27/12/2024

Giải mã bí ẩn ngân hàng Thuỵ Sĩ

Hơn 80 năm qua, hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ luôn tạo ra một màn bí ẩn, nhưng các bí ẩn không xa vời đến mức như các tác phẩm điện ảnh Hollywood thể hiện.

 

Giải mã bí ẩn ngân hàng Thuỵ Sĩ

 

Hơn 80 năm qua, hệ thống ngân hàng Thuỵ Sĩ luôn tạo ra một màn bí ẩn, nhưng các bí ẩn không xa vời đến mức như các tác phẩm điện ảnh Hollywood thể hiện.





Ngân hàng UBS đã phải chi hàng tỉ USD để dàn xếp với Mỹ - Ảnh: Shutterstock

 

Ngân hàng UBS đã phải chi hàng tỉ USD để dàn xếp với Mỹ – Ảnh: Shutterstock


Trên màn ảnh, nhân vật điệp viên James Bond của Hollywood từng xuất hiện đầy bí ẩn tại một ngân hàng ở Thuỵ Sĩ. Bằng mã nhận diện đặc biệt, Bonds dễ dàng nhận được tài sản bên trong tài khoản. Những câu chuyện như thế không hề lạ trên các bộ phim, bởi lâu nay có không ít thông tin cho rằng có thể mở một tài khoản ở ngân hàng Thuỵ Sĩ mà không cần phải cung cấp thông tin cá nhân.
Tài khoản mật danh
Thế nhưng, điều đó hoàn toàn phi thực tế. Vào năm 2010, Đài SBS từng dẫn lời ông James Nason, người phát ngôn của Hiệp hội Ngân hàng Thuỵ Sĩ khi đó, khẳng định: “Các ngân hàng thực sự muốn gặp mặt khách hàng mở tài khoản. Bạn có thể đăng ký trực tuyến nhưng không thể hoàn thành toàn bộ thủ tục, bởi nhiều bước đòi hỏi bạn phải có mặt để xuất trình một số giấy tờ cần thiết về nhân thân”.
Chi tiết hơn, hồi cuối năm ngoái, một chuyên gia ẩn danh từng tiết lộ với Business Insider về thủ tục đăng ký tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ: “Vào cuối thập niên 1990, bạn chỉ cần điền vào một trang A4 là xong. Đến năm 2005 thì phải điền khoảng 10 trang A4 nhưng nay thì hồ sơ mở tài khoản lên đến 100 trang”.
Tuy nhiên, theo kênh CNBC, ngân hàng Thuỵ Sĩ cũng vẫn cung cấp cách thức đặc biệt để các chủ tài khoản che giấu thân phận của mình bằng cách cung cấp tên tài khoản là một mã số hoặc một danh xưng kiểu “nickname” trên mạng. Thông tin cá nhân chi tiết của những tài khoản như thế chỉ được biết bởi các quản lý cấp cao của ngân hàng, những nhân viên giao dịch không thể biết, hồ sơ cũng được bảo vệ rất cẩn mật. Đó chính là một trong các đặc điểm nổi bật về khả năng bảo mật thông tin khách hàng của ngành ngân hàng nước này.
Bảo mật tối đa
Theo đó, nguồn gốc về tính bảo mật trên có từ thế kỷ 18, Hội đồng Geneva, có vai trò như một cơ quan lập pháp, thông qua đạo luật yêu cầu các ngân hàng Thuỵ Sĩ phải bảo mật thông tin của khách hàng. Đạo luật tạo ra nền tảng quan trọng để nước này, một nơi không chỉ có nền chính trị ổn định mà còn luôn đứng ngoài lề các cuộc chiến tranh kể từ năm 1505, dần trở thành nơi giữ tiền đáng tin cậy cho giới quý tộc, các nhà công nghiệp… ở châu Âu. Số tiền cất giữ được tái đầu tư trở lại ở nhiều nơi thuộc cựu lục địa thông qua một mạng lưới giao dịch rộng lớn nhưng mọi sự lưu chuyển đều rất kín kẽ.
Năm 1932, cảnh sát Pháp bắt giữ 2 ông chủ nhà băng Thụy Sĩ tại Paris. Từ vụ bắt giữ, cảnh sát Pháp thu thập thông tin của hàng trăm người nước này đang cất giấu nguồn tài sản khổng lồ ở Thuỵ Sĩ. Danh sách bao gồm từ quý tộc đến tướng lĩnh, chính trị gia và cả giám mục. Diễn biến trên trở thành một bê bối ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành ngân hàng Thuỵ Sĩ, nên nước này bổ sung thêm một số quy định để các ngân hàng phải tăng cường bảo mật cho khách.
Sau vụ bê bối, Thuỵ Sĩ quyết định ban hành một đạo luật mới nghiêm cấm ngân hàng tiết lộ danh tính khách hàng cho một bên thứ ba, dù đó là cơ quan thuế, chính phủ nước ngoài và thậm chí là chính quyền Thuỵ Sĩ. Việc chia sẻ thông tin chỉ được thực hiện khi có trát yêu cầu từ tòa án của Thuỵ Sĩ. Quy định chỉ được ngoại lệ đối với một số vụ án nghiêm trọng. Bất cứ một nhân viên ngân hàng nào tiết lộ thông tin khách hàng sẽ bị xử lý hình sự với mức án lên đến 6 tháng tù giam và có thể bồi thường hàng chục ngàn franc. Ngân hàng liên quan cũng bị xử lý rất nặng.
