03/11/2024

Có hay không “thuyết âm mưu”?

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất mực cho rằng vụ rò rỉ “tài liệu Panama” là một âm mưu của phương Tây nhằm chống ông và nước Nga. Nhưng cũng có những giải thích khác

 “TÀI LIỆU PANAMA” – ĐỊA CHẤN THẾ KỶ – KỲ 5:

Có hay không “thuyết âm mưu”?

 

 

 Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất mực cho rằng vụ rò rỉ “tài liệu Panama” là một âm mưu của phương Tây nhằm chống ông và nước Nga. Nhưng cũng có những giải thích khác…

 

 

 

 

 

Có hay không “thuyết âm mưu”?
Tổng thống Vladimir Putin đến phát biểu ở diễn đàn báo chí hôm 7-4 – Ảnh: Reuters

Hôm 7-4, tại diễn đàn truyền thông của Mặt trận bình dân Nga tổ chức ở Saint Petersburg, Tổng thống Nga đã dành khá nhiều câu chữ cho vụ rò rỉ “tài liệu Panama”.

Theo ông Putin, trong những rò rỉ liên quan đến nước Nga, nhất là những rò rỉ được cho là về ông, cơ bản không có chi tiết trực tiếp liên quan đến ông, mà chỉ dính một người thân của ông nhưng cũng không có bằng chứng gì chính xác.

Ông Putin tố cáo ngược lại rằng phần tài liệu liên quan đến nước Nga thể hiện một số hoạt động kinh doanh hải ngoại của một số quan chức Nga, chẳng phải để chống tham nhũng, rửa tiền gì cả, mà chỉ nhằm gây bất ổn định nước Nga.

Điều làm những đối thủ của chúng ta tức giận nhất chính là sự thống nhất và gắn kết của quốc gia Nga

Tổng thống VLADIMIR PUTIN

Goebbels cũng chẳng bằng

Không gì thích hợp cho bằng diễn đàn truyền thông để ông Putin giải thích những rò rỉ này trong chính góc độ của nghề báo:

“Tất cả quý vị ở đây đều là nhà báo. Hẳn quý vị thừa rõ thế nào là một “sản phẩm” thông tin. Họ bới móc trong các quỹ đầu tư hải ngoại. Nhưng đâu có Putin ở đó, chẳng có gì nói đến Putin. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ đã được phân công phải làm!

Và họ đã làm những gì? Họ đã sáng tác ra một sản phẩm thông tin qua việc đã tìm thấy một số người quen và bạn bè (của tôi). Cách dễ dàng nhất để làm là gieo rắc sự mất niềm tin vào chính quyền, đặc biệt nhắm vào tính đoàn kết của nhân dân Nga đa sắc tộc…

Ngay cả Goebbels (ông trùm tuyên truyền của Đức quốc xã thời Thế chiến thứ 2) cũng không có những sáng tác tuyên truyền cỡ đó”.

Và rồi ông Putin tóm tắt “sáng tác” mà ông cho là vào hàng “khủng” cho cử tọa nghe. Ông nhắc đến sự việc các doanh nhân Nga Suleiman Kerimov và Arkady Rotenberg, cũng như vận động viên trượt băng Tatiana Navka và nhạc sĩ Sergei Roldugin nằm trong những nhân vật được hài tên trong các dữ liệu công bố.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn nhá lâu ở trường hợp nhạc sĩ đại hồ cầm Roldugin: “Tôi tự hào vì những người như Sergey Pavlovich Roldugin và tự hào có bạn là ông ấy.

Nói rằng ông ấy có hàng tỉ USD quả là một điều phi lý. Mọi tiền bạc ông ấy kiếm được, hầu như ông ấy dùng để mua sắm nhạc cụ ở nước ngoài, rồi chở về Nga và đem biếu các tổ chức nhà nước…”.

Đem trường hợp “sạch sẽ” của nhạc sĩ Sergei Rodulgin ra để từ đó dẫn đến kết luận rằng các rò rỉ “tài liệu Panama” chỉ là “láo toét”, quả là một động thái tuyên truyền rất bài bản.

Ai “âm mưu” chống phá nước Nga?

Đến đây, ông Putin lái câu chuyện sang trọng tâm chính trị. Ông tâm sự rằng có một số nước đối tác của nước Nga trên trường quốc tế do “đã quen thói độc tôn rồi nên không muốn thấy có ai khác” chen chân, chính vì vậy mà các quan hệ của nước Nga với những nước phương Tây đã xấu đi.

Ông giải thích tại sao lại có những xích mích với phương Tây: “(Từ các việc đại sự) như lập trường của chúng ta về khu vực đông nam Ukraine cho đến những chuyện vặt như việc chúng ta từ chối dẫn độ Edward Snowden, đã làm cho các quan hệ bị kích thích”.

Và cuối cùng, ông cáo giác rằng do “nước Nga đe dọa đến việc Mỹ thống trị toàn cầu” mà nay xảy ra vụ rò rỉ này.

Để làm tin, ông Putin viện dẫn một nguồn tin từ mấy năm qua được tin như là “kinh thánh”: “Mới đây Wikileaks đã tiết lộ ai đứng sau các vụ này”.

