hôm qua 19.4, giá bán lẻ của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 33,37 triệu đồng/lượng. Nếu so với cuối năm 2015, giá này tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 3%. Tuy nhiên, hiếm có ai mua bán được đúng giá đó để bỏ túi khoản lợi nhuận còm cõi này. Đáng nói là giá vàng thế giới trong quý 1 vừa qua đã tăng tới 16%, mức tăng mạnh nhất tính theo quý trong vòng 30 năm qua nhưng giá vàng trong nước vẫn chỉ giậm chân tại chỗ. Thậm chí trong những ngày đầu tháng 3, giá vàng SJC còn thấp hơn thế giới hơn 100.000 đồng/lượng khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Vàng đã chính thức bị loại ra khỏi giỏ đầu tư của nhiều người.
Tương tự là USD. Với lãi suất 0% áp dụng từ đầu năm nay, tỷ giá USD/VND ổn định, đầu tư vào USD cũng không còn hấp dẫn với rất nhiều người. Không ít người có nguồn tiền gửi USD đang chuyển sang tiền đồng để hưởng lãi suất cao hơn. Ước tính đến cuối tháng 2.2016, tiền gửi USD giảm 3% so với cuối năm 2015. Báo cáo triển vọng kinh tế VN qua quý 1/2016 do Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank vừa phát hành nhận định: Lãi suất tiền gửi ngoại tệ giảm về 0% và các quy định chặt chẽ hơn trong giao dịch cũng làm giảm bớt động cơ nắm giữ ngoại tệ của thị trường. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn có thể sử dụng thêm các biện pháp kỹ thuật khác nhằm hạn chế hành vi đầu cơ, găm giữ ngoại tệ. Đó là biện pháp đưa lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống dưới 0% hoặc đánh phí đối với các hoạt động này thông qua việc áp đặt tỷ lệ dự trữ bắt buộc VND khác nhau cho các ngân hàng có mức trạng thái ngoại tệ khác nhau.
Với các chính sách hiện nay thì USD và vàng không được khuyến khích đầu tư. Vì vậy, chỉ còn bất động sản và chứng khoán để nhà đầu tư lựa chọn
Chuyên gia Phan Dũng Khánh
Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, giá vàng trong nước không đi theo giá thế giới nên rất khó đưa ra dự báo để đầu tư. Hơn nữa, mãi lực đối với vàng trong những tháng qua rất thấp nên thị trường này không còn hấp dẫn. “Với các chính sách hiện nay thì USD và vàng không được khuyến khích đầu tư. Vì vậy, chỉ còn bất động sản (BĐS) và chứng khoán để nhà đầu tư lựa chọn”, chuyên gia này nói.
Chứng khoán chỉ có sóng nhỏ
Kênh đầu tư bị thu hẹp nhưng chứng khoán cũng không hút được dòng tiền nhàn rỗi trên thị trường. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn TP.HCM chỉ tăng gần 4% so với quý 4/2015, đạt 2.204 tỉ đồng/phiên. Kết thúc quý 1 vừa qua, chỉ số VN-Index giảm nhẹ so với cuối năm 2015. Theo Công ty chứng khoán Maybank-Kim Eng, vẫn còn tiềm ẩn một số khó khăn như rủi ro từ chứng khoán toàn cầu khi những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc đang ngày một lớn dần.
Trên thực tế, chỉ số VN-Index từ đầu năm đến nay đã có 11 lần thử thách ở ngưỡng 580 điểm nhưng chưa vượt qua được. Điều này càng dấy lên tâm lý e ngại về việc thị trường đã kết thúc xu hướng phục hồi trong thời gian qua.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng nhận định thị trường chứng khoán có mức tăng không đạt kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư trong thời gian qua. Điều này khiến cho kênh huy động vốn không phát huy được hiệu quả là thu hút vốn đầu tư chính cho nền kinh tế. Dù vậy ông Hiển cho rằng, thị trường cả năm 2016 cũng sẽ có cơ hội sinh lời với mức tăng tối thiểu 6 – 7%. “Mức tăng tối thiểu đó chỉ tương đương lãi suất tiền gửi ngân hàng nhưng chứng khoán luôn là nơi có nhiều cơ hội gia tăng lợi nhuận đột biến nhất. Do đó với những nhà đầu tư lựa chọn đúng cổ phiếu, đúng ngành nghề thì chứng khoán vẫn luôn hấp dẫn hơn các kênh đầu tư khác”, ông Hiển nhận xét.
