01/01/2025

“Tài liệu Panama”: Họ đã làm điều đó như thế nào?

Câu chuyện về cuộc điều tra của nhóm các nhà báo quốc tế trong vụ giải mã “Tài liệu Panama” được Tuổi Trẻ ghi nhận qua lời kể của một thành viên tham gia điều tra.

 “TÀI LIỆU PANAMA” – ĐỊA CHẤN THẾ KỶ – KỲ 12:

“Tài liệu Panama”: Họ đã làm điều đó như thế nào?

 

 

Câu chuyện về cuộc điều tra của nhóm các nhà báo quốc tế trong vụ giải mã “Tài liệu Panama” được Tuổi Trẻ ghi nhận qua lời kể của một thành viên tham gia điều tra.

 

 

 

 

 

"Tài liệu Panama": Họ đã làm điều đó như thế nào?
So sánh dữ liệu của các vụ rò rỉ thông tin gần đây

Theo nguyên tắc, tất cả các tờ báo tham gia cuộc điều tra của Liên minh Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) đều được tiếp cận số tài liệu khổng lồ hơn 11,4 triệu hồ sơ với tổng cộng 2,6 téraoctets dữ liệu.

Theo cách đọc thông thường phải mất hàng chục năm mới đọc được hết số cơ sở dữ liệu này, chưa kể tính phức tạp về chuyên môn tài chính của một số hồ sơ trong số đó.

Vì lẽ đó, tờ Süddeutsche Zeitung (nhật báo Nam Đức) khi có trong tay số tài liệu quý giá này, cách đây một năm, từ một “người bí mật” đã hết hồn với tầm vóc của nó và phải liên hệ với ICIJ để nhờ hỗ trợ.

Họ không công bố những thông tin không xác thực về chuyện trốn thuế, thông tin đó là xác thực. Nhưng họ lại không quy tội bất kỳ ai một cách trực tiếp. Rõ ràng họ chỉ muốn tung hỏa mù

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN nói về “âm mưu” 
gây rối cho nước Nga vào dịp sắp bầu cử

Người quyết định

Quả thực với mức độ tài liệu ngồn ngộn và khó kiểm tra như thế phải cần đến ICIJ vốn đã có nhiều kinh nghiệm kỹ thuật lẫn tác nghiệp điều tra trong các vụ việc tương tự (quy mô nhỏ hơn) trước đây. Chưa kể việc điều tra đụng đến các công ty bình phong quy mô xuyên biên giới liên quan nhiều nước nên việc vận dụng đến hệ thống các nhà báo điều tra quốc tế là hiệu quả nhất.

ICIJ đã bay sang Đức để gặp ban biên tập báo Süddeutsche Zeitung nhằm thảo luận về khả năng hợp tác. Các tờ báo lớn từ các nước được mời tham gia.

Trong trường hợp của báo Le Monde của Pháp, dĩ nhiên chủ báo và tổng biên tập báo là những người đầu tiên được biết về sự tồn tại của “Tài liệu Panama” nhưng quyết định tham gia vào cuộc chơi hay không lại là… giám đốc bộ phận tài chính. Cách thức này gần như giống nhau ở tất cả các báo.

Giám đốc tài chính phải lên kế hoạch đánh giá xem, dĩ nhiên chỉ ở mức phỏng đoán, sẽ phải tốn kém bao nhiêu để đầu tư cho việc giải mã tài liệu và kế đến là phương án kinh doanh một khi các bài báo được tung ra.

Dẫu việc điều tra để tung hê những tên tuổi gian lận tài chính, đặc biệt là những nhân vật tai to mặt lớn, sẽ khiến độc giả thích thú và giúp làm tăng uy tín của tờ báo trong lòng bạn đọc nhưng số tiền đầu tư cho công việc này sẽ không nhỏ và thậm chí là có thể mất trắng nếu việc điều tra không đi đến đâu.

Thực tế cho thấy không ít tờ báo đã phải rút lui giữa đường trong quá trình điều tra (bước đầu) kéo dài chín tháng vì không đủ khả năng tài chính để tham gia đến cùng.

Một khi chủ báo cùng ban biên tập quyết định tham gia cuộc chơi thì bộ máy bắt đầu khởi động. Thoạt tiên là các thành viên tham gia phải thống nhất quy cách làm việc và định hướng khai thác thông tin.

Việc này cũng không quá xa lạ vì nhiều tờ báo tham gia với ICIJ đã có kinh nghiệm trong những vụ điều tra tương tự trước đây. Nguyên tắc lớn của cuộc chơi là “chia sẻ thông tin và không cạnh tranh”.

Trong quá trình điều tra, khi các nhà báo tìm được thông tin quan trọng và đã kiểm chứng đầy đủ thì thông tin đó sẽ được chuyển lên cho “hệ thống dữ liệu” để mọi người tham gia vụ giải mã biết được ai đã làm gì và tìm được gì.

