01/01/2025

Làm khu đô thị để… thả bò

Hàng loạt khu đô thị mới ở các H.Mê Linh, Hoài Đức (Hà Nội)… từng gây sốt thị trường những năm 2006 – 2009 đến nay đều bỏ hoang, thành bãi thả bò trong khi hàng nghìn tỉ đồng của những nhà đầu tư đã đổ vào chưa biết số phận ra sao.

 

Làm khu đô thị để… thả bò

 

Hàng loạt khu đô thị mới ở các H.Mê Linh, Hoài Đức (Hà Nội)… từng gây sốt thị trường những năm 2006 – 2009 đến nay đều bỏ hoang, thành bãi thả bò trong khi hàng nghìn tỉ đồng của những nhà đầu tư đã đổ vào chưa biết số phận ra sao.





Khu đô thị Minh Giang Đầm Và ở xã Tiền Phong, H.Mê Linh thành nơi thả bò - Ảnh: Lê Quân

 

Khu đô thị Minh Giang Đầm Và ở xã Tiền Phong, H.Mê Linh thành nơi thả bò – Ảnh: Lê Quân


Tăng đàn bò, tận dụng cỏ
Khu đô thị Hà Phong tại xã Tiền Phong (H.Mê Linh, Hà Nội) khá rộng nhưng đa phần các biệt thự tại đây mới xây xong phần thô, chưa có người ở. Một số lô đất chưa xây nhà, cỏ mọc um tùm, nhiều lô khác được tận dụng trồng cây bạch đàn. Nhiều người đem bò vào thả ở các bãi cỏ.
Ông Nguyễn Văn Tùng, một cư dân sống gần khu đô thị này cho hay, thời điểm bất động sản nóng sốt, để có được một lô biệt thự tại khu đô thị này, số tiền khách mua bỏ ra không hề rẻ. Chính con trai ông Tùng cũng bỏ ra gần 500 triệu đồng để mua lô đất tại dự án nói trên và đang “chết vốn”. “Giai đoạn đó, giá mỗi chỉ vàng khoảng 1,9 triệu đồng, mà 1 m2 đất tại đây đã lên đến 6 – 7 triệu đồng nhưng cũng phải tranh nhau trả chênh lệch mới mua được. Vậy mà giờ thì…”, ông Tùng cay đắng bỏ lửng câu nói. Theo ông, đường nội bộ tại khu đô thị Hà Phong mới được chủ đầu tư thi công cách đây chưa lâu.
Cùng trong xã này còn có khu đô thị Cienco 5, đình đám trên thị trường một thời nhưng nay dấu vết còn lại chỉ là những ống cống bê tông bỏ trơ giữa đồng cỏ. Đâu đó, ngang dọc vài con đường mới được bó vỉa, trải đá dăm. Toàn dự án từng được quảng cáo hoành tráng hiện vẫn chỉ là bãi đất cỏ bỏ hoang. Các lô đất thậm chí chưa được phân lô, um tùm cỏ, trở thành bãi chăn thả bò. Anh Nguyễn Văn Tiến, nhà ở phố Yên, chủ đàn bò gần 50 con, cho biết anh dự tính sẽ nhân rộng số lượng bò nuôi bởi “chả biết khi nào các dự án mới xong mà cỏ thì nhiều quá”.
 
 
Thu hồi xong không biết giao cho ai !
Đại diện UBND H.Hoài Đức, UBND H.Mê Linh cho hay đang rà soát hàng loạt các dự án để lên kế hoạch thu hồi khi quá hạn triển khai. Tuy nhiên, chính quyền ở các huyện này đều thừa nhận, ra quyết định thu hồi dự án hết hạn triển khai không khó nhưng để tìm được nhà đầu tư mới, giải quyết lợi ích kinh tế giữa chủ đầu tư cũ và mới là điều không dễ do số vốn đầu tư vào các dự án quá lớn.

 

Trái ngược với hy vọng nhân rộng đàn bò của anh Tiến là nỗi cay đắng của ông Vũ Khắc Tuấn (48 tuổi), một khách hàng của dự án Cienco 5. Lô đất của ông Tuấn có diện tích 300 m2, rao bán giá 6,5 triệu đồng/m2, lỗ 1 triệu đồng/m2 so với lúc mua nhưng mãi chưa bán được. Ông Tuấn kể mua đất này từ những ngày đầu năm 2010. Thời điểm đó, dự án nóng hổi, phải “tranh cướp” mới mua được suất đất có vị trí đẹp. Tuy nhiên, sau 3 năm khởi công, dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, không thi công bất cứ hạng mục nào. Trong hơn 400 triệu đồng đã đóng, ông Tuấn phải đi vay ngân hàng hơn một nửa. Hiện mỗi tháng ông Tuấn vẫn phải chịu áp lực trả nợ nhưng dự án không nhúc nhích tiến triển nên không có thanh khoản.

