03/11/2024

An ninh kinh tế châu Âu gắn liền với Biển Đông

Giới chức EU khẳng định có lợi ích gắn liền với Biển Đông, trong khi đó Nhà Trắng bác bỏ tin “bịt miệng” giới tướng lĩnh về tình hình khu vực.

 

An ninh kinh tế châu Âu gắn liền với Biển Đông


Giới chức EU khẳng định có lợi ích gắn liền với Biển Đông, trong khi đó Nhà Trắng bác bỏ tin “bịt miệng” giới tướng lĩnh về tình hình khu vực.

 

 

 

 

 

Tàu hải cảnh Trung Quốc thường có hành động gây bất ổn ở Biển Đông - Ảnh: Reuters

 

Tàu hải cảnh Trung Quốc thường có hành động gây bất ổn ở Biển Đông – Ảnh: Reuters


Tại diễn đàn Đối thoại EU – Trung Quốc vừa diễn ra tại Bắc Kinh, các nhà ngoại giao EU kêu gọi cần tôn trọng luật pháp quốc tế tại Biển Đông, theo tờ South China Morning Post ngày 8.4. Giám đốc phụ trách châu Á – Thái Bình Dương thuộc Cơ quan đối ngoại EU Gunnar Wiegand nhận định dư luận quốc tế, trong đó có EU, rất lo ngại về hàng loạt diễn tiến gần đây ở Biển Đông. Ông lưu ý một nửa hoạt động giao thương của thế giới đều phải qua vùng biển này và an ninh kinh tế EU liên quan chặt chẽ với sự ổn định của châu Á – Thái Bình Dương. “Dù không ủng hộ bên nào trong tranh chấp song EU cam kết thực hiện đúng trật tự hàng hải, dựa theo các điều khoản trong luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển”, ông Wiegand phát biểu. Hiện giới chuyên gia dự đoán Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do hàng loạt hành động phi pháp với ý đồ quân sự hoá của Trung Quốc, khiến nhiều bên khác trong khu vực buộc phải có phản ứng.
Cũng trong hôm qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama bác bỏ thông tin nói Nhà Trắng ra lệnh cấm giới chức quân sự phát ngôn về Biển Đông. Trước đó, tờ Navy Times hôm 6.4 loan tin Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice yêu cầu người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris cùng nhiều quan chức cấp cao khác ngừng phát biểu về tình hình Biển Đông trong thời gian diễn ra hội nghị an ninh hạt nhân hồi tuần trước. Theo Navy Times, hành động này được cho là nhằm tránh gây thêm bất đồng trong cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị.
Tuy nhiên, tờ The Washington Post dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook khẳng định Đô đốc Harris luôn có thể đưa ra các ý kiến thẳng thắn lên tổng thống và Hội đồng an ninh quốc gia về mọi vấn đề liên quan đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương. “Mọi ý kiến đều được xem xét và đánh giá cao”, ông Cook nhấn mạnh, đồng thời khẳng định không có lệnh cấm phát ngôn như tin đồn. Bản thân Đô đốc Harris khẳng định “mọi tuyên bố về sự lệch pha giữa Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Nhà Trắng là không đúng sự thật”.
Mỹ viện trợ quân sự kỷ lục cho Philippines
Reuters ngày 8.4 dẫn lời Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia cho biết trong năm 2015, Washington sẽ cấp cho Manila khoản viện trợ quân sự hơn 120 triệu USD, cao nhất trong 15 năm qua, nhằm hỗ trợ đồng minh tăng cường quốc phòng trong bối cảnh tình hình khu vực có nhiều biến động. Ngoài ra, theo ông Cuisia, Philippines đang đàm phán với Mỹ về tiếp nhận tàu hộ tống lớp Hamilton thứ 4 nhằm tăng cường năng lực tuần tra trên biển.

Danh Toại