01/01/2025

Không nên ép con chọn ngành học

Hầu như buổi tư vấn nào, những người tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên luôn nhận được những câu hỏi như: Có nên chọn ngành học theo bố mẹ? Ôn thi thế nào để đạt được điểm cao? Nếu không đậu ĐH thì phải làm gì?…

 

Không nên ép con chọn ngành học

 

Hầu như buổi tư vấn nào, những người tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên luôn nhận được những câu hỏi như: Có nên chọn ngành học theo bố mẹ? Ôn thi thế nào để đạt được điểm cao? Nếu không đậu ĐH thì phải làm gì?…





Các chuyên gia tư vấn học sinh cách chọn ngành nghề, chuẩn bị tinh thần tốt trước kỳ thi - Ảnh Đào Ngọc Thạch

 

Các chuyên gia tư vấn học sinh cách chọn ngành nghề, chuẩn bị tinh thần tốt trước kỳ thi – Ảnh Đào Ngọc Thạch


Điều đó cho thấy hàng triệu học sinh lớp 12 đang làm hồ sơ đăng ký dự thi chuẩn bị bước vào kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ đang chịu áp lực rất lớn khi chỉ có con đường là… trúng tuyển.
Cần bỏ suy nghĩ bằng mọi giá phải đậu ĐH
Tốt nghiệp THPT và đậu vào một trường ĐH mình mơ ước, là mục tiêu của hầu hết học sinh lớp 12 cũng như các bậc cha mẹ. Chính vì lẽ đó, các bậc phụ huynh đều kỳ vọng vào con em mình. Còn học sinh thì chịu rất nhiều áp lực để đạt được kỳ vọng của cha mẹ.
Thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hoà An, Uỷ viên T.Ư Hội Tâm lý học xã hội VN, nhìn nhận: “Vì có suy nghĩ phải đậu ĐH, nên kỳ thi sắp tới trở thành gánh nặng đè lên vai các em suốt thời gian này. Các em cần phải thay đổi về mặt tâm lý, thay vì nghĩ rằng bằng mọi giá phải đậu ĐH, thì hãy suy nghĩ mình cứ cố gắng hết khả năng có thể. ĐH không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Dù chỉ đậu CĐ hay TC, thì cứ nỗ lực hết mình, thành công sẽ vẫn đến”.
Đứng ở góc độ nhu cầu của thị trường lao động, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết: “Suy nghĩ đậu ĐH để oai với họ hàng, bà con hàng xóm là sai lầm. Hãy nhìn vào học lực thực sự của mình. Bạn học trung bình, nếu không đậu ĐH thì cứ đường hoàng chọn CĐ hay TC để học, như thế mới có khả năng theo đuổi đến cùng. Nếu học lực yếu mà học ĐH thì cũng khó theo kịp. Thực tế thị trường lao động nhiều năm qua cho thấy không ít sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, trong khi người học CĐ, TC ra dễ tìm việc làm với mức lương phù hợp và thành công với nghề”.
Cũng theo ông Tuấn, tại TP.HCM chỉ tiêu tuyển dụng trình độ ĐH ở nhiều doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 12 – 13%, trong khi trình độ CĐ và TC lên đến gần 40%.
Cha mẹ nên ủng hộ, động viên
Theo thạc sĩ Đào Lê Hoà An, cha mẹ, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp học sinh có được tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng đối mặt với kỳ thi để đạt được thành tích tốt nhất có thể.
“Muốn như vậy, phụ huynh cần tôn trọng và ủng hộ quyết định chọn ngành nghề, trường học, bậc học của con. Cha mẹ không nên ép con học quá nhiều. Cho dù có kỳ vọng con đỗ đạt cao, cũng không nên sáng học, tối học. Việc so sánh con mình với con nhà người ta, vô tình tạo sức ép không cần thiết lên con cái. Việc cần làm trong thời gian này là giúp con đảm bảo về chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn và chế độ học, ngủ, nghỉ, thư giãn hợp lý”, thạc sĩ Đào Lê Hoà An đưa ra lời khuyên.
Việc cha mẹ ép con chọn ngành học theo ý mình, hoặc do áp lực phải đậu ĐH mà chọn đại ngành học nào đó mà mình không yêu thích sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường. Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chia sẻ: “Đã từng có thí sinh định đăng ký ngành thú y, nhưng ba mẹ ép học ngành thực phẩm. Lúc này, các em sẽ làm gì? Hãy tự tin, bản lĩnh thưa với ba mẹ rằng: Con chọn ngành học con yêu thích thì con mới đủ tâm huyết để theo đuổi và trong tương lai con mới có thể thành công. Chọn ngành không phù hợp, ngành con không yêu thích, nếu con không bỏ học giữa chừng thì ngành học đó cũng sẽ bỏ con bất kỳ lúc nào”.
Tiến sĩ Lý cho rằng: “Việc nhắc nhở con đúng mực, động viên con đúng cách sẽ là liều thuốc để con cái có tinh thần tốt trước mùa thi. Nếu ép buộc, áp đặt con quá sức, chắc chắn sẽ nhận được sự đối phó từ phía con, và những mong muốn tích cực, những kỳ vọng sẽ phản tác dụng”.

Mỹ Quyên