Thạc sĩ về quê trồng nghệ
06/04/2016Nhân vật mà chúng tôi đề cập ở đây chính là anh Trần Minh Đức, trú xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ, Quảng Trị.
Học một đàng, thành công một nẻo:
Thạc sĩ về quê trồng nghệ
Nhân vật mà chúng tôi đề cập ở đây chính là anh Trần Minh Đức, trú xã Cam Nghĩa, H.Cam Lộ, Quảng Trị.
Quyết định lạ kỳ
Vùng Cùa, nơi Đức sinh ra, vốn là một vùng bán sơn địa, từng được vua Hàm Nghi dừng chân trên đường chạy giặc và thảo chiếu Cần Vương. Vùng đất này trải qua chiến tranh ác liệt và để lại di chứng chất độc da cam nặng nề đối với người dân. Nhưng nhắc đến Cùa, người ta nhớ ngay đến sản vật cao lá vằng và nghệ.
Trong gian nhà gỗ mà cột kèo được xây dựng công phu, anh Đức tiếp chúng tôi với một đôi tay… vàng khè. Không chút ngại ngùng, Đức phân bua tếu táo: “Trồng nghệ, làm bột nghệ mà muốn tay được tinh tươm thì nên bỏ nghề”.
Đức kể, dù cảnh nhà khó khăn nhưng thuở trước anh đã cố gắng học hành và tốt nghiệp ngành giáo dục công dân của Trường ĐH Sư phạm Huế. Dạy học ở Quảng Nam ít lâu thì Đức tiếp tục học xong thạc sĩ ngành kinh tế chính trị và đường đường là giảng viên một trường CĐ ở TP.HCM. Vậy mà, sau bao nhiêu công học hành, phấn đấu, vào một ngày “đẹp trời” Đức gạt bỏ cái… rụp. Nhiều người không hiểu đầu đuôi, chỉ lắc đầu bảo Đức là thằng khùng, thằng điên. Đắng nhất là câu hờn trách của cha mẹ anh, rằng: “Con làm rứa thì mấy em nhụt chí học hành hết trơn”. Nhưng Đức có lý do của riêng mình.
Đó là những ngày lang thang đất khách quê người, mỗi lần về quê anh thường mang đặc sản cao lá vằng vào làm quà biếu. Bất chợt anh nhận ra, thứ cao này có sức hút kỳ lạ với những người dân thành phố, những người không sinh ra và lớn lên ở xứ Cùa như anh. Đức tự hỏi sao mình không góp phần nâng đặc sản quê nhà lên một tầm cao mới.
Nói là làm, anh gói ghém đồ đạc trở về quê, mặc cho bao lời xì xào của bà con chòm xóm, của bạn bè cùng trang lứa. Anh cứ cặm cụi làm việc mà không phân bua gì nhiều dù bước đầu khởi nghiệp chỉ là tay bán hàng rong cao lá vằng. “Cách đây 4 năm, mỗi ngày tôi thường lấy hàng của các hộ làm cao lá vằng ở Cùa rồi chở xe máy đi khắp vùng của Quảng Trị. Tích tiểu thành đại vậy thôi chứ ngày đó tôi làm gì có nhiều”, Đức kể.
Thấy Đức đi đi về về, có người hàng xóm sang nhờ anh luôn tiện đem mớ bột nghệ vàng đi bán giúp. Tưởng khơi khơi vậy nhưng sản phẩm bột nghệ hút hàng không kém gì cao lá vằng. Và một ý tưởng khác chợt lóe lên trong đầu chàng trai kỳ lạ này…
Đắm mình vào sản vật quê hương
Đức bén duyên với củ nghệ từ dạo đó. Đêm về anh vắt tay lên trán nghĩ ngợi rằng đất đai xứ Cùa màu mỡ, trồng nghệ vàng ra củ chất lượng cao, thơm và bùi, giá lúc nào cũng cao hơn nhiều so với nghệ trồng ở nơi khác. “Vậy nhưng bà con ở Cùa chỉ chăm chăm vào nấu cao mà bỏ quên củ nghệ. Thường họ chỉ trồng dăm ba bụi trong vườn để ăn cho vui mà thôi”, Đức nói.
Với một niềm tin kỳ lạ về sự thành công cùng củ nghệ, thứ theo anh là cây thuốc quý được đánh giá cao trong số vô vàn các cây thuốc cổ truyền, Đức đã biến cả khu đất rộng mênh mông của gia đình thành vườn nghệ. Những ngày này, đến nhà Đức chơi chỉ thấy đâu cũng là những bụi nghệ xanh mởn, cao quá đầu gối người. Người làng thấy Đức sớm tối lo cho vườn nghệ, lại biết anh chàng này chưa có vợ con, có người chọc Đức rằng: “Chăm củ nghệ như chăm con”. Nhưng để lấy ngắn nuôi dài anh vẫn miệt mài với vai trò “con buôn” cao lá vằng khắp nẻo.
Bao đợi mong của Đức đã được đền đáp thành công, khi những vụ thu hoạch đầu tiên, vườn nghệ của anh cho rất nhiều củ, củ nhiều bột và chất lượng tốt. Như trong cơn say, suốt mấy tuần liền anh hì hục xay, lọc bột nghệ, để khi có được mẻ nghệ vàng óng ánh, thơm nức trên tay mình, Đức vui như vỡ oà…
“Những mẻ nghệ đầu tiên khi chưa có bạn hàng, tôi chủ yếu để lại cho những người thân quen của mình, bạn bè trong tỉnh, có cả những thầy cô giáo của tôi ở Huế… Được cái là ai cũng khen bột nghệ tốt, ai cũng ủng hộ. Về sau, tiếng lành đồn xa, đã có người tự tìm đến nhà tôi hỏi mối, mua sỉ”, Đức chia sẻ.
Vườn nghệ và món bột nghệ của Đức đã thực sự làm không ít người dân xứ Cùa này bừng tỉnh. Họ bắt đầu trồng nghệ. Còn chàng thạc sĩ kinh tế chính trị thì đi đến từng nhà hỗ trợ kỹ thuật. Đổi lại, những người dân sẽ bán nghệ tươi cho Đức.
Đầu tư thêm nhiều loại máy móc, hiện nay mỗi ngày cơ sở của Đức có thể lọc, xay khoảng 5 tạ nghệ tươi. Tinh bột nghệ của Đức được sản xuất đạt tiêu chuẩn sạch, không sử dụng hoá chất và đúng quy trình nên giữ được màu vàng tự nhiên. Hiện trên toàn quốc Đức đã có tận 10 đại lý, chuyên nhận bán bột nghệ cho mình.
Sự nỗ lực của Đức chỉ có thể lý giải bằng một niềm đam mê, mà đến bây giờ khi gặp người viết, Đức vẫn chỉ thao thao bất tuyệt về nghệ và nghệ. “Tôi chưa từng hối hận khi bỏ nghề dạy học để đeo đuổi kinh doanh, làm trái nghề, khó khăn đó nhưng biết vận dụng, gắng học hỏi thì sẽ tìm thấy biện pháp”, Đức chia sẻ bí quyết.
Nụ cười an tâm của bố mẹ Đức khi nhìn đứa con trai và ánh mắt biết ơn của bà con được Đức tạo công ăn việc làm dành cho anh là minh chứng tuyệt diệu cho điều đó.
Nguyễn Phúc – Thanh Lộc