26/12/2024

“Tài liệu Panama” – địa chấn thế kỷ: Các ngân hàng bị sờ gáy

Tài liệu Panama đã cho thấy sự dính líu của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn của thế giới, trong việc lập ra các công ty bình phong.

 “TÀI LIỆU PANAMA” – ĐỊA CHẤN THẾ KỶ – KỲ 3:

“Tài liệu Panama” – địa chấn thế kỷ: Các ngân hàng bị sờ gáy

 

 

Tài liệu Panama đã cho thấy sự dính líu của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng lớn của thế giới, trong việc lập ra các công ty bình phong.

 

 

 

 

 

"Tài liệu Panama" - địa chấn thế kỷ: Các ngân hàng bị sờ gáy
Trụ sở Ngân hàng Société Générale ở Paris – ngân hàng Pháp được cho là đã giúp lập ra gần 1.000 công ty bình phong – Ảnh: AFP

Một lý luận chính được các ngân hàng ra sức biện hộ trong thời điểm này là hoạt động lập công ty bình phong, công ty quản lý tài sản cho khách hàng không phải là chuyện bất hợp pháp; kế đến là việc đăng ký đều tuân thủ luật lệ tài chính hiện hành và nhờ đó các công ty bình phong đang nằm trong tầm quản lý đều hoạt động minh bạch…

Một điểm khác được các ngân hàng bao biện là những con số mà giới truyền thông nêu ra mấy hôm nay là số liệu không phù hợp thực tế vì theo quy định quốc tế, các ngân hàng nghiêm túc đã điều chỉnh rất nhiều từ những năm 2010 trở đi, tức kể từ khi nhóm 20 quốc gia giàu nhất thế giới G20 tuyên chiến chống các thiên đường tài chính trước đó một năm.

Nói vậy mà không phải vậy

Nhưng một lập luận khác có thể bẻ gãy những luận điểm của giới ngân hàng: nếu không có sự tiếp tay của các ngân hàng thì những quốc gia và lãnh thổ đang áp dụng chính sách thuế bằng 0 như Panama và đang tìm cách né tránh tuân thủ vào luật chơi quốc tế chống gian lận tài chính, cũng không thể có sức thu hút nhiều nguồn tài sản đến vậy.

Nói một cách khác, không có sự tiếp tay của giới ngân hàng, nguồn tiền từ các công ty bình phong sẽ không thể được đưa trở lại vào hệ thống tài chính bình thường (có thể gọi là được “rửa sạch”) để có thể nở nồi phát triển rộng rãi đến vậy.

Những con số luôn biết nói: 365 ngân hàng khắp thế giới dính líu trong dữ liệu của Công ty luật Mossack Fonseca, trong số 214.488 công ty bình phong do Mossack Fonseca đăng ký trong quãng thời gian hoạt động gần 40 năm của mình có 15.579 công ty do chính các ngân hàng đặt hàng dịch vụ trực tiếp giúp các khách hàng giàu có của mình, số còn lại cũng do những đại diện khác như văn phòng luật sư, công ty quản lý tài sản…

Phân tích dữ liệu có được trong “Tài liệu Panama”, người ta cũng phát hiện thấy phần lớn công ty được lập ra sau năm 2000. Tính đến đầu năm 2016 vẫn còn hơn 2.000 công ty trong số đó còn hoạt động.

Trong số các ngân hàng sử dụng đến dịch vụ của Mossack Fonseca, có những cái tên nặng ký của giới tài chính toàn cầu như Ngân hàng HSBC của Anh, UBS và Credit Suisse của Thuỵ Sĩ, Deutsche Bank của Đức, Société Générale của Pháp. Chưa kể rất nhiều ngân hàng nhỏ khác có trụ sở tại Thụy Sĩ, Luxembourg, Jersey và Monaco.

“Tài liệu Panama” cũng cho thấy một số ngân hàng có tên tuổi trên thế giới đã cố tình tiếp tay cho việc vi phạm các quy định kiểm soát tài chính thuế khoá và một số khác chọn cách lờ đi việc xác định danh tính thật của khách hàng hay lờ đi việc kiểm tra các khoản tiền giao dịch.

Trong khi đó nguyên tắc chuẩn của GAFI (tức Nhóm hành động tài chính – cơ quan chuyên trách chống rửa tiền hoạt động dưới sự bảo trợ của LHQ) là “Phải biết khách hàng của mình” đã được áp dụng lâu nay khắp thế giới và tất cả các ngân hàng đều được biết.

Trắng trắng, đen đen

Về nguyên tắc, các công ty bình phong là không bất hợp pháp nhưng chúng cũng khiến người ta dễ suy diễn đến những hoạt động đen tối như rửa tiền bẩn hoặc tiền do phạm tội mà có. Lấy một ví dụ, trong số các khách hàng của chi nhánh Ngân hàng UBS tại Miami, bang Florida (Mỹ) có một công ty bình phong tên Chayofa Corp được Công ty luật Mossack Fonseca đăng ký giúp.

