Ngăn suối, đào mương cứu ruộng hạn
Giữa mùa khô hạn, người Xê Đăng ở cánh đồng Ba Tu, xã Ngọc Yêu, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã vào núi ngăn suối, đào khoảng 5 km đường mương dẫn nước về cứu cánh đồng 15 ha đang khô nứt nẻ.
Ngăn suối, đào mương cứu ruộng hạn
Giữa mùa khô hạn, người Xê Đăng ở cánh đồng Ba Tu, xã Ngọc Yêu, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã vào núi ngăn suối, đào khoảng 5 km đường mương dẫn nước về cứu cánh đồng 15 ha đang khô nứt nẻ.
Theo chân ông Trần Duy Linh, Phó chủ tịch UBND xã, và một cán bộ phụ trách xây dựng địa chính xã Ngọc Yêu đi bộ 3 tiếng đồng hồ băng qua nhiều cánh rừng, con suối, chúng tôi tìm đến cánh đồng Ba Tu. A Khiến, Trưởng thôn Ba Tu, cười hồ hởi trước khu ruộng đang no nước khoe: “Nước này mang về cả tuần rồi, nước mẹ của nó ở khuất hai ba ngọn đồi phía trước kia!”.
Nói xong, A Khiến đeo con dao đi rừng vào hông rồi dẫn chúng tôi đến một con mương sâu chừng 0,6 m, rộng chừng 0,5 m: “Đây là kỳ công xưa nay hiếm chưa ai làm được trong vùng”.
Theo lời A Khiến, những ngày cuối tháng 2 vừa qua, khi gieo mạ xong, anh vào thăm ruộng thì thấy đồng Ba Tu khô nứt nẻ do nguồn nước tưới cho cánh đồng này cạn kiệt. A Khiến về làng bàn với các già làng, bảo ngày trước khi đi tìm mật ong, săn chuột rừng, thấy trên núi Đăk Blum có con suối nước đầy lắm, nên tìm cách dẫn nước về. Mất mấy ngày băng rừng, cuối cùng dân làng Ba Tu cũng tìm đến được con suối sâu chảy qua khu rừng Đăk Blum.
Khi nguồn nước tìm được, A Khiến đi vận động từng nhà trong làng Ba Tu cử người đào mương. Mặt khác, anh họp làng, bàn cách đưa nước về đồng. Ngày ngăn dòng suối, cả làng chung sức, góp cây, chèn đá, mang cơm nước ăn tại chỗ. Mấy ngày sau, con đập đã làm xong, dân làng tập trung vào đào mương. Làng phân công nhau luân phiên, đảm bảo mỗi ngày có 20 người khoẻ mạnh tham gia. Nhờ vậy, sau 10 ngày, đường mương dài khoảng 5 km đã được hoàn thành.
Già làng A Đức cho hay: “Từ nay trở đi có nước tưới, nhà mình sẽ làm 2 vụ/năm, chắc đủ gạo ăn, không cần gạo nhà nước cho mùa giáp hạt”. Cũng theo già A Đức, nhờ kênh mương này mà cánh đồng 15 ha của làng Ba Tu 3 đã được cứu, bà con trong làng hiện đang làm đất cấy lúa. Bây giờ, con mương tạm thời là vậy, nhưng về sau, dân làng sẽ đào sâu và rộng hơn để dẫn nước tốt hơn.
Ông Trần Duy Linh cho biết xưa nay, đi về các vùng dân tộc thiểu số Tây nguyên sinh sống hay bắt gặp chuyện: Sông gần đó nhưng ruộng phía trên thường bị bỏ khô nước. Còn người Xê Đăng ở làng Ba Tu, xã Ngọc Yêu nay tự đi tìm nước tưới ruộng là sự thay đổi rất lớn trong tư duy sản xuất. “Địa phương chúng tôi cũng đã quyết định hỗ trợ một ít rọ đá để gia cố khu vực đầu nguồn giữ nước và đường ống dẫn nước để bà con dẫn nước sang một số diện tích xa đường mương”, ông Linh nói và cho biết thêm UBND xã Ngọc Yêu cũng dự kiến sẽ vận động dân làng Ba Tu khai hoang thêm khoảng 10 ha nữa, bởi nguồn nước theo mương này khá dồi dào, đảm bảo tưới cho khoảng 30 ha lúa. “Trước đây, lúa ở cánh đồng này thiếu nước, năng suất chỉ đạt 28 tạ/ha, nhưng từ nay trở đi, chắc chắn sẽ cao hơn”, ông Linh quả quyết.
Phạm Anh