Ví dụ bên báo Pháp tìm được thông tin bước đầu liên quan đến nhân vật mình muốn khai thác thì sẽ báo động lên hệ thống để các đồng nghiệp quốc tế được biết. Khi đó nếu có đồng nghiệp ở Đức tìm được thông tin nào đó (từ nguồn tiếng Đức) thì sẽ cung cấp hỗ trợ cho đồng nghiệp bên Pháp.

Quy trình hỗ trợ nhau là như thế, có qua có lại, đoàn kết, không cạnh tranh giấu nhẹm thông tin riêng cho mình.

Từng tờ báo sẽ phải lựa chọn người tham gia vào cuộc điều tra quy mô này. Yêu cầu dĩ nhiên phải là có khả năng làm báo điều tra, am hiểu về lĩnh vực đang phải điều tra, đặc biệt là về tài chính.

Có một điều thú vị là do đặc thù của loại điều tra này liên quan đến các nhân vật chính trị nên các nhà báo viết trong mảng chính trị không được gọi tham gia. Lý do của ban biên tập: phải bảo mật, tuyệt đối không để các chính khách có thể biết được việc tờ báo đang làm.

Một lý do tế nhị khác: ban biên tập lo ngại nhà báo có thể “chuyển màu” bán thông tin cho chính khách mình quen biết để đổi lấy lợi ích cá nhân.

Ngoại ngữ và các mối quan hệ ở nước ngoài cũng là yếu tố giúp nhà báo được ưu tiên chọn lựa.

Về mặt tài liệu, phần lớn dữ liệu trong “Tài liệu Panama” là bằng tiếng Anh (được xem như ngôn ngữ phổ thông giúp giao dịch xuyên biên giới) nhưng cũng có một số tài liệu bằng tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hoa và tiếng Nga. Vì thế ở mỗi tờ báo, những phóng viên biết làm điều tra mà giỏi thêm ngoại ngữ sẽ được mời tham gia.

"Tài liệu Panama": Họ đã làm điều đó như thế nào?
Tổng thống Putin trong cuộc gặp với nhà báo sau buổi giao lưu trực tuyến với người dân Nga ngày 14-4 – Ảnh: Reuters

Tổng thống Nga bị nhầm

Câu chuyện ở Nga là một câu chuyện thú vị. Trong vòng hơn 10 ngày qua, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hai lần công khai chỉ trích thông tin của nhóm nhà báo ICIJ liên quan một số nhân vật của Nga có tên trong “Tài liệu Panama”. Nhưng dường như cả hai lần, ông đều được thông tin không chuẩn.

Lần đầu vào ngày 7-4, ở diễn đàn truyền thông của Mặt trận bình dân Nga, ông Putin đề cập đến “âm mưu” của phương Tây, mà đặc biệt là Mỹ, trong việc gây rối cho nước Nga. Ông nói đến việc tổ chức ICIJ nhận tiền tài trợ từ nhiều tổ chức ở Mỹ.

Nhưng kỳ thực, tất cả các nhà báo tham gia ICIJ đều tự tin rằng mình làm việc khách quan, độc lập, theo đúng đạo đức báo chí.

Thông thường, theo luật ở Mỹ, các quỹ có thể hỗ trợ tiền cho một tổ chức phi lợi nhuận như kiểu của ICIJ nhưng không được phép tác động vào hoạt động của tổ chức này.

Lần thứ hai là cuộc giao lưu trực tuyến lần thứ 14 với người dân Nga diễn ra hôm 14-4 tại cung điện Gostinyi Dvor ở thủ đô Matxcơva. Trong cuộc giao lưu kéo dài ba giờ rưỡi, Tổng thống Putin đã trả lời 80 câu hỏi trong số 2,5 triệu câu hỏi được gửi đến ông.

Dĩ nhiên trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi liên quan những cái tên người Nga làm ăn với Công ty luật Mossack Fonseca cũng được nêu ra.

Ông Putin nhắc lại về việc “các tổ chức Mỹ đã thò cái đuôi chỉ đạo” vụ việc. Ông thậm chí cho rằng Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ kiểm soát báo ĐứcSüddeutsche Zeitung và điều khiển việc công bố các tài liệu.

Nhưng ngay ngày hôm sau (15-4), điện Kremlin đã phải gửi lời xin lỗi tới báoSüddeutsche Zeitung. Người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov cho biết: “Đây có lẽ là nhầm lẫn của chúng tôi, có lẽ là nhầm lẫn của tôi. Chúng tôi gửi lời xin lỗi tới Nhà xuất bản Süddeutsche”.

Ông Peskov thừa nhận đã thu thập một nguồn tin chưa xác minh và chuyển trực tiếp thông tin này tới Tổng thống Putin để rồi ông nói ra trước công chúng.

Điều đó cũng cho thấy việc tìm kiếm, điều tra thông tin không hề dễ dàng.

___________

 

THANH LIÊM