25/01/2025

Tổ hợp xét tuyển: tuỳ thích!

Năm 2016, nhiều trường ĐH tuyển sinh các tổ hợp chẳng dính dáng gì với ngành học. Điều này có thể gây nhiều hệ luỵ cho người học sau này.

 

Tổ hợp xét tuyển: tuỳ thích!

 

 

Năm 2016, nhiều trường ĐH tuyển sinh các tổ hợp chẳng dính dáng gì với ngành học. Điều này có thể gây nhiều hệ luỵ cho người học sau này.

 

 

 

 

 

Tổ hợp xét tuyển: tùy thích!
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM năm 2015 – Ảnh: M.G.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH được tự chủ xác định tổ hợp xét tuyển cho ngành đào tạo. Tuy vậy, cũng có một số điều bắt buộc, như phải có ít nhất môn toán hoặc văn trong mỗi tổ hợp, không quá bốn tổ hợp/ngành.

Thế nhưng, rất nhiều trường không làm đúng quy định này, hoặc đưa vào các tổ hợp chẳng mấy ăn nhập với ngành học. Nhiều chuyên gia và cán bộ làm công tác đào tạo ở các trường cảnh báo: thí sinh cần hết sức cân nhắc với những tổ hợp “tréo ngoe” này.

Dược: toán – văn – 
tiếng Anh, tiếng Anh: văn – sử – địa

Theo thông tin tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, ngành dược của trường này tuyển sinh các tổ hợp toán – lý – hoá, toán – hoá – sinh, toán – hoá – Anh và cả toán – văn – Anh! Trong khi đó nhóm ngành quản trị, bao gồm cả quản trị kinh doanh của trường này cũng tuyển bốn tổ hợp khác nhau, trong đó có cả tổ hợp văn – sử – địa.

Tương tự, ngành dược của Trường ĐH Lạc Hồng cũng tuyển nhiều tổ hợp khác nhau, trong đó có tổ hợp toán – văn – tiếng Anh.

Trên đây là hai trường ĐH ở Việt Nam tuyển tổ hợp toán – văn – tiếng Anh cho ngành dược! Ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cũng tuyển cả tổ hợp văn – sử – địa bên cạnh các tổ hợp khác. Trường ĐH Hồng Đức cũng tuyển tổ hợp văn – sử – địa cho ngành quản lý tài nguyên môi trường.

Hàng loạt nhóm ngành khác như sư phạm, kiến trúc, thực phẩm, ngoại ngữ cũng có tình trạng này. Đơn cử như tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, các ngành ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Trung Quốc tuyển bốn tổ hợp khác nhau. Trong đó, ba tổ hợp đầu có môn tiếng Anh, tổ hợp cuối cùng lại là văn – sử – địa.

Theo khảo sát của chúng tôi, đây là trường ĐH duy nhất tại Việt Nam tuyển tổ hợp văn – sử – địa cho ngành ngôn ngữ Anh. Nhiều trường tuyển sinh ngành kiến trúc với tổ hợp không có môn vẽ! Với nhóm ngành thực phẩm, công nghệ sinh học, bên cạnh các tổ hợp truyền thống bao gồm môn sinh, hoá, rất nhiều trường tuyển sinh thêm các tổ hợp toán – văn – tiếng Anh, toán – lý – Anh, toán – lý – văn.

Trong khi đó, một nhóm ngành đặc thù khác là sư phạm cũng có những tổ hợp tuyển sinh khá lạ lùng. Tại Trường ĐH Hải Phòng, các ngành sư phạm vật lý, sư phạm hóa học tuyển cả tổ hợp toán – văn – tiếng Anh.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tuyển tổ hợp toán – lý – hóa cho ngành sư phạm sinh bên cạnh tổ hợp toán – hoá – sinh. Ở chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, ngành sư phạm sinh còn tuyển cả tổ hợp toán – lý – Anh, toán – hoá – Anh.

Trường ĐH Phú Yên lại tuyển tổ hợp toán – lý – Anh cho ngành sư phạm văn. Trường ĐH Bạc Liêu lại tuyển tổ hợp toán – lý – hoá và toán – lý – tiếng Anh cho ngành sư phạm sinh.

Thí sinh hết sức cân nhắc

Chúng tôi thử tìm hiểu chương trình đào tạo và nhận thấy sinh viên ngành quản trị du lịch nhà hàng khách sạn tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM sẽ phải học phần lớn môn học khối quản trị, chỉ có ít học phần thuộc khối xã hội.

Các môn học như nguyên lý thống kê, kinh tế lượng, quản trị tài chính, quản trị chiến lược, quản trị nhân sự, toán cao cấp, thanh toán quốc tế, thương mại điện tử… sẽ là thử thách không nhỏ với người không có kiến thức tốt về các môn tự nhiên.

