Cần chương trình giáo dục khởi nghiệp
Khởi nghiệp và việc làm là vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận trong diễn đàn Khoa học sinh viên quốc tế chiều 7.4, tại TP.HCM
Cần chương trình giáo dục khởi nghiệp
Khởi nghiệp và việc làm là vấn đề được đặt ra tại phiên thảo luận trong diễn đàn Khoa học sinh viên quốc tế chiều 7.4, tại TP.HCM
Chương trình do Hội Sinh viên TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức lần đầu tiên mang tầm vóc quốc tế, thu hút sinh viên (SV) các tỉnh phía nam, một số quốc gia khu vực ASEAN và Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Tại sao sinh viên cần khởi nghiệp ?
Hoàng Thị Phương Thảo, SV Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, đặt vấn đề: “Tại sao SV đi học chỉ mong muốn để tốt nghiệp, có một công việc tốt, lương cao mà không dám có một chút mạo hiểm để trở thành những nhà khởi nghiệp, những người tạo ra công việc chứ không phải những người đi làm công ăn lương”.
Theo Phương Thảo, nước ta còn thiếu những dịch vụ, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp để khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo cho người trẻ. Những cuộc thi về khởi nghiệp đã được tổ chức nhưng vẫn chưa có tầm ảnh hưởng rộng. Chính vì vậy, cần có những dự án khởi nghiệp quy mô, toàn diện hơn trong các trường ĐH.
Trả lời câu hỏi vì sao phải khởi nghiệp từ SV, Nguyễn Hữu Gia Bảo, SV Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Chúng ta thường nấn ná trong vùng an toàn và rất sợ sự bấp bênh trong khởi nghiệp, đó là rào cản để đi đến thành công. Khi còn là SV, bạn chẳng có gì để mất cả. Lợi nhuận cũng là một lý do phổ biến để khởi nghiệp, vì số tiền kiếm được từ những dự án khởi nghiệp nho nhỏ ban đầu sẽ giúp bạn có thể chi trả tiền học phí, hoặc dùng vào mục đích cao cả hơn sau khi vừa ra trường. Bởi, càng lớn con người ta càng khó chấp nhận rủi ro vì bản thân phải gánh nhiều trách nhiệm khác nhau. Việc khởi nghiệp trong SV có những khó khăn, nhưng ta cũng nên thử tìm những giải pháp cho từng vấn đề nan giải để tập dần khởi nghiệp”.
Điều hành doanh nghiệp ngay khi còn đi học
Nguyễn Tấn Quốc, SV Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở tại TP.HCM), cho rằng VN cần có chương trình giáo dục khởi nghiệp kinh doanh tại các trường ĐH. Theo Quốc, trong số các yếu tố ảnh hưởng đến khởi nghiệp thì yếu tố giáo dục được coi là quan trọng nhất. “Cần dạy cho SV cách bắt đầu và điều hành một doanh nghiệp ngay từ khi còn trên ghế giảng đường. Giáo dục khởi nghiệp cung cấp cho doanh nhân về thái độ để tăng khả năng thích ứng trước khó khăn, tăng tỷ lệ sống sót của các doanh nghiệp mới thành lập”, Quốc nói.
Quốc đề xuất: “Chính phủ cần khuyến khích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của SV từ những năm đầu ĐH. Đối với các trường ĐH và viện nghiên cứu, nên xem xét lại chương trình giảng dạy hiện tại cũng như các khóa học về khởi nghiệp kinh doanh dựa trên những phản hồi của SV. Điều quan trọng mà người học cần được cung cấp bên cạnh kiến thức hàn lâm là kinh nghiệm thực tiễn và cơ hội thực tế để khởi nghiệp. Nhà trường cũng nên mời các nhà lãnh đạo doanh nghiệp làm giáo sư hỗ trợ, cố vấn, huấn luyện viên, diễn giả và để SV có thể tham gia trực tiếp vào các dự án của doanh nghiệp”.
Dám mạo hiểm…
GS-TS Dương Nguyên Vũ, Viện trưởng Viện John von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM), nói: “Chúng ta có thể khởi nghiệp bất cứ lúc nào, nếu bạn thật sự có một tình yêu với công việc và đam mê thật sự. Không ít người học ngành này, nhưng khi họ bắt đầu khởi nghiệp thì lại ở một nghề khác, một ngã rẽ khác nhưng lại thành công ngoài mong đợi. Điều quan trọng là làm sao công việc và đích đến cuối cùng trong lĩnh vực khởi nghiệp của các bạn mang lại nhiều giá trị thực cho xã hội, có ích cho cộng đồng”.
Cũng theo ông Vũ, trong nền kinh tế đổi mới thì khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp về lĩnh vực công nghệ, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao. “Tôi thấy tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ hiện nay rất cao. Đặc biệt là SV, người trẻ ở khu vực phía nam, vì họ dám mạo hiểm và có một chút liều, mà khởi nghiệp cần phải có những tố chất như thế”.
Khởi nghiệp bền vững
Pakamas Pratumchan, SV Trường ĐH Chiang Mai (Thái Lan), chia sẻ: “Tôi hy vọng các trường ĐH trong khu vực sẽ liên kết lại để cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm giúp tháo gỡ những khó khăn trong quá trình SV muốn khởi nghiệp. Những chương trình này bao gồm: Khởi động xây dựng ý tưởng, đào tạo chuyên sâu… Từ đó tạo động lực cho SV khởi nghiệp để phát triển kinh tế theo hướng bền vững chứ không phải khi ra trường mới khởi nghiệp trong thời gian ngắn đã phá sản”.
|
Lê Thanh