Cuối tháng 3.2016, một bài viết trên tờ Financial Times (Anh) cho rằng thị trường BĐS VN đang “ấm” nhờ sự phát triển của các sân golf, lượng du khách nước ngoài tăng mạnh, và nhu cầu mua nhà của người nước ngoài. Ông Fraser Wilson, trưởng bộ phận BĐS của Dragon Capital, nhận định thị trường đang mạnh hơn ở bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2007.
Bài báo này đưa ra so sánh với nhiều thị trường khác ở khu vực châu Á, BĐS VN vẫn rẻ hơn. Ở khu vực trung tâm TP.HCM, giá BĐS cao cấp dao động từ 3.000 – 5.000 USD/m2, thấp hơn nhiều so với mức 9.375 USD/m2 đối với giá nhà tương tự ở Bangkok. Bởi vậy, theo ông Mac Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE VN, VN đang dịch chuyển từ vị trí một thị trường sơ khai thành một nơi để đầu tư.
Còn TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, thì cho rằng kinh tế VN cũng đang đối diện với những thách thức trong năm nay, đặc biệt là hạn hán đang đe dọa nặng nề và có tác động lớn đến hoạt động của nhiều ngành nghề, nhiều doanh nghiệp. Vì vậy bản thân các nhà đầu tư cần phải xem xét kỹ hơn để lựa chọn đúng cổ phiếu và thời điểm mua bán hợp lý nếu muốn đạt được lợi nhuận cao.
Bất động sản sinh lời nhiều nhất
Hút tiền nhiều nhất trên thị trường lúc này là BĐS. Cả vốn nội và vốn ngoại đều đổ vào đây. Vốn ngoại, theo Cục Đầu tư nước ngoài, 3 tháng đầu năm nay, có 11 dự án đăng ký mới trong lĩnh vực kinh doanh BĐS với tổng vốn là 239,78 triệu USD, đứng thứ hai trong danh sách các lĩnh vực có vốn FDI. Bên cạnh đó, hàng loạt nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng đã công bố đổ vào các doanh nghiệp BĐS như Quỹ đầu tư Creed Group đến từ Nhật Bản đã công bố rót 200 triệu USD vào dự án River City của Công ty Phát Đạt; đầu tư 200 triệu USD vào hai dự án khu căn hộ Angia Skyline và Angia Riverside tại Q.7, TP.HCM và đầu tư 100 triệu USD vào Công ty 577 để phát triển dự án City Gate tại Q.8. Hay mới đây, Khu phức hợp tháp quan sát Thủ Thiêm cùng lúc nhận được vốn đầu tư 93,9 triệu USD từ Công ty TNHH Keppel Land của Singapore và 600 triệu USD từ nhà đầu tư nước ngoài là Power Ltd (Anh)…
Ở trong nước, người có nhu cầu về nhà ở và các nhà đầu tư vẫn chọn BĐS là nơi để rót vốn. Báo cáo tổng quan về thị trường BĐS của Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Vietnam (JLL) cho biết, lượng nhà ở mở bán mới trong quý 1/2016 tại Hà Nội và TP.HCM đạt mức cao kỷ lục, với gần 20.000 căn (bao gồm căn hộ, nhà thấp tầng và đất nền).
Chuyên gia Đinh Thế Hiển đánh giá, thị trường BĐS từ đầu năm 2015 đến nay đã thành công khi thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, một phần lượng tiền gửi tiết kiệm từ hệ thống ngân hàng cũng đã được chuyển sang kênh này. Đặc biệt trong quý 1 vừa qua, khi các kênh đầu tư khác hầu như không mang lại lợi nhuận thì BĐS vẫn cho mức lợi nhuận ròng. Theo ông Hiển, đối với nhiều nhà đầu tư, quan niệm BĐS vẫn là tài sản có giá trị nên mặc dù có những khó khăn nhưng họ vẫn lựa chọn. Hơn nữa, thị trường này nếu chỉ cần có sự tăng trưởng nhẹ là dòng vốn lại tham gia nhiều.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, dù chọn BĐS để ở hay đầu tư, quan trọng nhất vẫn tìm các chủ đầu tư uy tín nếu không muốn chôn vốn vô thời hạn ở hàng loạt dự án “ma” vẫn đang tồn tại trên thị trường hiện nay.