Trong khi đó, ngành dược với kiến thức xuyên suốt chương trình đào tạo là hóa, nếu không có nền tảng tốt về môn học này, người học chắc chắn sẽ hết sức khó khăn để hoàn thành chương trình. Các ngành kiến trúc, sư phạm cũng tương tự.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – trưởng phòng tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trường cho rằng thí sinh xét tuyển tổ hợp văn – sử – địa sẽ phù hợp với nhóm ngành quản trị khách sạn, du lịch, trong khi với ngành quản trị kinh doanh vẫn có thể thích nghi được với tổ hợp trên.

Với ngành dược, đa số giáo trình đều bằng tiếng Anh, nên thí sinh học tốt môn này sẽ có lợi thế khi tiếp cận giáo trình; trong khi thí sinh học tốt hóa mà tiếng Anh không tốt, tuy có lợi thế về kiến thức hoá nhưng việc đọc tài liệu bằng tiếng Anh sẽ khó khăn. Với tổ hợp tuyển, trường muốn thử nghiệm với những học sinh học tốt hoá và tiếng Anh.

Ở quan điểm ngược lại, TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết trước năm 2015, nhóm ngành công nghệ sinh học – thực phẩm của trường tuyển cả tổ hợp toán – lý – tiếng Anh. Tuy nhiên, từ năm 2015 trường đã bỏ tổ hợp này, và đến 2016 thì bổ sung tổ hợp toán – hoá – sinh.

Ông Thông nói thêm rằng người học môn vật lý tốt chưa hẳn đã học giỏi ngành điện, dù môn học này liên quan đến điện rất nhiều. Nói vậy để thấy rằng các tổ hợp xét tuyển (có môn cơ sở) hiện nay chưa hẳn là cơ sở lựa chọn chính xác nhất cho người học, nhưng chí ít cũng có sự liên quan nhất định đến ngành.

Do vậy, môn xét tuyển đầu vào phải có sự liên quan nhất định đến ngành học, chương trình đào tạo sau này, nếu không sẽ khó khăn trong quá trình học. Kiến trúc mà không có môn vẽ, người học không có năng khiếu vẽ thì việc đào tạo lẫn học tập sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Không ít trường đưa ra các tổ hợp không liên quan đến ngành đào tạo như vậy có thể có nhiều lý do, trong đó có việc mở rộng nguồn tuyển cho mình.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM – cho rằng chương trình đào tạo ngành dược phần lớn liên quan đến hoá, kế đến là sinh học. Do vậy, tổ hợp xét tuyển ngành dược chủ yếu hiện nay của các trường là toán – lý – hoá hoặc toán – hoá – sinh, vì nó có nhiều môn gần với chương trình đào tạo. Do đó, môn tuyển sinh đầu vào cần phải gần với chương trình đào tạo, để người học cũng như nhà trường thuận lợi trong quá trình học tập.

Tương tự, TS Lê Thị Thanh Mai – ĐH Quốc gia TP.HCM – cảnh báo thí sinh xét tuyển các tổ hợp không có môn cơ sở của ngành cần hết sức cân nhắc. Những ngành mang kiến thức chung thí sinh có thể thích nghi được, nhưng những ngành đặc thù đòi hỏi thí sinh phải có thế mạnh, chẳng hạn với ngành công nghệ sinh học phải có thế mạnh về sinh. Nếu không có kiến thức nền tảng tốt, thí sinh sẽ gặp khó khăn trong quá trình học, khó có khả năng đào sâu, ứng dụng ngành học vào thực tế.

Tổ hợp phải logic

Ông Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT – chia sẻ: việc xác định tổ hợp tuyển sinh cần phải có tính logic và tính tương quan với ngành đào tạo. Bộ sẽ góp ý với Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội về việc tuyển sinh tổ hợp văn – sử – địa cho nhóm ngành ngoại ngữ.

Kỷ lục 8 tổ hợp xét tuyển

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi ngành không xét tuyển quá 4 tổ hợp. Tuy nhiên, theo thống kê của chúng tôi về tổ hợp tuyển sinh 2016, ngành có tổ hợp xét tuyển nhiều nhất lên đến 8 tổ hợp. Đó là ngành ngôn ngữ Trung Quốc của Trường ĐH Sao Đỏ.

Theo đó, ngành này tuyển các tổ hợp: toán – vật lý – tiếng Trung; toán – vật lý – tiếng Anh; toán – ngữ văn – tiếng Trung; toán – ngữ văn – tiếng Anh; văn – địa – tiếng Trung; văn – địa – tiếng Anh; văn – sử – tiếng Trung và văn – sử – tiếng Anh.

Năm 2015, một số trường ĐH tuyển sinh đến hơn 10 tổ hợp/ngành. Bộ GD-ĐT sau đó đã góp ý và điều chỉnh còn tối đa 4 tổ hợp/ngành.

MINH GIẢNG ([email protected])