Chủ sở hữu công ty này là Giuseppe Donaldo Nicosia – một doanh nhân được cho là thân cận với cựu thủ tướng Ý đầy tai tiếng Silvio Berlusconi. Nicosia từng bị kết tội trong vụ bê bối gian lận thuế VAT có dính líu đến mafia ở Ý. Ông ta đã bỏ trốn và bị Interpol phát lệnh truy nã tầm thế giới từ năm 2014.

Trong khi đó Ngân hàng HSBC, theo tài liệu Panama, có khách hàng tên Rami Makhlouf – là người nhà và cũng là người thân tín của Tổng thống Syria đương nhiệm Bachar Al-Assad.

Makhlouf là một doanh nhân có thế lực đang đứng đầu một tập đoàn công nghiệp và được xem là nhà kinh tài cho chính quyền Damascus. Công ty Drex Technologies SA của Makhlouf sử dụng dịch vụ của Mossack Fonseca từ năm 2000.

Makhlouf nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ từ năm 2008 nhưng phải chờ đến khi nội chiến Syria bùng nổ và được thế giới chú ý thì đến tháng 9-2011, Mossack Fonseca mới quyết định ngưng giao dịch với nhân vật này.

Trong khi đó, một loạt thư điện tử mật trong “Tài liệu Panama” cho thấy các chi nhánh của HSBC ở London và Geneva đánh giá rằng “không có vấn đề gì” khi giao dịch với vị khách hàng đang thuộc danh sách bị trừng phạt này.

Cho đến nay, kho dữ liệu của Mossack Fonseca chưa thể giúp tìm được chính danh chủ nhân những tài sản khổng lồ đang cất giấu trong các tài khoản, nhưng ít nhất cũng giúp nhìn thấy những khoản tiền khổng lồ đã dịch chuyển giữa nước này sang nước khác như thế nào.

Các dữ liệu bước đầu cho thấy những giao dịch này phức tạp đến mức khó lòng kiểm tra được (dù đây là bước bắt buộc theo luật quốc tế) nguồn gốc xuất phát hoặc điểm đến cuối cùng của những số tiền đó.

“Tài liệu Panama” cũng hé lộ cho thấy việc các ngân hàng chủ động “tái cân bằng” để né tránh các quy định của luật quốc tế. Chẳng hạn quốc gia nào siết chặt quy định về thuế khóa thì không lâu sau đó các công ty bình phong từ từ chuyển sang những quốc gia/lãnh thổ “dễ thở” hơn.

Chẳng hạn cho đến đầu những năm 2000, các công ty bình phong rất thích làm ăn ở quần đảo Virgin thuộc Anh vì môi trường ở đây cho phép mở và đóng công ty trong vòng chỉ 24 giờ.

Mãi đến năm 2004 đảo Tortola thuộc quần đảo Virgin mới bắt đầu có quy định siết chặt về tính ẩn danh của các công ty bình phong, và mãi bảy năm sau đó mới có quy định cấm hẳn việc giấu tên chủ sở hữu.

Virgin khó thì có Seychelles dễ. Phải đến năm 2011 quần đảo nhỏ bé thuộc Ấn Độ Dương này mới bắt đầu thật sự siết chặt quy định liên quan tài chính. Các ngân hàng cũng chẳng sợ vì họ còn đó những địa điểm trú ẩn như Panama, Hong Kong và Dubai…

Thủ tướng Canada kêu gọi hợp tác toàn cầu

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau xây dựng nền tài chính toàn cầu minh bạch hơn để những nhà đầu tư giàu có không còn cơ hội lách luật trốn thuế.

Trong phát biểu công khai đầu tiên về vụ rò rỉ “Tài liệu Panama”, ông Trudeau cho biết từ lâu chính quyền Ottawa đã biết rõ lách thuế đang là một vấn nạn. Qua vụ việc này, mức độ nhận thức của người dân về việc trốn thuế và lách thuế đã được nâng lên, nhưng cộng đồng quốc tế sẽ phải hợp tác với nhau để ngăn chặn các hoạt động trên.

Thủ tướng Trudeau đưa ra kêu gọi trong phiên họp đại hội thường niên của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) tại thành phố Montréal. RBC là ngân hàng cho vay lớn nhất Canada và đang trong “tâm bão” sau khi bị phát hiện là thể chế tài chính duy nhất của Canada có tên trong “Tài liệu Panama”.

Ngân hàng này bị cáo buộc có sử dụng dịch vụ của Công ty luật Mossack Fonseca và đã giúp các khách hàng thành lập 370 công ty ở nước ngoài.

__________

 

DŨNG NGUYÊN