30/12/2024

Trồng mãng cầu trên đất phèn mặn

Anh Trương Chí Công (37 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Quới, TX.Ngã Năm, Sóc Trăng) có thu nhập ổn định trên vùng đất phèn mặn nhờ chuyển đổi từ ruộng lúa sang cây mãng cầu gai (mãng cầu xiêm).

 

Tự tạo cơ hội: Trồng mãng cầu trên đất phèn mặn

 

Anh Trương Chí Công (37 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Hoà, xã Vĩnh Quới, TX.Ngã Năm, Sóc Trăng) có thu nhập ổn định trên vùng đất phèn mặn nhờ chuyển đổi từ ruộng lúa sang cây mãng cầu gai (mãng cầu xiêm).

 

 

 

 

Anh Công bên vườn mãng cầu gai của mình – Ảnh: Hoàng Vân

 

Anh Công cho biết trước đây anh làm ruộng nhưng không lời nhiều, năm nào lúa được mùa, được giá mỗi công lời khoảng vài triệu đồng. Vì vậy, dù rất cần cù nhưng cuộc sống gia đình anh vẫn thiếu trước hụt sau. Hơn nữa, vùng đất Vĩnh Quới bị nhiễm phèn, mặn khá nặng, vào mùa khô lại thiếu nước ngọt trầm trọng nên trồng lúa đạt năng suất không cao.
Năm 2012, tình cờ đọc báo thấy cây mãng cầu gai dễ trồng lại thích hợp với vùng đất phèn mặn nên anh quyết định thuê người lên bờ bao chuyển một công đất trồng lúa sang trồng 100 gốc mãng cầu gai. Sau 2 năm chăm sóc, mãng cầu bắt đầu trổ bông, ra trái. “Thật bất ngờ, chỉ 100 gốc mãng cầu mà mỗi tháng tôi thu hoạch được khoảng 500 kg trái, thương lái đến tận vườn mua từ 20.000 – 22.000 đồng/kg. Do hiệu quả kinh tế quá cao nên tôi quyết định đầu tư, mở rộng diện tích trồng mãng cầu lên 6 công đất”, anh Công nói. Đến nay, anh đã trồng được trên 600 gốc mãng cầu gai, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 3 tấn trái.
Theo anh Công, ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, mãng cầu gai còn có lợi thế thích nghi rất tốt với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Đặc biệt, trong lúc nắng nóng gay gắt, mặn xâm nhập gây thiệt hại nặng đến diện tích lúa của bà con xung quanh thì vườn mãng cầu gai của anh Công vẫn không bị ảnh hưởng, luôn xanh tốt, trổ bông, ra trái rất sai. Anh cho biết hiện trong vườn của anh trồng 2 loại mãng cầu là loại gieo hạt và ghép từ cây bình bát.
Giá cả có chênh lệch bởi mãng cầu gieo hạt cho trái tròn, đẹp hơn, người tiêu dùng chuộng hơn. Còn mãng cầu ghép từ cây bình bát giá thấp hơn một chút nhưng vẫn lời nhiều.
Ưu điểm của mãng cầu ghép bình bát thì nước ngập cũng không chết, nắng hạn thì lâu lâu tưới nước một lần, còn nếu nước bị nhiễm mặn cũng không sợ chết vì gốc là bình bát, vốn là loại cây chịu được độ mặn cao. Đầu ra trái mãng cầu gai khá rộng và ổn định, thương lái vào tận vườn thu mua. Vào lúc hút hàng, mãng cầu có giá lên đến gần 30.000 đồng/kg, còn giá thấp nhất cũng từ 15.000 – 16.000 đồng/kg.
Theo kinh nghiệm của anh Công, mãng cầu gai rất dễ trồng, một cây cho nhiều trái và ra trái quanh năm. Để mãng cầu cho năng suất cao, người trồng phải nắm vững kỹ thuật, từ chọn giống tới tưới phân và xử lý cắt tỉa nhánh trong thời gian sinh trưởng.
Cây giống người dân cần chọn những gốc bình bát mọc ven các tuyến kênh cao khoảng 1 m bứng về trồng trên liếp và tháp (ghép) mắt mãng cầu gai vào. Hoặc có thể gieo hạt bình bát trên liếp để ghép, khoảng cách mỗi gốc mãng cầu từ 3,5 – 4 m. Khi cây ra hoa, hằng ngày từ 8 – 10 giờ phải thụ phấn vì để thụ phấn tự nhiên sẽ kém hiệu quả. Để trái to từ 1,5 – 2,5 kg, kích cỡ đồng đều cần phải thường xuyên vệ sinh vườn không để cỏ mọc, sâu bệnh trú ẩn làm giảm sản lượng.
Từ thành công của anh Công, hiện có nhiều nhà vườn tại địa phương mạnh dạn phá vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng mãng cầu gai. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX.Ngã Năm, hiện diện tích trồng mãng cầu gai của địa phương khoảng 50 ha, trong đó riêng tại xã Vĩnh Quới có khoảng 40 ha. Ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Quới, cho biết đây là mô hình hữu ích để bà con giải quyết bài toán chọn lựa cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và làm giàu trên vùng đất phèn, mặn.
 

Hoàng Vân, Trần Thanh Phong