05/01/2025

Sẽ dẹp hết nguồn cung chất cấm

Từ nay đến hết quý 2-2016, ngành nông nghiệp sẽ ngăn chặn hết các loại vật tư nông nghiệp nhập lậu, gồm kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các chất cấm khác

 

Sẽ dẹp hết nguồn cung chất cấm

 

 

Từ nay đến hết quý 2-2016, ngành nông nghiệp sẽ ngăn chặn hết các loại vật tư nông nghiệp nhập lậu, gồm kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các chất cấm khác

 

 

 

 

Sẽ dẹp hết nguồn cung chất cấm
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản Quảng Trị niêm phong số măng có “ngậm” chất vàng ô tại chợ Đông Hà – Ảnh: P.A.

 

 

Sẽ dẹp hết nguồn cung chất cấm - là thông tin được Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đưa ra tại “Hội nghị tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp” tổ chức ngày 13-4 ở TP.HCM.

Ông Vũ Văn Tám cho biết từ nay đến hết quý 2-2016, ngành nông nghiệp sẽ ngăn chặn hết các loại vật tư nông nghiệp nhập lậu, gồm kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và các chất cấm khác.

Trước mắt, các cơ quan quản lý nông nghiệp phải tập trung xử lý cho được tình trạng sử dụng chất salbutamol trong chăn nuôi và chất vàng ô trong thực phẩm.

Từ đó, đến cuối năm nay ngành nông nghiệp sẽ dẹp hết các nguồn của thực phẩm bẩn gồm chất cấm trong chăn nuôi và việc sử dụng kháng sinh không đúng mục đích.

Ông Tám cũng cho biết các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đột xuất thay vì theo kế hoạch và có báo trước vốn không hiệu quả. Đồng thời cũng sẽ tiêu huỷ đàn heo sử dụng chất cấm, kết hợp ngành công an xử lý các hành vi vi phạm theo Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-7 tới.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh kết nối các cơ sở sản xuất được chứng nhận các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đến người tiêu dùng.

Phẩm màu nhuộm ruốc ở Phú Yên có độc

Chiều 13-4, ông Đặng Phúc – chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên) – cho biết đã nhận được kết quả kiểm nghiệm ba mẫu hoá chất mua ở các tiệm tạp hoá tại phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu. Đây là loại hoá chất người ta dùng để nhuộm ruốc cho đẹp (Tuổi Trẻngày 24-3).

Kết quả cho thấy mẫu bột màu đỏ gạch Sunset yellow FCF (E110), Ponceau 4R (E124) và mẫu bột màu đỏ đô Ponceau 4R (E124) là hai loại phẩm màu nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm có chức năng làm phẩm màu được phép sử dụng.

Riêng mẫu bột màu đỏ cánh sen Rhodamine B là loại phẩm màu không được phép sử dụng, do là hợp chất hoá học có thể gây độc cấp và mãn tính. Chất này qua đường tiêu hoá gây nôn mửa, có hại cho gan, thận, hệ sinh sản, hệ thần kinh và có thể gây ung thư.

Trong khi đó, cùng ngày, đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa đề xuất UBND huyện xử phạt 8,5 triệu đồng đối với bà Huỳnh Kim Liên (ngụ P.10, Q.Tân Bình) về các hành vi vi phạm kinh doanh sản phẩm động vật không có giấy kiểm dịch, không đăng ký kinh doanh.

Trước đó, Trạm thú y Hóc Môn phối hợp với các đơn vị kiểm tra cơ sở do bà Huỳnh Kim Liên làm đại diện, phát hiện một lượng lớn thịt heo, xương heo, giò heo, mỡ heo khoảng 4 tấn đều bị biến chất, bốc mùi hôi thối. Bà Liên không xuất trình được giấy chứng nhận kiểm dịch và các hồ sơ liên quan đến hoạt động kinh doanh, bảo quản sản phẩm động vật và xin tiêu huỷ toàn bộ lô hàng.

Sẽ dẹp hết nguồn cung chất cấm
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản Quảng Trị niêm phong số măng có “ngậm” chất vàng ô tại chợ Đông Hà sáng 13-4 – Ảnh: P.A.

Dân rối bời không biết ăn cách gì

Cùng ngày, hội nghị bàn các vấn đề kinh tế – xã hội quý 1 của Thành uỷ Đà Nẵng nổi lên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Bí thư Thành uỷ Nguyễn Xuân Anh nói phải thành lập lại Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì theo ông, các ban trước đó làm lớt phớt, làm cho có.

Theo ông, “mỗi năm nhu cầu của TP Đà Nẵng là 140.000 tấn rau củ quả nhưng chỉ sản xuất được 9.000 tấn, còn lại là nhập khẩu hết, trong đó có một lượng lớn từ Trung Quốc”. Con số ông nêu ra: năm 2015 Đà Nẵng phát hiện 92 cơ sở sản xuất kinh doanh rau củ trên địa bàn vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Xuân Anh đề ra giải pháp mạnh (theo ông nói chỉ mới là ý tưởng cá nhân – PV): đề nghị nếu tiểu thương nào, hộ kinh doanh nào vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thì cấm không cho buôn bán kinh doanh tại tất cả các chợ trên địa bàn TP; nếu cố tình bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thì phải xử lý.

“Phải nghiên cứu để người dân mình được ăn uống đảm bảo chất lượng. Lâu nay người ta rối bời không biết ăn gì. Nhiều người gọi cho tôi bảo thôi đừng ăn trái cây nữa” – ông nói.

Quảng Trị: măng “ngậm” 
vàng ô ở nhiều chợ lớn

Ngày 13-4, ông Phan Hữu Thặng, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản Quảng Trị, cho biết đơn vị này vừa có kết quả xét nghiệm 7 mẫu măng chua lấy từ các chợ Đông Hà, chợ Gio Linh, chợ thị xã Quảng Trị…

Kết quả: 5/7 mẫu này có chất vàng ô – một chất có thể gây ung thư, thường được dùng trong công nghiệp sơn, dệt nhuộm. Cơ quan chuyên môn đã tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ số măng này.

Trong đó nhiều nhất là của bà Trần Thị Xuân (chợ Đông Hà). Bà Xuân nói rằng bà không bỏ chất gì vào măng cả mà chỉ mua số măng này từ đại lý Hương Tuấn ở thị trấn Khe Sanh (H.Hướng Hoá, Quảng Trị). Cùng ngày, ông Thặng cho biết đã có công văn gửi đến tất cả các ban quản lý chợ trên toàn tỉnh yêu cầu tiểu thương không mua bán loại măng có ngâm chất vàng ô này.

Nghệ An: 5 tấn măng có giòi lúc nhúc

Sáng 13-4, đội cảnh sát môi trường Công an TP Vinh (Nghệ An) đã niêm phong hơn 5 tấn măng tại một cơ sở chế biến kinh doanh măng vì măng bốc mùi hôi thối và có giòi lúc nhúc. Số măng tươi này của hộ ông Dương Văn Lợi, tại khối Tân Thành 2, P.Lê Mao.

Trước đó, Công an Nghệ An cũng đã niêm phong 25 tấn măng bốc mùi hôi thối của hai cơ sở chế biến măng ở P.Đội Cung khi hai cơ sở này đang ngâm măng với nước có pha chất vàng ô.

(QUỐC NAM – DOÃN HOÀ)

TRẦN MẠNH – KIM THUỶ – HOÀNG LỘC – HỮU KHÁ