Cũng từ đây, cách thức đặt mã số cho tài khoản hoặc một mật danh được mở rộng. Thêm vào đó, Thuỵ Sĩ tuy đánh thuế thu nhập cá nhân rất cao nhưng lại không áp dụng với người nước ngoài. Đặc biệt, luật Thuỵ Sĩ cũng quy định khác biệt về “gian lận thuế” và “trốn thuế”. Cụ thể, “gian lận thuế” được định nghĩa là cố ý tạo ra các hồ sơ giả để che giấu thu nhập, và tội này bị truy cứu hình sự. Trong khi đó, tội “trốn thuế” có nghĩa là không kê khai đầy đủ các khoản thuế và chỉ bị xử phạt hành chính.
Từ những yếu tố này kết hợp với chính sách bảo mật, Thụy Sĩ dần dần trở thành thiên đường cho việc cất giấu tài sản và trốn thuế của nhiều người từ khắp thế giới. Bên cạnh đó, những người đang dính líu các vụ kiện tụng cũng tìm cách chuyển tiền sang gửi ở Thuỵ Sĩ nhằm phòng ngừa nếu có thua kiện thì không bị phong toả tài sản để trả tiền.
Đủ kiểu rửa tiền
Từ những thế mạnh trên, dù chỉ có khoảng 150 ngân hàng nhưng Thuỵ Sĩ được cho là cất giữ nguồn tiền cực lớn. Tất nhiên, vì tính bảo mật nên con số chính xác cũng là một bí ẩn. Một thông tin hiếm hoi được tiết lộ là theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), thì đến cuối năm 2010, tổng số tiền được các ngân hàng Thuỵ Sĩ cất giữ lên đến 2.100 tỉ USD. Tuy vậy, con số này được cho là vẫn chưa đầy đủ và chưa tính đến hơn 1.000 tỉ USD đang “chạy lòng vòng” ở các công ty hải ngoại (công ty offshore) để tái đầu tư và rửa tiền. Các công ty offshore bị cáo buộc chỉ là công ty ma.
Theo tờ The Wall Street Journal, không chỉ ngó lơ cho khách hàng trốn thuế mà ngân hàng Thuỵ Sĩ thậm chí còn giúp sức để làm việc đó. Bằng chứng là vài năm qua, UBS – một ngân hàng hàng đầu nước này – đã phải chi hàng tỉ USD để dàn xếp với Mỹ để giải quyết các cáo buộc giúp người Mỹ trốn thuế lên đến hàng tỉ USD. Cụ thể, từ năm 2002 – 2007, UBS bị cáo buộc đã giúp một số người Mỹ trốn thuế trung bình lên đến 300 triệu USD mỗi năm.
Không những thế, nhiều chính phủ còn cáo buộc ngân hàng Thụy Sĩ đã giúp khách hàng đổi các khoản tiền phi pháp ra vàng để tiện cất giữ lâu dài. Còn theo tổ chức phóng viên điều tra quốc tế thì kim cương cũng là cách chuyển đổi ưa thích của nhiều người khi đưa được các khoản tiền phi pháp đến Thụy Sĩ. Để giúp khách hàng tiêu tiền, phía ngân hàng chia nhỏ tài khoản khách hàng thành nhiều khoản có giá trị nhỏ dưới 10.000 USD và phát hành thẻ ghi nợ tương xứng để có thể tiêu xài ở nước ngoài mà không gây chú ý.
Đặc biệt, trong cuốn sách về quản lý tài sản Wealth Management: Private Banking, Investment Decisions, and Structured còn tiết lộ các ngân hàng Thụy Sĩ thực hiện hình thức quản lý tài sản khách hàng khá hiệu quả.
Từ danh mục khách hàng có được, họ có thể liên kết công việc làm ăn giữa các khách hàng nhằm tối ưu hoá việc đầu tư. Cách thức này được nhiều nhà kinh doanh nhận định như một mô hình thiết lập mạng lưới “hội kín” để liên kết làm ăn kinh doanh. Đặc biệt, những người gửi tiền ở Thuỵ Sĩ đều “có máu mặt” nên hiệu quả liên kết càng cao. Và đây chính là phương thức “tiền đẻ ra tiền” mà nhiều người mong muốn khi gửi tiền đến Thuỵ Sĩ.
Chết cũng không sợ mất
Nhiều người thắc mắc vì tính bảo mật quá cao thì nếu một người có tài khoản ở Thuỵ Sĩ mà người thân không biết, khi người đó đột ngột qua đời sẽ thế nào.
Theo Đài SBS, nếu sau 10 năm mà chủ một tài khoản không liên hệ thì ngân hàng có nghĩa vụ tìm hiểu tình trạng của người đó. Nếu chủ tài khoản đã qua đời, ngân hàng sẽ tìm kiếm người thừa kế theo luật định và tiến hành trao trả số tiền. Trong trường hợp không tìm được người thừa kế, ngân hàng có trách nhiệm báo cáo với cơ quan thanh tra để đưa ra hướng xử lý. Chủ tài khoản cũng có thể đăng ký cụ thể thời gian bao lâu thì ngân hàng phải tìm hiểu tình trạng của mình nếu không liên lạc.

Nền kinh tế bền vững
Tuy không phải là lý do cốt yếu nhưng tình hình kinh tế Thuỵ Sĩ cũng chính là một yếu tố giúp các ngân hàng nước này thu hút tiền gửi. Theo các chuyên trang kinh tế tài chính, đây là đất nước có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển đều đặn.
Đặc biệt, đến nay franc là tiền tệ duy nhất được bảo chứng bằng vàng nên không lo ngại mất giá. Các ngân hàng Thuỵ Sĩ được đánh giá cao về khả năng tái đầu tư sinh lãi. Vì thế, về mặt kinh tế tài chính thuần tuý thì việc gửi tiền vào ngân hàng nước này đảm bảo độ an toàn cao.

Hoàng Đình