Tài liệu Panama: Những bí mật ở quần đảo Trinh Nữ
Nhiều nhân vật đã có công ty mở tại quần đảo Virgin thuộc Anh như Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, thư ký riêng của quốc vương Morocco Mounir Majidi hay gia đình Hennessy ở Pháp.
“TÀI LIỆU PANAMA” – ĐỊA CHẤN THẾ GIỚI – KỲ 7:
Tài liệu Panama: Những bí mật ở quần đảo Trinh Nữ
Nhiều nhân vật đã có công ty mở tại quần đảo Virgin thuộc Anh như Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, thư ký riêng của quốc vương Morocco Mounir Majidi hay gia đình Hennessy ở Pháp.
Tài liệu Panama hé lộ thông tin về những nhân vật nổi tiếng trốn thuế trên thế giới – Ảnh: ICIJ |
Vì sao quần đảo này có sức hấp dẫn đến vậy?
Trong chuyến du hành lần thứ hai vào năm 1493, nhà hàng hải Christopher Columbus đã tìm thấy quần đảo Virgin và đặt tên cho quần đảo để tưởng nhớ thánh nữ Ursula – người đã vượt dãy núi Alps cùng với 11.000 trinh nữ (tiếng Anh là “virgin”) và cuối cùng đã bị người Hung Nô tàn sát.
Đã có thời người Tây Ban Nha bỏ bê quần đảo Virgin nên nơi đây trở thành sào huyệt của bọn hải tặc. Đến năm 1648, người Hà Lan chiếm quần đảo, kế đến là người Anh vào năm 1672. Quần đảo Virgin thuộc Anh là lãnh thổ hải ngoại của Anh ở vùng biển Caribê. Dân số vào khoảng 28.000 người, trong đó khoảng 23.500 cư trú tại đảo lớn nhất Tortola, nơi đặt thủ phủ Road Town.
Quá nhiều điều kiện ưu đãi
Quần đảo Virgin thuộc Anh rộng chỉ 153km2 (với khoảng 50 đảo, trong đó 16 đảo có người cư trú), nhưng từ lâu đã được xem là một trong những thiên đường thuế trên thế giới.
Trang web fiduworld.com đã quảng bá ai muốn đầu tư vào Virgin thuộc Anh sẽ được hưởng nhiều lợi ích như sau: không thuế doanh nghiệp, không thuế thu nhập, không kiểm soát ngoại tệ, không luật di sản, không vốn tối thiểu, không thuế giá trị gia tăng, có thể sử dụng cổ phiếu vô danh, có thể là cổ đông duy nhất, bí mật ngân hàng được bảo vệ, không yêu cầu về kế toán…
Theo trang web petite-entreprise.net, nhà đầu tư muốn lập công ty tại Virgin thuộc Anh chỉ mất từ 1-5 ngày với vốn tối thiểu là 0 euro. Pháp luật áp dụng tại quần đảo là luật tục (luật theo phong tục). Để bảo vệ tính chất bí mật, danh tính giám đốc công ty hay các cổ đông không được thể hiện trong sổ đăng ký doanh nghiệp.
Tháng 6 năm ngoái, Uỷ ban châu Âu đã công bố danh sách 30 thiên đường thuế, trong đó có quần đảo Virgin thuộc Anh. Uỷ ban châu Âu lập ra danh sách này bằng cách xem xét danh sách đen do 28 nước thành viên Liên minh châu Âu gửi lên. Phần lớn các thiên đường thuế đều ở quần đảo Antilles hay vùng biển Caribê như quần đảo Virgin thuộc Anh.
Nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher từng khuyến khích phát triển các công ty tài chính ngoài biên giới như mở tại quần đảo Virgin thuộc Anh. Đến khi xảy ra khủng hoảng tài chính, chính quyền London mới doạ sẽ phạt các lãnh thổ không minh bạch tài chính. Điều này cũng dễ hiểu bởi đến nay không có định nghĩa pháp lý nào về thiên đường thuế.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra bốn tiêu chí quan trọng để nhận diện thiên đường thuế: 1. Thuế suất bằng không hay không đáng kể; 2. Thiếu hợp tác trong trao đổi thông tin với các nước khác; 3. Kém minh bạch về pháp luật hay hành chính và 4. Bảo vệ các công ty bình phong có hoạt động ảo.
Đối chiếu bốn tiêu chí này thì quần đảo Virgin thuộc Anh đúng là thiên đường thuế. Thiên đường thuế cung cấp đủ mọi dịch vụ tài chính ngoài biên giới của cá nhân hay doanh nghiệp, tức sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi về ngân hàng cho các cá nhân không phải người địa phương.
Một đặc điểm nữa của quần đảo Virgin thuộc Anh là lợi ích tài chính và quyền lực chính trị thường bọc lót cho nhau. Tại thiên đường thuế không có hoặc hiếm có tình trạng đối đầu giữa chính trị và lợi ích tài chính.
Nhiều cách nhìn nhận
Theo báo Le Monde, thật ra danh xưng “thiên đường thuế” thay đổi tuỳ theo tiêu chí đánh giá và phân loại. Trên cơ sở bốn tiêu chí nêu trên của OECD, hai chuyên gia Pháp Esther Jeffers và Dominique Plihon đánh giá có hơn 100 thiên đường thuế trên thế giới.