Theo Wikileaks, Cơ quan viện trợ Mỹ (USAID) cùng nhà tài phiệt George Soros đã chi tiền cho chiến dịch tấn công tổng thống nước Nga, và điều này đã được thể hiện qua những công bố “tài liệu Panama” hôm 3-4.

Hôm đầu tuần, cựu đại sứ Anh tại Uzbekistan là Craig Murray cũng đã tiết lộ trên blog của mình rằng việc các cơ quan báo chí công bố có “chọn lọc” các thông tin từ Công ty luật Mossack Fonseca của Panama là do “tuân thủ một chỉ thị và lịch trình của một chính phủ phương Tây”.

Đến đây, ông Putin chĩa mũi dùi ngay vào nguồn cung cấp “tài liệu Panama”: “Quý vị có ngờ được rằng “Tập đoàn các Nhà báo điều tra quốc tế” (ICIJ) to tát ấy – nơi xuất phát của vụ rò rỉ – rất nực cười là nó do Trung tâm liêm chính công Hoa Kỳ thành lập và tài trợ hay không?

Các sáng lập viên của ICIJ gồm có: Quỹ Ford, Tổ chức Carnegie Endowment, Quỹ gia đình Rockefeller, Quỹ W.K. Kellogg Foundation, Tổ chức Xã hội mở của tỉ phú Soros…”.

Ông Putin đang “âm mưu” gì?

Vụ “tài liệu Panama” bùng nổ cùng thời điểm chiến sự ở Nagorny-Karabakh mới tái phát giữa một bên là quân đội Azerbaijan, bên kia là quân đội Armenia. Có vẻ như chiến sự chưa có điểm dừng cho dù cả nhóm Minsk (trong đó có Nga, Pháp…) đều đang ra sức dàn xếp.

Dư luận đang ngờ rằng đây chính là mặt trận tiếp theo của ông Putin. Svante Cornell, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Á – khu vực Caucasus thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng Nga sắp sửa mở một cuộc chiến thứ nhì từ Nagorny-Karabakh, sau vụ thôn tính Crimea.

Một sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Nga tại Armenia là tối cần thiết để chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhìn vào bản đồ, sẽ thấy Armenia và Azerbaijan chính là “lan can” từ Nga trổ vào Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc. Lúc đó, cùng với bàn đạp Syria ở phía Nam, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lưỡng đầu thọ địch!

Chính vì thế mà sau khi đã tạm giúp Tổng thống Syria al Assad bình định hầu như phần nào Syria khỏi tay các lực lượng chống chính phủ, Nga chấm dứt chiến dịch can thiệp không quân ở Syria và tăng cường không quân ở Armenia, thậm chí từ… tháng 12 năm ngoái!

Bản tin Opex 360 ngày 8-12-2015 cho biết: “Trên cái nền là sự căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã triển khai bổ sung trực thăng chiến đấu và trực thăng vận tải tại căn cứ không quân Erebouni, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chỉ mấy bước. Bảy trực thăng Mi-24 và Mi-8 đã được điều động đến đây. Căn cứ này còn đón thêm ba máy bay chiến đấu Nga Mig-29”.

Opex 360 cho biết rằng chỉ trong sáu tháng sau của năm 2014, bộ tư lệnh khu vực Đông – Nam của Nga đã đưa đến căn cứ này một phi đoàn trực thăng Mi-24P, Mi-8MT và Mi-8SMV. Nga hiện có hai căn cứ quân sự tại Armenia theo thoả thuận của chính phủ nước này.

Một cuộc chiến Thổ Nhĩ Kỳ – Nga ngay ở châu Âu là điều cấm kỵ trong chín tháng cuối cùng nhiệm kỳ của ông Obama vốn đã “kiêng” đụng độ với Nga. Nên “làm gì” được ông Putin thì làm, cũng là một giải thích theo lý thuyết âm mưu.

Tất nhiên, “không có lửa, sao có khói”!

“Các tổ chức như của Soros từng bị liệt vào hạng “không được hoan nghênh” ở Nga. Năm ngoái, văn phòng Công tố Liên bang Nga đã xem Quỹ Xã hội mở cùng Viện hỗ trợ Xã hội mở của Soros là “bất hảo” và cấm các công dân cùng các tổ chức Nga tham gia các dự án của những tổ chức này.

Công tố viên Nga cho rằng các tổ chức này là một mối đe doạ đến sự ổn định hiến pháp cùng an ninh quốc gia Nga.

Không chỉ ái ngại quá khứ chen vào nội bộ các nước Đông Âu cũ của tỉ phú Soros, gần đây ông này còn chọc giận “con gấu Nga” bằng cách tố cáo rằng ông Putin chẳng hề là đồng minh hay đối tác gì của Mỹ và châu Âu, trái lại chỉ “chăm chăm chia rẽ châu Âu nhằm hưởng lợi kinh tế”.

(Nguồn: Đài Russia Today của Nga 
nói về trường hợp tỉ phú Mỹ George Soros)

 

HỮU NGHỊ