Động đất tàn phá khu vực Thái Bình Dương
Chỉ hơn một ngày sau khi Nhật bị động đất tàn phá, Ecuador hứng phải đợt thiên tai tương tự với số lượng thương vong cao hơn.
Động đất tàn phá khu vực Thái Bình Dương
Ít nhất 233 người chết ở Ecuador
Chỉ hơn một ngày sau khi Nhật bị động đất tàn phá, Ecuador hứng phải đợt thiên tai tương tự với số lượng thương vong cao hơn.
Vào tối 16.4, giờ địa phương (sáng 17.4, giờ VN), một trận động đất mạnh tới 7,8 độ Richter xảy ra ở ngoài khơi bờ biển của Ecuador nằm ở phía Thái Bình Dương, khiến ít nhất 233 người chết và gần 600 người bị thương, theo AFP. Giới chức lo ngại số người chết có thể tăng lên sau khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được những khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, trong đó có điểm du lịch sát biển Pedernales và Cojimies.
“Nhiều ngôi làng đã bị phá huỷ hoàn toàn. Những gì xảy ra ở Pedernales là thảm họa”, thị trưởng Gabriel Alcivar của Pedernales nói trên đài phát thanh địa phương. “Nó như thể thế giới này sắp kết thúc. Có nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát và hoàn toàn tuyệt vọng”, bà Miriam Santana, một người dân địa phương, chưa hết bàng hoàng kể lại với AFP.
Trận động đất, với tâm chấn ở độ sâu 20 km, mạnh đến mức có thể được cảm nhận ở những khu vực cách xa mấy trăm cây số như ở thủ đô Quito và thành phố cảng Guayaquil. Nhiều khu vực thuộc Quito bị mất điện và dịch vụ điện thoại ngưng hoạt động trong nhiều giờ. Ở Guayaquil, một số toà nhà bị nứt hoặc sập một phần. Ngoài ra còn có một cây cầu bị sập, đè nát một chiếc xe hơi.
Nhân viên Chữ thập đỏ quốc tế đến sân bay Eloy Alfaro (Ecuador) tham gia cứu hộ nạn nhân động đất ở Ecuador, ngày 17.4.2016 – Ảnh: Reuters
|
“Thật khủng khiếp, tất cả chúng tôi đều sợ hãi và bây giờ vẫn còn ở ngoài đường vì lo sợ có thêm dư chấn”, nhân viên bảo vệ Fernando Garcia ở Guayaquil chia sẻ.
Theo Reuters, trận động đất kéo theo đến 55 đợt dư chấn và cảnh báo sóng thần cũng được phát đi trước khi được dỡ bỏ. Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và rút ngắn chuyến thăm Vatican để chỉ đạo công tác cứu hộ. Ông Correa nhấn mạnh: “Mọi thứ có thể được xây dựng lại nhưng mạng người đã mất thì không thể được phục hồi… Vật chất ít quan trọng nhất, điều cơ bản là bảo đảm mạng sống con người”.
CNN dẫn lời Phó tổng thống Jorge Glas cho hay đã triển khai 10.000 binh sĩ và 3.500 cảnh sát đến hỗ trợ nạn nhân ở vùng động đất. Đây là trận động đất gây chết chóc nhiều nhất ở Ecuador kể từ tháng 3.1987, khi trận động đất mạnh 7,2 độ Richter cướp đi mạng sống của 1.000 người.
Nhật chạy đua cứu người
Ở phía bên kia Thái Bình Dương, lực lượng cứu hộ Nhật Bản cũng đang nỗ lực tìm kiếm nhiều người bị cho là còn mắc kẹt dưới đống đổ nát sau 2 trận động đất 6,5 và 7,3 độ Richter vào tối 14.4 và rạng sáng 16.4 tại tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu thuộc tây nam nước này. Trong đó, tại làng Minamiaso, nơi bị ảnh hưởng nặng, vẫn còn 11 người “mất liên lạc”, sau khi lực lượng cứu hộ kéo được 11 sinh viên ra khỏi tòa nhà đổ sập.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm qua 17.4 tuyên bố sẽ nâng số binh sĩ tới vùng động đất lên 25.000 người. Tokyo cũng chấp nhận lời đề nghị của Mỹ hỗ trợ vận chuyển đường hàng không phục vụ công tác cứu hộ, theo Reuters.
Tính đến hôm qua 17.4, số nạn nhân tử vong do động đất ở Nhật Bản là 41 người trong khi hơn 1.000 người vẫn còn nằm viện, trong đó có trên 190 ca bị thương nặng. Động đất còn khiến 196.000 người phải sơ tán, trong đó có 90.000 ở Kumamoto và gần 4.500 người ở tỉnh lân cận Oita, theo tờMainichi Shimbun. Đến chiều qua còn 180.000 người ở lại tại các nơi lánh nạn, nhưng những cơ sở này đã quá tải, buộc giới chức mở cửa các trường học để có thể tiếp nhận thêm nạn nhân. Trong khi đó, có thêm khoảng 240.000 người được khuyến cáo sơ tán vì có nguy cơ lở đất, lũ lụt.
Tìm kiếm người mất tích trong những căn nhà đổ nát vì động đất ở Mashiki, tỉnh Kumamoto (Nhật Bản) ngày 17.4.2016 – Ảnh: AFP
|
Tính từ trận động đất đầu tiên vào ngày 14.4 đã có 436 đợt dư chấn xảy ra ở Nhật. Cơ quan Khí tượng Nhật cảnh báo khu vực bị ảnh hưởng vẫn có nguy cơ hứng thêm dư chấn, theo NHK. Mức độ tàn phá của động đất nghiêm trọng đến mức nhiều người sống sót không biết bắt đầu việc dọn dẹp từ đâu.
“Tôi không thể tưởng tượng khi nào có thể bắt đầu quá trình khôi phục. Nhà tôi bây giờ là một mớ lộn xộn, tôi không biết phải làm gì kế tiếp. Và tất cả những người ở đây đều bị ảnh hưởng”, một người sống sót chia sẻ với Reuters.
Các sinh viên Việt đã rời nơi lánh nạn
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên chiều 17.4, học viên cao học Nguyễn Thảo Linh tại Đại học Kumamoto cho hay các sinh viên người Việt cùng nhiều người khác đã rời nơi lánh nạn và trở về nhà trọ. Linh cho biết thêm: “Việc dọn phòng khá vất vả nhưng còn dư chấn chưa biết thế nào nên cứ dọn tạm”.
Cùng ngày, anh Trần Duy Khang, Phó chủ tịch Hội Thanh niên và sinh viên VN tại Đại học Ritsumeikan APU (VYSA APU) ở thành phố Beppu thuộc tỉnh Oita, cho Thanh Niên hay những người lánh nạn ở Beppu cũng đã về nhà riêng nhưng vẫn được nhắc nhở nếu có báo động thì lập tức di chuyển ra khu vực sơ tán. “Ban đầu tụi mình có chút lo lắng nhưng được sự hướng dẫn và giúp đỡ nhiệt tình của các nhân viên trung tâm sơ tán, tụi mình cũng bớt lo lắng”, anh Khang chia sẻ với Thanh Niên.
Cũng theo anh Khang, riêng ở Beppu có 500 sinh viên, 4 giáo sư và 3 gia đình người Việt đang học tập và sinh sống. Hiện nay, VYSA APU cùng Hội Thanh niên và sinh viên VN tại Nhật Bản (VYSA) ở Tokyo và VYSA Fukuoka tại tỉnh Fukuoka, giáp với Kumamoto, đang kêu gọi quyên góp ủng hộ nạn nhân động đất.
|
Văn Khoa