07/01/2025

Bàn giải pháp kéo giảm tội phạm

Đó là nội dung quan trọng được đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giảm tội phạm trên địa bàn TP.HCM” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 14-4.

 

Bàn giải pháp kéo giảm tội phạm

 

 

 Đó là nội dung quan trọng được đưa ra tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giải pháp giảm tội phạm trên địa bàn TP.HCM” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 14-4.

 

 

 

 

 

Bàn giải pháp kéo giảm tội phạm
Công an P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM theo dõi camera giám sát an ninh trên địa bàn phường – Ảnh: H.Khoa

Tham dự tọa đàm có đại diện Công an TP.HCM, Viện KSND TP, Sở Thông tin – truyền thông cùng nhiều khách mời.

Kéo giảm tội phạm không chỉ có trách nhiệm của công an

Theo thượng tá Vũ Như Hà – phó trưởng Phòng tham mưu (PV11) Công an TP.HCM, nguyên nhân dẫn đến các hành vi tội phạm xâm phạm tính mạng, cố ý gây thương tích ở địa bàn chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, có khi là những mâu thuẫn rất bình thường.

“Có những vụ việc chỉ đơn giản như trong cuộc nhậu, nói qua nói lại rồi xảy ra cự cãi dẫn đến gây án” – thượng tá Hà nói.

Còn đại tá Nguyễn Minh Thông, chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM, đưa ra con số thống kê có đến 52,78% số tội phạm có độ tuổi từ 18 đến dưới 30. Số người không nghề nghiệp vi phạm pháp luật cũng rất cao (chiếm 63%).

“Do đó muốn kéo giảm tội phạm không chỉ là trách nhiệm của ngành công an mà còn của nhiều ban ngành khác, trong đó có vấn đề giáo dục của gia đình và nhà trường”.

Nói về các biện pháp nhằm kéo giảm tội phạm, thượng tá Vũ Như Hà khẳng định việc đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn TP vẫn được thực hiện thường xuyên.

Tuy nhiên sau chỉ đạo của Thành uỷ và UBND TP, Công an TP.HCM thực hiện quyết liệt hơn để kéo giảm tội phạm ở những khu vực “nóng” bằng nhiều giải pháp như: triển khai lực lượng hình sự đặc nhiệm phối hợp với cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát; tổ chức những chuyên đề “đánh” các băng nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu;

Kiểm tra hành chính các khu dân cư, địa điểm hoạt động ngành nghề nhạy cảm (matxa, cầm đồ…); lắp đặt camera an ninh để vừa phòng ngừa vừa đấu tranh truy bắt…

Theo thượng tá Hà, một vấn đề rất khó khăn hiện nay trong công tác phòng chống tội phạm là việc quản lý, đưa người nghiện (có nơi cư trú ổn định) đi chữa bệnh bắt buộc.

“Rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật hình sự từ nguyên nhân nghiện ma túy, nhưng việc đưa những người nghiện này vào trung tâm chữa bệnh không dễ dàng, nên đối tượng phạm pháp hình sự dù có giảm nhưng không bền vững” – ông Hà nhấn mạnh.

Liên quan đến tội xâm phạm sở hữu, người dân vẫn gọi nôm na là cướp giật tài sản, thượng tá Nguyễn Thành Mỹ – phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP.HCM – cho biết các lực lượng công an đang truy quét, nhưng còn một loại tội phạm khác gắn bó mật thiết với tội này chính là những đối tượng tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải có những biện pháp chặt để xoá bỏ hoàn toàn.

“Có làm thực tiễn mới thấy rất khó để chứng minh được rằng người tiêu thụ tài sản biết nó là tài sản gian mà vẫn mua. Nạn trộm cắp, cướp giật vẫn tồn tại được bởi vẫn có người mua đồ phạm pháp” – thượng tá Nguyễn Thành Mỹ tâm sự.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Tạ Cửu Long – phó viện trưởng Viện KSND TP.HCM – nói:

“Tội phạm trộm cắp, cướp giật sống được nhờ loại tội phạm tiêu thụ tài sản phạm tội mà có. Hiện chúng ta còn thiếu cơ chế để quản lý những cơ sở kinh doanh này, pháp luật cũng chưa có biện pháp hữu hiệu nào hạn chế loại tội phạm tiêu thụ tài sản phạm tội mà có”.

Có nên truy đuổi người vi phạm giao thông?

Về việc làm thế nào vừa đảm bảo trấn áp tội phạm vừa không để xảy ra oan sai, đại tá Thông nói: “Đó là việc rất khó và là sức ép rất lớn đối với công tác điều tra bởi hệ thống pháp luật hình sự còn nhiều lỗ hổng. Ví như cách đây vài năm có việc nhập rác, đồ điện tử, nhựa… Công an TP bắt được 4 container, sau đó đề nghị điều tra truy tố.

Tuy nhiên khi ra toà, toà cho rằng đây là hàng cấm thì phải có số lượng nhiều hay ít, lớn hay nhỏ để cấu thành tội phạm. Do không định khối lượng bao nhiêu là lớn, rất lớn nên không thể định tội”.

