02/11/2024

Cần giảm các dự án FDI của Trung Quốc

Ba tháng đầu năm 2016, có tới 51 dự án đầu tư của Trung Quốc, tuy nhiên mỗi dự án vốn đầu tư trung bình chỉ xấp xỉ 3 triệu USD.

 

Cần giảm các dự án FDI của Trung Quốc

Ba tháng đầu năm 2016, có tới 51 dự án đầu tư của Trung Quốc, tuy nhiên mỗi dự án vốn đầu tư trung bình chỉ xấp xỉ 3 triệu USD. 

“Tiếp tục tăng cường các chính sách thu hút FDI. Tuy nhiên trong thời gian tới, cần lưu ý đến việc nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đặc biệt chú trọng các dự án FDI có quy mô vốn lớn, các nhà đầu tư công nghệ gốc” – đó là một nội dung khuyến nghị trong các giải pháp nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng được nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Trường ĐH Kinh tế quốc dân đề xuất trong khuôn khổ cuộc toạ đàm khoa học được tổ chức tại Hà Nội sáng 14-4.

Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS.TS Ngô Thắng Lợi thông tin: trong ba tháng đầu năm 2016, có tới 51 dự án đầu tư của Trung Quốc (chỉ đứng sau Hàn Quốc và Nhật Bản), tuy nhiên tổng vốn đầu tư của số dự án này chỉ có 151,2 triệu USD, mỗi dự án vốn đầu tư trung bình chỉ xấp xỉ 3 triệu USD, quy mô rất nhỏ, công nghệ thấp, đầu tư vào các lĩnh vực mà khả năng công nghệ trong nước của VN có thể làm được.

“Vì thế trong thời gian tới cần giảm và thật sự nghiêm khắc đối với các dự án FDI của Trung Quốc vào Việt Nam” – GS.TS Lợi và cộng sự khuyến nghị.

GS.TS Lợi chia sẻ thông tin: trong quý 1-2016, có hơn 20.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, số doanh nghiệp “chết lâm sàng” này tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2015.

Tăng trưởng kinh tế quý 1-2016 sụt giảm, số hộ thiếu đói tăng thêm 10,7% so với cùng kỳ năm trước, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng âm và ngành công nghiệp giảm sút so với cùng kỳ năm 2015…

“Một trong những nguyên nhân khiến kinh tế tăng trưởng giảm sút là do điểm “tựa vai” của nền kinh tế là khu vực FDI có dấu hiệu kém khởi sắc” – ông Lợi đánh giá.

Trong số những “điểm nghẽn quan trọng của nền kinh tế cần được tập trung giải quyết” cho năm 2016 và các năm tiếp theo, PGS.TS Tô Trung Thành (khoa kinh tế học Trường ĐH Kinh tế quốc dân) cũng đề xuất cần đổi mới chính sách thu hút FDI theo hướng thay đổi cơ cấu sản xuất của khu vực FDI, cần thu hút vốn FDI vào những ngành có giá trị gia tăng cao và vươn lên vị trí cao hơn trong mạng sản xuất toàn cầu.