Trong khi đó, OECD chia thiên đường thuế làm ba loại: “loại đen” là các nước không hợp tác về thuế, “loại xám” là các nước cam kết tuân thủ luật nhưng không thực hiện hoặc tuân thủ cho có, cuối cùng “loại trắng” là các nước nỗ lực tuân thủ và có pháp luật phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế của OECD.
Cách xếp loại này được thực hiện theo tinh thần hội nghị G20 ở London hồi tháng 8-2009, tuy nhiên vẫn bị phản đối. Tổ chức Mạng lưới công bằng thuế ở Anh cho rằng cách xếp loại của OECD không hiệu quả và các yêu cầu của OECD không đầy đủ. Tổ chức này đã căn cứ mức độ minh bạch để xếp hạng 10 thiên đường thuế, trong đó không có… quần đảo Virgin thuộc Anh.
Báo Le Figaro ghi nhận danh sách thiên đường thuế dễ được chấp nhận nhất là danh sách công bố năm 2000 của Hội đồng Ổn định tài chính (tổ chức quốc tế có trụ sở ở Thuỵ Sĩ). Danh sách này gồm 42 nước được chia làm ba nhóm tuỳ theo mức độ minh bạch và hợp tác. Quần đảo Virgin thuộc Anh ở nhóm ba là nhóm tệ nhất.
Một số thiên đường thuế thu hút các công ty đa quốc gia bằng thuế doanh nghiệp hết sức cạnh tranh. Một số khác áp dụng quy chế hoạt động dễ dàng nên rất dễ lập công ty đầu tư vốn. Cũng có thiên đường thuế bảo vệ bí mật ngân hàng rất chặt chẽ, bởi thế cá nhân và doanh nghiệp muốn trốn thuế ở nước họ thích tìm đến đây.
Báo Le Monde nhận định sở dĩ các thiên đường thuế như quần đảo Virgin thuộc Anh bị soi mói vì phần lớn công ty hoạt động ở đây đã biến tướng thành công ty bình phong nhằm mục đích che giấu tài sản dưới tên giả. Lý do vì pháp luật tại đây không minh bạch và chặt chẽ nên thường trở thành chỗ đầu tư của bọn tội phạm, từ những kẻ muốn rửa tiền bẩn do tham nhũng cho đến bọn buôn ma tuý và thậm chí bọn khủng bố.
Quỹ Tiền tệ quốc tế đánh giá gần 50% giao dịch quốc tế đi qua các thiên đường thuế như quần đảo Virgin thuộc Anh, từ đó có thể hình dung quy mô trốn thuế lớn cỡ nào.
Những thành phần thường sử dụng thiên đường thuế là các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn muốn mở chi nhánh và các đại gia. Tại các thiên đường thuế hiện có 4.000 ngân hàng, 2/3 quỹ đầu tư và 2 triệu công ty bình phong hoạt động. Các tài khoản tại đây có khoảng 7.000 tỉ USD, tức hơn ba lần GDP nước Pháp.
Cũng như một số lần rò rỉ tài liệu liên quan trốn thuế vài năm trước đây, dư luận cực kỳ căm phẫn với những hoạt động né tránh thuế khoá của những người giàu có. Nhưng có vẻ vụ rò rỉ “Tài liệu Panama” lần này là nghiêm trọng hơn cả…
Lợi dụng cả tên tuổi Hội Chữ thập đỏ quốc tế Báo Le Monde cho biết theo “Tài liệu Panama”, Công ty luật Mossack Fonseca đã lợi dụng uy tín của Hội Chữ thập đỏ quốc tế (trụ sở tại Thuỵ Sĩ) để che giấu tiền bẩn. Công ty luật của Panama đã cho khách hàng sử dụng hai quỹ Brotherhood Foundation và Faith Foundation để sở hữu cổ phần trong các công ty bình phong. Để che giấu danh tính khách hàng, công ty đã dám dùng tên Hội Chữ thập đỏ quốc tế là người thụ hưởng hai quỹ này trong khi ban quản lý cơ quan nhân đạo lừng danh này hoàn toàn không hay biết. Khoảng 500 công ty đã sử dụng một trong hai quỹ trên. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quốc tế Peter Maurer khẳng định: “Chúng tôi không liên quan đến Mossack Fonseca và không bao giờ nhận tiền từ phía họ”. Ông đánh giá nguy cơ rõ ràng quá lớn nếu giả dụ tên tuổi của Hội Chữ thập đỏ quốc tế dính tới công ty bình phong của một bên tham chiến nào đó. Ông phàn nàn: “Tên của Hội Chữ thập đỏ quốc tế cần phải được bảo vệ đặc biệt bởi chúng tôi làm việc trong vùng chiến tranh và xung đột giữa nhiều bên. An toàn của các nhân viên chúng tôi phải được bảo đảm”. “Tài liệu Panama” cho thấy chiêu này thường được sử dụng để che giấu tài sản bị truy tìm hay tiền có nguồn gốc tội phạm. |