Ông Thông cũng lấy thêm ví dụ: một cảnh sát giao thông phát hiện một xe máy vi phạm, khi cảnh sát yêu cầu dừng thì người này bỏ chạy. Vậy cảnh sát giao thông có nên truy đuổi hay không đuổi?

Không đuổi cũng bị dân nói, mà nếu đuổi thì đuổi thế nào? Nếu đuổi mà đối tượng bị té, chấn thương chết thì công an sẽ ra sao? Do đó ông Thông nói cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn, nhất là có thêm mức chế tài nặng cho người không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát.

“Khi cảnh sát phát hiện người vi phạm thì phải đuổi bắt đến cùng, nếu anh ta tự gây tai nạn thì phải tự chịu trách nhiệm” – ông Thông phân tích.

Đồng tình với ông Thông, ông Đoàn Tạ Cửu Long cho rằng luật có quy định miễn trừ trách nhiệm hình sự cho những tình huống không cố ý gây thiệt hại, cho nên cần khuyến khích cảnh sát giao thông truy bắt người vi phạm giao thông bỏ chạy.

Lắp camera an ninh, đảm bảo kéo giảm 
tội phạm

Lắp camera an ninh là một trong những biện pháp nhằm kéo giảm tội phạm trên địa bàn TP. Biện pháp này nhận được rất nhiều sự đồng thuận và chia sẻ của các khách mời tham gia toạ đàm.

Thực tế 3 năm lắp camera an ninh trong khu dân cư được trung tá Lê Thành Hưng – trưởng Công an P.12, Q.Gò Vấp – khẳng định những tuyến đường phức tạp thường xuyên có tình trạng vi phạm pháp luật hay nguy cơ vi phạm pháp luật thì khi được lắp camera từ nguồn xã hội hoá của dân đã đem lại những hiệu quả rất rõ rệt.

“P.12, Q.Gò Vấp hiện có khoảng 450 camera an ninh, khoảng 40 bộ đàm, tất cả đều được liên thông và nếu ở đâu xảy ra lộn xộn, chỉ vài phút là lực lượng chức năng có mặt” – ông Hưng kể.

Còn trung tá Huỳnh Văn Hùng, phó trung đoàn trưởng Trung đoàn cảnh sát cơ động (PK20) Công an TP.HCM, cho rằng: “Khi gắn camera rồi thì xem đây là một giải pháp, một căn cứ để định tội”.

Ủng hộ việc lắp camera, ông Đoàn Tạ Cửu Long nói việc sử dụng tài liệu ghi âm, ghi hình rất quan trọng, đồng thời đề xuất Sở Thông tin – truyền thông quy định chuẩn lưu trữ.

Ông Long còn đề nghị TP.HCM sớm có giải pháp cụ thể để sớm đưa hệ thống camera coi như là một giải pháp trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Theo TS Võ Văn Khang – phó chủ tịch Chi hội an toàn thông tin phía Nam, thời gian tới tội phạm công nghệ cao sẽ phát triển như một lẽ tất yếu, “nhưng dù họ có giỏi thế nào thì khi gây án vẫn để lại dấu vết và công an sẽ lần ra tung tích, khám phá án”.

Do đó rất cần hệ thống camera ghi được hình ảnh của tội phạm. Từ hình ảnh này, công an có thể có nhiều manh mối để phục vụ công tác điều tra, truy xét tội phạm.

Có mặt trong buổi toạ đàm, ông Trương Công Minh Hiển – tổng giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thế giới công nghệ (HD King) – cho biết việc trang bị hệ thống camera ở TP.HCM chưa đồng bộ.

Tuỳ theo ngân sách khác nhau nên các nơi trang bị camera khác nhau. Do hiện nay có nhiều hãng, mỗi hãng có phần mềm quản lý riêng, nếu không đồng bộ thì sau này tích hợp lại rất khó.

Đề cập vấn đề này, ông Bùi Việt Dương – trưởng phòng bưu chính viễn thông Sở Thông tin – truyền thông TP.HCM – cho biết TP đã có hệ thống camera riêng của công an, của Sở Giao thông vận tải và các dự án xã hội hoá. Ông Dương cho rằng hệ thống camera giao thông sẽ được chia sẻ cho công an.

“Sắp tới thí điểm hệ thống camera ở Q.5 và sẽ tích hợp về Công an Q.5. Khoảng tháng 7 triển khai xong ở quận này và tiếp tục mở rộng ở các quận khác” – ông Dương nói.

Giảm phạm pháp hình sự

Thượng tá Nguyễn Thành Mỹ cho biết quý 1-2016 TP xảy ra 1.035 vụ phạm pháp hình sự, giảm 377 vụ so với quý 4-2015; so với quý 1-2015 giảm trên 21%.

Theo ông Mỹ, hiện TP không xảy ra các vụ án thanh toán băng nhóm, không có những băng nhóm chuyên tổ chức cướp giật có tổ chức, băng nhóm tranh giành lãnh địa… Các đối tượng cướp giật, trộm cắp gây án hiện nay chủ yếu nghiện hút.

HOÀNG ĐIỆP – ĐỨC THANH ([email protected])