Chính sách tuyển thẳng vào ĐH năm nay có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc rộng cửa tuyển thẳng thí sinh giỏi vào các trường ĐH lớn, thì ngược lại ở những ngành có điểm chuẩn cao lại là một cuộc cạnh tranh của các học sinh giỏi.
Nhiều thay đổi về tuyển thẳng vào đại học
Chính sách tuyển thẳng vào ĐH năm nay có nhiều thay đổi. Bên cạnh việc rộng cửa tuyển thẳng thí sinh giỏi vào các trường ĐH lớn, thì ngược lại ở những ngành có điểm chuẩn cao lại là một cuộc cạnh tranh của các học sinh giỏi.
Được nộp hồ sơ tối đa 2 trường
Theo PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), quy định tuyển thẳng từ năm 2014 trở về trước không cho phép các trường xác định chỉ tiêu tuyển thẳng từng ngành, dẫn đến việc tuyển sinh ngành bác sĩ đa khoa một số trường bị áp lực rất lớn. Tổng chỉ tiêu ngành này chỉ khoảng trên dưới 400 nhưng thí sinh (TS) tuyển thẳng đủ điều kiện theo quy chế nộp hồ sơ đăng ký trên 100 người, dẫn đến không ít TS giỏi có điểm thi ở mức 27 – 28 vẫn không trúng tuyển. Do vậy, việc giới hạn chỉ tiêu tuyển thẳng từng ngành sẽ khiến có những TS thuộc diện tuyển thẳng theo quy định nhưng vẫn bị loại nếu số TS đăng ký quá nhiều. Điều này bắt buộc TS phải có sự cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng ngành và trường để nộp hồ sơ tuyển thẳng.
Từ năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép các trường căn cứ vào tình hình tuyển sinh cụ thể để xác định chỉ tiêu tuyển thẳng cho từng ngành hoặc chung cho tất cả các ngành miễn tổng chỉ tiêu không thấp hơn số lượng TS tuyển thẳng năm trước đó. Theo ông Nghĩa, năm nay một số trường ĐH sẽ thực hiện tuyển thẳng theo cách này.
Cũng theo PGS-TS Trần Văn Nghĩa, điểm mới quan trọng trong quy định tuyển thẳng năm nay là mỗi TS được nộp hồ sơ tuyển thẳng vào tối đa 2 trường (thay vì chỉ được nộp vào một trường như các năm trước đây). Sau khi trường công bố kết quả, TS mới nộp các giấy chứng nhận theo quy định vào trường có nguyện vọng muốn nhập học, TS không nhập học sau ngày 10.8 được coi như từ chối nhập học.
Mở rộng tuyển thẳng
Nộp hồ sơ trước ngày 20.5
Theo quy định của Bộ, TS nộp hồ sơ đăng ký tuyển thẳng về sở GD-ĐT trước ngày 20.5. Các TS này vẫn đăng ký dự thi THPT quốc gia bình thường, khi có kết quả thi mới nộp hồ sơ ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ theo thời gian đăng ký xét tuyển của Bộ. Trước ngày 5.8, các trường sẽ tổ chức xét tuyển thẳng và gửi kết quả tuyển thẳng về sở để thông báo cho TS. Lệ phí tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thẳng là 30.000 đồng/hồ sơ.
Quy định năm nay cũng cho phép các trường tuyển thẳng các ngành mới (ngoài danh mục quy định Bộ công bố). Do vậy, rất nhiều trường ĐH lớn đã mở rộng việc tuyển thẳng nhằm thu hút TS giỏi.
Lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố chính sách tuyển thẳng dành cho các TS giỏi ngoại ngữ. Theo đó, TS được xét tuyển thẳng phải có đủ 3 tiêu chí sau: tốt nghiệp THPT; đạt điểm IELTS quốc tế từ 5.5 hoặc TOEFL iBT từ 61 trở lên; điểm trung bình các năm THPT của các môn học theo tổ hợp xét tuyển hoặc điểm trung bình 3 môn thi theo tổ hợp xét tuyển của ngành đăng ký dự tuyển từ 6,5 trở lên. Theo đó, các ngành tâm lý học, tâm lý giáo dục, công tác xã hội và quốc tế học xét TS từ trên xuống theo điểm IELTS, TOEFL iBT cho đến khi đủ chỉ tiêu. Còn các ngành ngôn ngữ (Nhật, Nga – Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc) lấy TS từ trên xuống theo điểm chứng chỉ ngoại ngữ chuyên ngành, sau đó mới xét đến điểm IELTS, TOEFL iBT cho đến khi đủ chỉ tiêu.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết mỗi ngành sẽ dành tối đa 20% chỉ tiêu cho việc xét tuyển thẳng. Trường hợp TS đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, trường sẽ xét TS điểm từ cao xuống thấp. Ngược lại, nếu hồ sơ đăng ký không nhiều, TS chỉ cần đạt điều kiện tối thiểu này sẽ được tuyển thẳng vào trường.
Lý giải điểm mới này, PGS-TS Hồng cho rằng một số ngành ngoại ngữ khác đầu vào vẫn phải tuyển TS có năng lực tiếng Anh, do vậy trường muốn bằng cách này để tuyển được TS giỏi ngoại ngữ chuyên ngành ngay từ đầu vào. Các ngành xã hội còn lại, việc tuyển thẳng TS giỏi tiếng Anh nhằm phục vụ định hướng đẩy mạnh chương trình tăng cường tiếng Anh trong dạy và học chính khóa.
Sau nhiều năm không tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm nay dự kiến thực hiện ưu tiên xét tuyển vào các ngành năng khiếu. Theo đó, TS đoạt giải nhất kỳ thi HS giỏi quốc gia hoặc giải quốc tế môn văn hoặc toán, muốn xét tuyển vào ngành năng khiếu của trường có thể nộp đơn đăng ký. TS này phải dự thi môn vẽ đạt tối thiểu 5 điểm. Theo đại diện nhà trường, căn cứ trên hồ sơ nộp vào cụ thể, hội đồng tuyển sinh trường mới quyết định xét trúng tuyển hay không.
Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay cũng mở rộng tuyển thẳng học sinh giỏi 82 trường THPT chuyên và năng khiếu trong toàn quốc (năm ngoái chỉ thí điểm tuyển thẳng 5 trường THPT xuất sắc nhất cả nước). Cụ thể, HS các trường này phải tốt nghiệp đúng năm 2016; đạt danh hiệu học sinh giỏi 3 năm THPT hoặc là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; hạnh kiểm tốt; xét trúng tuyển theo tổng điểm 3 năm THPT các môn theo tổ hợp xét tuyển. Ngoài ra, khi nộp hồ sơ đăng ký, TS còn phải nộp một bài luận viết tay phân tích động cơ học tập kèm thư giới thiệu của giáo viên nơi TS học lớp 12. Điểm lưu ý, dù tuyển thẳng theo đối tượng nào thì học sinh đăng ký vào ĐH này trước hết phải đạt điều kiện sơ tuyển điểm trung bình 3 năm học THPT từ 6,5 trở lên.