Cách đó chừng 3 km, khu đô thị Minh Giang Đầm Và do Công ty TNHH Minh Giang làm chủ đầu tư nằm tại xã Tiền Phong được giới thiệu là tổ hợp đồng bộ và hoàn chỉnh với chung cư, biệt thự đơn, song lập, nhà liền kề, nhà trẻ… cũng trong tình trạng tương tự. Hàng trăm người đổ tiền vào dự án này đang chết đứng bởi các công trình hoành tráng đó còn nằm trên giấy. Dự án vẫn là bãi cỏ hoang. Chị Trần Thị Nguyệt (Q.Hà Đông) đang rao bán đất nền tại dự án này cho hay, chị mua vào năm 2009, khi thị trường đang sốt. Nhưng từ đó đến nay, chủ đầu tư gần như chưa can thiệp gì. Chị cũng không biết phải hỏi ai và làm thế nào vì đến tiếp xúc chủ đầu tư cũng chỉ gặp được… bảo vệ và người không có trách nhiệm; mang nhờ sàn giao dịch bán nhưng đã lâu cũng không bán được.
Làm khu đô thị để... thả bò

Những dãy nhà liền kề khu đô thị Kim Chung – Di Trạch H.Hoài Đức đã xây dựng xong nhưng đều bỏ hoang – Ảnh: Lê Quân

Chủ nhân nhà tiền tỉ phải đi… thuê nhà
Dự án Kim Chung – Di Trạch (H.Hoài Đức) rộng gần 170 ha, cách bờ hồ Gươm chừng gần 20 km về phía tây TP.Hà Nội, gồm có chung cư, biệt thự, trung tâm thương mại, văn phòng… do Tổng công ty CP thương mại và xây dựng (Viettracimex) làm chủ đầu tư, từng gây đình đám trên thị trường những năm 2006 – 2007 với giá bán lên đến 60 – 70 triệu đồng/m2. Thế nhưng, đến nay, sau gần 10 năm, dự án vẫn chỉ là khu đô thị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, chôn theo hàng nghìn tỉ đồng của không ít nhà đầu tư.
Bước chân vào khảo sát khu đô thị “ma” này, chúng tôi không khỏi cảm thấy lạnh gáy, rợn người bởi mức độ hoang vu. Những đống vật liệu, cột điện… vứt ngổn ngang giữa bãi cỏ mọc um tùm. Những giếng nước khoan, bể nước tạm dùng cho công nhân bỏ hoang lâu ngày, rêu phong loang lổ. Dự án trở thành nơi tập kết của người nghiện, bơm kim tiêm cũ có, mới có vứt ngổn ngang. Khu nhà ban quản lý dự án cũng lổng chổng máy móc, vật liệu chờ thi công. Tiếp chúng tôi chỉ là hai bác bảo vệ, cũng là người dân trong làng Lai Xá được thuê trông đồ kể chưa biết khi nào dự án tái khởi động. Tại đây, cả trăm căn nhà liền kề được xây dựng nhưng chỉ 3 căn hoàn thiện và 1 căn có người ở. Anh Trần Ngọc Thanh (35 tuổi), một người từng dọn đến sống ở khu đô thị này, kể khu đô thị chưa có nước sạch nên phải tự khoan giếng. Nhà có 3 người nhưng ở mênh mông heo hút giữa dãy nhà hoang lạnh, xung quanh đồng không mông quạnh, đường nội bộ chưa thảm nhựa, không hàng quán… nên được vài tháng phải dọn đi thuê nhà khác ở vì lo sợ trộm cướp.
Anh Thanh là một trong số nhiều người lâm cảnh bỏ tiền tỉ mua nhà ở khu đô thị nhưng vẫn phải đi thuê nhà ở vì dự án bị bỏ hoang, không dám ở tại chính ngôi nhà của mình.
Quy hoạch yếu kém
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN (VNREA), cho hay những khu đô thị “ma” như vậy có rất nhiều ở huyện Hoài Đức, Mê Linh, Hà Đông, Đan Phượng, Thanh Trì (Hà Nội)… Đây là hậu quả của thời kỳ bất động sản phát triển quá nóng. Người có chút vốn trong tay đều nghĩ đến đầu tư vào nhà đất, trong khi nhu cầu thực quá ít so với số đầu tư, bong bóng bất động sản phình to rồi nổ đã làm không ít người phá sản; còn xã hội lãng phí biết bao nghìn tỉ đồng đã đổ vào các dự án, tiềm năng đất nông nghiệp không khai thác được…
Ông Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng phải nhìn nhận xem trình độ của cơ quan quản lý nhà nước yếu kém hoặc thiếu trách nhiệm khi cho quy hoạch ồ ạt các khu đô thị như vậy. Thực tế, nhu cầu nhà ở tại Hà Nội luôn cao, phải có chính sách thúc đẩy hạ tầng giao thông, người dân thấy đi lại thuận tiện sẽ không ngại ngần mua nhà ra ngoại thành. Từ đây, sẽ phát sinh các giao dịch, nâng thanh khoản, góp phần làm sống dậy các khu đô thị “ma”. Bên cạnh đó, cũng phải chuẩn bị được nguồn tài chính dồi dào để bơm cho cả khách và chủ đầu tư dự án nếu đáp ứng được yêu cầu giải ngân.

Lê Quân