27/12/2024

Chống đôla hoá: doanh nghiệp kêu khó, ngân hàng nói không

Dù ủng hộ chủ trương chống đôla hoá, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho rằng cần có chính sách riêng cho một số đối tượng…

 

Chống đôla hoá: doanh nghiệp kêu khó, ngân hàng nói không

 

 

Dù ủng hộ chủ trương chống đôla hoá, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho rằng cần có chính sách riêng cho một số đối tượng…

 

 

 

 

 

Chống đôla hóa: doanh nghiệp kêu khó, ngân hàng nói không
Doanh nghiệp kêu khó, ngân hàng nói không

 

 

Dù ủng hộ chủ trương chống đôla hoá, nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cho rằng cần có chính sách riêng cho một số đối tượng, thay vì dừng cho vay ngoại tệ đồng loạt như hiện nay khiến các DN xuất khẩu gặp bất lợi trong cạnh tranh.

Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng việc dừng cho vay ngoại tệ nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại hối, tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng VND.

Doanh nghiệp kêu 
thiệt tiền tỉ

Ông Đặng Quốc Hùng, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho biết phần lớn DN thành viên của Hawa đang gặp khó sau khi bị dừng cho vay USD, bởi theo thông tư 24, DN xuất khẩu không được vay ngoại tệ để chuyển sang VND mua nguyên liệu trong nước, dù có nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu để trả nợ vay.

Trong khi đó, các DN chuyên làm hàng thủ công, đan tay, dệt chiếu cói… đều phải mua nguyên liệu trong nước, tức chỉ được vay VND chứ không được vay USD như trước nữa.

Theo ông Hùng, phần lớn DN trong lĩnh vực này đều có vốn nhỏ, chi phí giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp. “Nếu phải vay VND với lãi suất cao hơn lãi suất vay USD gấp nhiều lần, giá thành sản xuất của các DN này càng bị đội lên, sức cạnh tranh càng kém đi so với sản phẩm các nước trong khu vực, dù VN vẫn đang khuyến khích xuất khẩu. Đây là một nghịch lý cần phải xem xét toàn diện hơn” – ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông N.L., phó tổng giám đốc một công ty may, cho biết: “Lãi vay VND đang cao hơn lãi suất vay ngoại tệ xấp xỉ 6%, thậm chí còn cao hơn nếu lãi suất VND biến động mạnh trong thời gian tới. Với kim ngạch xuất khẩu dệt may ước tính năm 2016 ở mức 28 tỉ USD như dự báo của Bộ Công thương, DN trong ngành phải chi thêm gần 6.000 tỉ đồng từ việc chênh lệch lãi suất khi mua nguyên liệu trong nước”.

Theo các DN, NHNN nên có chính sách để DN xuất khẩu được vay ngoại tệ, nhưng chọn lọc đối tượng. Những DN xuất khẩu thu ngoại tệ bằng hoặc cao hơn số ngoại tệ đã vay mới được giải quyết cho vay. Như vậy vừa khuyến khích được DN xuất khẩu vừa hạn chế được các trường hợp trục lợi từ chính sách như đã từng diễn ra thời gian qua.

Giám đốc một DN xuất khẩu cũng cho rằng dù ủng hộ chủ trương chống đôla hoá của Nhà nước, nhưng không nên cào bằng hết loại hình DN. “NHNN nên phân loại DN để có chính sách phù hợp, nếu phát hiện DN nào cố tình trục lợi từ chính sách này thì xử nghiêm” – vị này đề nghị.

Khuyến khích tăng trưởng tín dụng VND

Nhiều DN cho biết sẽ thông qua các hiệp hội để có văn bản kiến nghị lên NHNN vì việc không cho vay ngoại tệ làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt, chưa kể gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước. Bởi không được vay ngoại tệ, nếu mua hàng trong nước, nhiều DN sẽ chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài hơn là mua nguyên liệu trong nước, đi ngược lại với chủ trương thúc đẩy nội địa hoá của Chính phủ.

Các ngân hàng cũng thừa nhận việc siết cho vay ngoại tệ tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến các DN do chi phí vay vốn cao lên. Phía ngân hàng cũng xoay xở bằng nhiều cách, trước mắt là cho các DN đăng ký hạn mức vay ngoại tệ trước ngày 31-3, tức là trước thời điểm thông tư 24 có hiệu lực, còn việc giải ngân sẽ thực hiện sau.

Đó cũng là cách kéo dài thời gian được vay ngoại tệ cho DN. Ngoài ra, tại các cuộc họp với NHNN gần đây, các ngân hàng cũng đã kiến nghị NHNN có chính sách linh hoạt hơn, nhưng quy định đã có hiệu lực nên cứ phải chấp hành.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng không chỉ DN dệt may, da giày, chế biến gỗ mà nhiều lĩnh vực khác như xuất khẩu tôm cá cũng chịu ảnh hưởng bởi việc ngừng cho vay ngoại tệ để chuyển sang VND.

Do đó, NHNN cũng đã cân nhắc các đối tượng, ngành nghề trước khi ban hành chính sách này. Tuy nhiên, chính sách này nằm trong lộ trình chống đôla hóa. “Các DN xuất khẩu vẫn có quyền đề đạt nguyện vọng của mình, chúng tôi sẽ ghi nhận và có văn bản báo cáo để NHNN xem xét, cân nhắc” – ông Minh nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định việc ngừng cho vay ngoại tệ không gây tác động nhiều, vì các DN không được vay cũng không có nhu cầu sử dụng ngoại tệ. Những DN này chỉ vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước nhằm hưởng lãi suất thấp. Theo vị này, quy định cho vay ngoại tệ từng được áp dụng khi nền kinh tế còn tăng trưởng thấp, cầu về thị trường thấp nên cần có chính sách này nhằm hỗ trợ DN.

Tuy nhiên, nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán, chỉ cho vay ngoại tệ với những DN có nhu cầu thanh toán.

Hơn nữa, theo vị này, khi cầu về ngoại tệ tăng lên, kỳ vọng về điều chỉnh tỉ giá cũng phải lớn hơn, DN cũng không hưởng lợi nhiều từ chênh lệch lãi suất. “Việc dừng cho vay ngoại tệ đối với các DN không có nhu cầu thanh toán sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối, đồng thời tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng VND” – vị này khẳng định.

Dư nợ cho vay ngoại tệ giảm

Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, hiện cho vay ngoại tệ chỉ còn chiếm 10,2% trong tổng dư nợ, tương đương khoảng 100.000 tỉ đồng, giảm khoảng 6% so với cuối năm 2015. Nguồn tin này cũng cho biết bình quân năm năm qua, tín dụng ngoại tệ chiếm đến 16%, có thời điểm lên đến 18-19% trong tổng dư nợ.

TRẦN VŨ NGHI – ÁNH HỒNG